Nghề tư vấn tài chính
Ai cũng có quyền nói chuyện tài chính, nhưng để cho lời khuyên về tiền của người khác thì phải có giấy phép.
Không ít người Việt Nam vẫn khá dễ dãi trong việc nhận những lời khuyên tài chính, đặc biệt từ người thân. Tuy nhiên, khi tổn thất xảy ra thì người nhận lời khuyên cũng chỉ “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Mặt khác, dù lĩnh vực tư vấn tài chính đã tồn tại từ lâu ở Việt Nam, nhưng vẫn chưa có những tiêu chuẩn giúp người dân nhận diện các tư vấn viên đa lĩnh vực và chuyên nghiệp.
Như Anh Nguyễn Tấn Tài, 26 tuổi, ngụ tại quận 3, TP.HCM chia sẻ, mỗi khi cần những lời khuyên về tài chính, anh thường hỏi người thân và bạn bè xung quanh để nghe kinh nghiệm. Những lời khuyên này có đúng, có sai, nhưng vì là người thân nên anh cũng chưa bao giờ trách.
“Như vừa qua giá vàng lên, mình có nghe bố mẹ khuyên là nên mua vàng để trữ, để sau này có việc cần dùng thì còn có thể đem ra xoay sở. Sau khi mua xong thì mới có thông tin Nhà nước bán vàng bình ổn, giá vàng giảm sâu. Bây giờ khi có việc cần dùng đến, mình muốn bán ra thì lại mất giá rất nhiều, không đủ để xoay sở. Tuy nhiên, mình cũng không thể trách ba mẹ được, vì họ cũng chỉ muốn tốt cho mình. Mình cũng muốn tìm một tư vấn viên tài chính cá nhân, nhưng chưa biết làm sao để nhận diện”, anh Tài chia sẻ.
Diễn biến giá vàng từ tháng 5 đến nay
|
Hay như trường hợp của chị Lê Thị Ánh Vân, 28 tuổi, ngụ tại quận 2, TP.HCM cho biết, sau nhiều lần nhận những lời khuyên về tiền bạc không hiệu quả từ người thân, cũng muốn tìm một tư vấn viên tài chính có thể cho lời khuyên về nhiều mảng trong tài chính. Tuy nhiên, sau thời gian dài tìm kiếm, chị vẫn chưa tìm được người như ý.
“Mình đến công ty bảo hiểm, thì nhiều tư vấn viên nói rằng, bản thân họ có khả năng tư vấn tài chính toàn diện, nhưng thực tế chỉ có bán bảo hiểm. Hay đến công ty chứng khoán, những nhân sự này cũng tự xưng là làm nghiệp vụ tư vấn tài chính cá nhân, nhưng công tác chính của họ chỉ là bán chứng khoán…Mình chưa thể tìm được một tư vấn viên có thể tư vấn cho mình nhiều mảng khác nhau, có thể quản trị đa lớp tài sản”, chị Vân chia sẻ.
Hoạt động tư vấn tài chính ở Việt Nam vẫn chưa có sự phân biệt rõ ràng chức năng của các loại hình tư vấn bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng với tư vấn tài chính toàn diện. Điều này đã dẫn đến nhiều vấn đề như tình trạng nhập nhằng tư vấn bảo hiểm thành tiền gửi tiết kiệm; tư vấn trái phiếu, chứng khoán thành tiền gửi – những điều đã để lại hậu quả không nhỏ trong năm 2023. Hay gần đây nhất là dù chỉ công tác ở một lĩnh vực duy nhất, nhưng không ít tư vấn viên lại tuyên bố mình có thể quản trị đa lớp tài sản. Điều này dẫn đến không ít rủi ro cho người nhận khuyến nghị.
Trên thực tế, trong nước cũng đã có lĩnh vực tư vấn tài chính cá nhân toàn diện, nhưng các tiêu chuẩn để giúp người dân nhận diện những tư vấn viên chuyên nghiệp, được phép tư vấn nhiều lĩnh vực vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.
Về vấn đề này, tại diễn đàn hoạch định tài chính cá nhân Việt Nam 2024, ông Nguyễn Đức Thắng – Chủ tịch Gama Việt Nam cho biết, ở các nước phát triển tư vấn tài chính là một nghề danh giá, như bác sĩ hoặc luật sư. Bởi nhân sự ngành này phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe với nhiều loại giấy phép chuyên biệt cho từng loại hình sản phẩm muốn tư vấn
“Ở nước ngoài, người ta quy định, ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến của mình về tài chính, nhưng để cho lời khuyên về tài chính hoặc đặc biệt là liên quan đến tiền của người khác thì phải có giấy phép”, ông Thắng chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Thắng
|
Ở các nước phát triển, có 4 tiêu chuẩn để đánh giá một người tư vấn tài chính cá nhân. 1) nền tảng giáo dục; 2) các giấy phép hành nghề; 3) chứng chỉ tay nghề; 4) kinh nghiệm làm việc.
Đối với nền tảng giáo dục, không ít quốc gia phát triển không yêu cầu nền tảng giáo dục tối thiểu, nhưng khuyến khích tư vấn viên có trình độ đại học trở lên. Bởi nhân sự trong lĩnh vực tài chính sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp, nếu không có nền tảng giáo dục tốt, sẽ khó lòng tiếp thu được những kiến thức đó, dẫn đến không đảm bảo chất lượng tư vấn cho khách hàng.
Với các giấy phép hành nghề, tư vấn viên phải có giấy phép cho từng lĩnh vực chuyên biệt. Ví dụ các loại sản phẩm bảo hiểm, cổ phiếu, trái phiếu, tiền gửi đều có những giấy phép riêng.
Người tư vấn viên tài chính được kính trọng là vì kiến thức, năng lực chuyên môn và trình độ của họ sẽ giúp khách hàng hoạch định được tài chính một cách tốt nhất. Do đó, ở các thị trường phát triển, người tư vấn viên luôn không ngừng nâng cao kiến thức thông qua các chứng chỉ chứng minh tay nghề như CFP, CFA,…
Cuối cùng là kinh nghiệm làm việc. Bất cứ một người tư vấn nào cũng phải rèn luyện thông qua việc thực tế của bản thân, dám dấn thân tích lũy kinh nghiệm thực tế.
Hà Kim Thành
FILI
|