Johnson & Johnson lại đối mặt vụ kiện tập thể mới liên quan đến phấn rôm
Hàng nghìn phụ nữ đệ đơn kiện Johnson & Johnson với cáo buộc sau thời gian sử dụng một số sản phẩm của hãng này, họ được chẩn đoán đã mắc ung thư hoặc có thể mắc ung thư trong tương lai.
Công ty dược phẩm và mỹ phẩm Johnson & Johnson (J&J) tiếp tục hứng chịu “sóng gió” khi phải đối mặt với một vụ kiện tập thể mới, trong đó lần đầu tiên yêu cầu hãng chi trả cho việc theo dõi và kiểm tra sức khỏe định kỳ để sàng lọc và phát hiện sớm ung thư do sử dụng phấn rôm và các sản phẩm chứa bột talc khác.
Đơn kiện tập thể, được hàng nghìn phụ nữ đại diện cho những người đã được chẩn đoán mắc ung thư hoặc có thể mắc căn bệnh này trong tương lai, đệ đơn lên một tòa án liên bang ở New Jersey (Mỹ), ngày 17/6 vừa qua.
Đơn kiện yêu cầu J&J bồi thường thiệt hại và lần đầu tiên yêu cầu hãng chi trả cho việc theo dõi và kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện bệnh sớm.
Đây là vụ kiện tập thể mới nhất mà J&J đang phải đối mặt, trong đó các nguyên đơn cho biết đã mắc bệnh ung thư sau thời gian sử dụng một số sản phẩm của hãng này.
Đơn kiện này không bao gồm hơn 61.000 người đã nộp đơn kiện cá nhân đối với J&J với cáo buộc sản phẩm của hãng có chứa amiăng gây ung thư.
Tuy nhiên, J&J khẳng định phấn rôm trẻ em và các sản phẩm chứa bột talc khác của hãng an toàn, không chứa amiăng và không gây ung thư.
Các công ty luật đại diện cho bên nguyên đơn trong vụ kiện mới đã phản đối phương án của J&J về việc chi 6,48 tỷ USD để dàn xếp các vụ kiện liên quan đến phấn rôm thông qua kế hoạch nộp đơn xin bảo hộ phá sản lần thứ ba.
Các công ty luật này cũng đại diện cho bên nguyên đơn trong một vụ kiện tập thể khác, trong đó yêu cầu tòa án bang New Jersey bác đơn xin phá sản nói trên của J&J.
Đề xuất dàn xếp các vụ kiện thông qua kế hoạch nộp đơn phá sản cần sự ủng hộ của 75% số nguyên đơn có khiếu nại liên quan đến phấn rôm.
J&J bắt đầu tiến hành thời hạn bỏ phiếu kéo dài 3 tháng đối với những người đòi bồi thường và dự kiến kết thúc vào ngày 26/7.
Phó Chủ tịch phụ trách pháp lý toàn cầu của J&J, ông Erik Haas, cho biết các công ty luật đại diện cho bên nguyên đơn trong vụ kiện tập thể ngày 17/6 vừa qua đã cản trở kế hoạch nộp đơn phá sản của hãng, cho rằng các luật sư có thể thu được nhiều chi phí hơn.
Trong khi đó, các luật sư bên nguyên đơn nói rằng số tiền mà J&J đề xuất trong phương án dàn xếp trị giá 6,48 tỷ USD nói trên thậm chí không đủ chi trả bồi thường cho các nguyên đơn.
Trong các đơn kiện đã được dàn xếp trước đó và đơn kiện mới nói trên, các nguyên đơn cáo buộc rằng họ mắc bệnh ung thư sau thời gian sử dụng một số sản phẩm chứa bột talc của hãng J&J, hầu hết là phụ nữ mắc ung thư buồng trứng và ung thư phụ khoa. Một số trường hợp liên quan đến ung thư trung biểu mô.
J&J đã hai lần tìm cách giải quyết các vụ kiện hiện tại và tương lai thông qua chiến lược phá sản. Theo đó, J&J thiết lập một công ty mới mang tên LTL Management LLC, để chịu trách nhiệm giải quyết hàng chục nghìn nguyên đơn liên quan đến sản phẩm phấn rôm.
Sau đó, công ty con này nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào năm 2021 - động thái được cho là nhằm cản trở các vụ kiện chống J&J.
Tuy nhiên, cả hai lần nộp đơn phá sản đều thất bại do các tòa án đều phán quyết rằng J&J và công ty con không gặp khó khăn về tài chính nên không đủ điều kiện để xin phá sản.
Nguyễn Hà
Vietnamplus
|