Đề xuất đánh thuế giao dịch vàng
Ngày 09/06/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức cuộc họp để trao đổi về chính sách quản lý thị trường vàng và bàn sửa đổi Nghị định số 24/2012/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định số 24).
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại cuộc họp
|
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, vàng cũng là câu chuyện của quốc tế không chỉ riêng Việt Nam. Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã có nhiều giải pháp. NHNN có kế thừa giải pháp đấu thầu vàng (từng triển khai năm 2013); tuy nhiên, chênh lệch giá bán vàng miếng SJC với giá thế giới chưa giảm như kỳ vọng. Giai đoạn này có nhiều khác biệt năm 2013. NHNN triển khai biện pháp can thiệp mới là từ ngày 03/06, NHNN bán vàng trực tiếp qua 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) và Công ty Vàng bạc đá quý (SJC) để các đơn vị này bán vàng cho người dân.
Thống đốc cho biết qua một tuần triển khai, bước đầu đã đạt được là chênh lệch giá bán vàng miếng SJC và giá vàng thế giới được thu hẹp.
Phát biểu tại cuộc họp, đa số ý kiến của các chuyên gia kinh tế đánh giá NHNN cần có giải pháp hữu hiệu để thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tránh hệ lụy tiêu cực của tình trạng này như: buôn lậu, trốn thuế, quản lý ngoại tệ chuyển ra nước ngoài… Báo chí đã thông tin rộng rãi về sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN cần có giải pháp thực hiện ngay và hiệu quả.
Đặc biệt, các chuyên gia đánh giá cao phương án mới NHNN bán vàng miếng SJC trực tiếp cho 4 NHTMNN và Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) để bán vàng miếng SJC trực tiếp tới người dân. Phương án mới này của NHNN, được dư luận đồng tình ủng hộ và cho rằng sẽ có kết quả giảm giá chênh theo mục tiêu nhưng cần có giải pháp dài hạn như sửa đổi Nghị định 24 cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Sớm kiến nghị xây dựng các chính sách thuế đối với vàng
Các chuyên gia cũng đưa ra những giải pháp, kiến nghị đối với NHNN trong thời gian tới. Về giải pháp khắc phục những dấu hiệu bất ổn trong thị trường vàng hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi đề xuất NHNN cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng. Việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng; giải pháp trên có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng. Bên cạnh đó, việc áp dụng thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Hiện nay, các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản…. cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp.
Cùng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, GS. TS Hoàng Văn Cường cho rằng giữa việc nhập khẩu vàng làm vàng nguyên liệu cho việc chế biến trang sức và nhập khẩu làm vàng miếng trao đổi thì hai mục tiêu này khác nhau nhưng dù thế nào cũng phải thu thuế.
Còn TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng công cụ hữu hiệu nhất là thuế, nếu không khuyến khích thì thuế cao, còn không thì giảm xuống. Việc chống buôn lậu đôi khi dùng các biện pháp hành chính không hiệu quả bằng thuế.
TS.Trương Văn Phước cũng cho rằng việc hạn chế vàng cũng là cần thiết, đáp ứng có giới hạn, đáp ứng quyền tự do tiếp cận vàng nhưng cũng cần tôn trọng quyền tự do tiếp cận các mặt hàng thiết yếu trong nền kinh tế. Thuế là một công cụ điều tiết của bất cứ Nhà nước nào. Bất động sản hay vàng hay bất kỳ nguồn thu nào khác. “Dĩ nhiên cũng có nhiều quan điểm trong bối cảnh người dân đổ xô đi mua vàng, đầu cơ, tích trữ như thế. Đến một lúc nào đó, tôi nghĩ rằng Nhà nước cũng có thể sử dụng thuế để điều tiết, không chỉ là điều tiết thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người tiêu dùng”, ông Phước nói.
Kinh nghiệm quốc tế không khuyến khích người dân giữ vàng
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng vấn đề vàng hóa, trong 10 năm vừa qua, NHNN và Chính phủ thành công trong việc chống vàng hóa ở mức độ nào đó. Người dân hiện không còn dùng vàng như đơn vị để thanh toán. Các ngân hàng không huy động vàng, không cho vay vàng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu dẫn chứng lấy mô hình trên thế giới để thấy nước không có vàng hóa: Mỹ. Nước Mỹ họ cũng bán vàng vật chất và vàng trang sức nhưng bên cạnh vàng vật chất và vàng trang sức, thị trường chứng khoán Mỹ có những sản phẩm để đầu tư vào vàng, chứng khoán trong những công ty. “Người ta đầu tư vào chứng khoán vàng, người dân ở Mỹ không mua vàng, họ mua là mua mấy đồng coin thôi. Ở Việt Nam rất lạ là những ngày vừa rồi chưa có gia đình nào bị cướp vàng. Ở Mỹ thì sợ mang vàng về nhà bị cướp, nên họ không bao giờ giữ vàng ở nhà, và họ phải mua bảo hiểm vàng”, TS. Hiếu nói.
Còn TS.Lê Xuân Nghĩa cho rằng để quản lý thị trường vàng phải có những giải pháp căn cơ, quan tâm đầy đủ đến xây dựng biện pháp quản lý vàng, học tập kinh nghiệm các nước, quản lý bằng thuế là quan trọng nhất, một số nước bằng quota, hoặc chống độc quyền hạn chế cạnh tranh, gian lận thương mại…
Người dân tham gia hoạt động mua vàng để đầu cơ lúc này là hết sức rủi ro
Các chuyên gia cũng đưa ra những cảnh báo để người dân thận trọng khi mua vàng. Theo TS.Trương Văn Phước, NHNN bán vàng cho 4 NHTMNN và Công ty SJC và giá vàng đã xuống. Người dân tập trung mua vàng rất lớn. Với góc nhìn của biến động thị trường, TS.Trương Văn Phước cho rằng lúc này, người dân cần hết sức thận trọng vì chỉ một động thái NHTW Trung Quốc ngưng mua vàng cho dự trữ thì giá vàng mỗi đêm giảm từ 80-100 USD, cũng như nhiều biến số kinh tế của Mỹ và châu Âu… “Người dân cần thận trọng, dĩ nhiên tài sản là quyền của công dân, pháp luật không cấm mua bán nhưng nên thận trọng”, TS.Trương Văn Phước nhấn mạnh.
Theo TS Trương Văn Phước, có thể nói trong hơn 12 năm qua, Nghị định 24 đã có đóng góp quan trọng cùng với các chính sách như không cho các TCTD huy động vàng, không cho các giao dịch vàng qua các sàn…, chúng ta chứng kiến tập quán của người dân Việt Nam đã thay đổi nhiều. Vàng không là phương tiện trao đổi, định giá, thậm chí không còn là phương tiện cất giữ tài sản nữa. Trong Nghị định 24, do SJC chiếm số lượng lớn, NHNN muốn việc chế biến gia công đó phải sử dụng nguồn nguyên liệu chủ động từ NHNN. Tôi cho rằng đó là hướng tiếp cận chính sách đúng trong 10 năm qua. Sắp tới, tôi nghĩ giá cả bao nhiêu sẽ để thị trường quyết định. Tuy nhiên, NHNN với tư cách nắm giữ dự trữ ngoại hối quốc gia, mà vàng là tài sản có nguyên liệu do thị trường quốc tế quyết định, nên NHNN nên giữ lấy quyền xuất nhập khẩu vàng. Còn việc chế biến gia công nên trao lại cho doanh nghiệp hoặc TCTD có điều kiện. “Như vậy, chúng ta sẽ chứng kiến sự điều tiết của thị trường vàng theo quy luật cung cầu và giá cả chắc chắn không có sự chênh lệch như thời gian vừa qua, dĩ nhiên đó là góc nhìn riêng của tôi. Dần dần, người dân sẽ rời xa vàng vật chất”, TS. Phước nói.
Về phía người dân, TS Trương Văn Phước có lời khuyên là nên thận trọng, nên mua ít, nếu mua nhiều mà giá xuống nhiều thì chúng ta phải gánh những khoản lỗ do chính công sức chúng ta tạo ra.
“Việc cung ứng vàng ra thị trường của NHNN là một nỗ lực của Chính phủ là kéo giá vàng xuống. Bên cạnh vàng, Chính phủ hay NHNN còn phải cân đối với bao nhiêu mặt hàng khác thiết yếu cho đời sống của người dân. Nếu một hôm không cầm 1 lượng vàng thì chắc chắn chúng ta vẫn sống, nhưng nếu một hôm chúng ta không có xăng dầu, phân bón, gạo, nhu yếu phẩm thì sẽ thế nào… Cho nên cũng cần thông cảm rằng việc NHNN cung ứng một lượng vàng để đáp ứng cho người dân như vậy là tốt”, TS Trương Văn Phước nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi nhấn mạnh chỉ khi đầu tư mua vàng mà giá vàng tăng lên lúc ấy mới kiếm lời, nếu giá vàng giữ nguyên hoặc giảm thì chỉ là mình giữ được 1 chỉ vàng, sau 5 năm, 10 năm vẫn là 1 chỉ vàng. Do đó, theo tôi, người dân phải rất cân nhắc trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều kênh đầu tư có thể kiếm lời cho những người tiền ít vẫn muốn đi mua vàng, cái kênh theo tôi thấy phù hợp với những người dư giật không nhiều vẫn là gửi tiền tiết kiệm. “Nếu vẫn chưa có đủ điều kiện để đầu tư chứng khoán vì đầu tư chứng khoán cần am hiểu hoặc vẫn không có đủ tiền để đầu tư bất động sản thì vẫn nên gửi tiết kiệm, còn gom để mua 1, 2 cây vàng để khi gia đình có công có việc hoặc là tổ chức cưới con cháu thì còn được, còn bảo mua vàng để chờ lên giá bán đi thì tôi nghĩ 1 cây mức lời cũng khiêm tốn”, PGS. TS Mùi phân tích.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết NHNN đánh giá vàng sức hấp dẫn còn rất lớn; nhu cầu dự trữ vàng trong dân lớn. Do đó, cần nghiên cứu khai thác nguồn lực vàng vào sản xuất kinh doanh. Mặt khác, tình trạng đô la hóa, vàng hóa vẫn tồn tại trong nền kinh tế, việc xử lý cần thời gian.
Phó Thống đốc cho hay NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu Nghị định 24, mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế, không để vàng hóa tác động đến điều hành chính sách tiền tệ, đến tỷ giá, ngoại hối, cán cân thanh toán; không để giá vàng chênh lệch cao so với giá thế giới; không để vàng ảnh hưởng đến chính sách kinh tế, không tác động tâm lý xã hội; nghiên cứu từng bước đưa nguồn lực vàng trong dân vào sản xuất - kinh doanh.
Phó Thống đốc nhấn mạnh việc can thiệp của NHNN vừa qua là có cơ sở pháp lý (Nghị định 50/2014 về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước; Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; Nghị định 16/2017 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN; Thông tư 06/2013 hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2014/TT-NHNN ngày 10/12/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước...).
Kết luận buổi họp, Thống đốc cảm ơn các ý kiến đóng góp của chuyên gia. NHNN sẽ tổng hợp lại, tham mưu Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định 24, cân nhắc điều chỉnh cần thiết phương pháp trong thời gian tới khi chờ sửa Nghị định 24.
Thống đốc nhấn mạnh mục tiêu xuyên suốt của NHNN là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, để người dân chuyển vàng vào sản xuất - kinh doanh.
Mục tiêu xuyên suốt Nghị định 24 là ổn định vĩ mô, không ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ; không ảnh hưởng kinh tế vĩ mô. Cách thức điều hành của NHNN cũng phải rà soát rất kỹ. Thống đốc cũng đồng tình nên sửa Nghị định 24 trong thời gian tới.
Hàn Đông
FILI
|