Thứ Tư, 15/05/2024 11:02

Tín dụng ì ạch - ngân hàng thiếu động lực huy động vốn?

Tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay vẫn ì ạch, nên các nhà băng cũng giảm động lực huy động vốn, tạo điều kiện cho lãi suất giảm xuống mức thấp trong những tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, xu hướng này liệu có thay đổi trong giai đoạn tới, trong bối cảnh nhiều áp lực đang đè nặng lên lãi suất huy động đầu vào?

Ì ạch vì đâu?

Sau khi tăng trưởng âm 0.72% trong 2 tháng đầu năm nay, dư nợ tín dụng toàn ngành đảo chiều tăng trở lại trong tháng 3 để đạt mức tăng 1.34% so với đầu năm tính đến hết quý 1/2024. Những tưởng đó là tín hiệu hoạt động tín dụng đang mạnh mẽ trở lại, tuy nhiên số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cho thấy đến hết tháng 4/2024, tăng trưởng tín dụng cũng chỉ đạt 1.52%, tức tăng thêm vỏn vẹn 0.18% trong tháng 4 vừa qua.

Theo đó, mức tăng tuyệt đối của riêng tháng 4 chỉ xấp xỉ hơn 24,400 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ toàn nền kinh tế đến cuối tháng 4 lên chưa tới 13.78 triệu tỷ đồng. Cần lưu ý rằng, mức tăng của dư nợ tín dụng trong tháng 3 cũng chủ yếu diễn ra vào những ngày cuối tháng, do các ngân hàng chạy chỉ tiêu cuối quý chứ không hẳn đến từ nhu cầu vay vốn đang phục hồi mạnh mẽ trở lại.

Cụ thể, số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO) công bố đến ngày 25/3 cho thấy, dư nợ tín dụng chỉ mới tăng 0.25% so với đầu năm; đến ngày 28/3 tốc độ tăng đã lên 0.9% và chỉ một ngày sau đó lên mức 1.34%, tức chỉ riêng ngày làm việc cuối cùng của quý 1 dư nợ đã tăng đến 0.4%, tương đương tăng hơn 59,700 tỷ đồng, gấp 2.4 lần mức tăng của cả tháng 4 vừa qua.

Báo cáo tài chính quý 1 của các ngân hàng cũng cho thấy, sự phân hóa trong tăng trưởng tín dụng, trong đó một số ngân hàng có quy mô lớn thậm chí vẫn ghi nhận mức tăng trưởng âm. Đơn cử như Vietcombank – 1 trong 4 nhà băng có quy mô dư nợ lớn nhất hệ thống, báo cáo dư nợ cho vay giảm 0.3% so với cuối năm 2023. Hay như SHB giảm 0.2%, TPBank giảm 2.2%, thậm chí ABBank giảm mạnh đến 19.3%. Ngoài ra còn có các ngân hàng như BVBank, SaigonBank, PGBank giảm lần lượt 1.2%, 1.1% và 0.4%.

Ngoài ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ với hoạt động cho vay thường chậm trong giai đoạn đầu năm, rủi ro nợ xấu tăng nhanh trong thời gian qua cũng khiến các ngân hàng kiểm soát hoạt động cho vay theo cách thận trọng hơn. Báo cáo quý 1 cho thấy, hầu hết các ngân hàng đều chứng kiến nợ xấu tiếp tục tăng trong 3 tháng đầu năm nay, sau khi đã tăng mạnh trong năm 2023. Giới phân tích cũng nhận định nợ xấu vẫn chưa đạt đỉnh, trong khi các ngân hàng cũng đang trông chờ Thông tư 02/2023/TT-NHNN về việc tái cơ cấu nợ sẽ tiếp tục được gia hạn thực hiện đến hết năm nay.

Dù nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phục hồi tích cực hơn trong quý 1 vừa qua, nhưng những rủi ro tiềm ẩn vẫn hiện hữu, hoạt động của các doanh nghiệp lẫn thị trường lao động trong nước vẫn đối mặt nhiều khó khăn. Số liệu của GSO cho thấy, 4 tháng đầu năm nay tiếp tục chứng kiến 86.4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 12.2% so với cùng kỳ năm 2023. Cũng cần lưu ý các khoản vay dù được tái cơ cấu, nhưng khả năng để các ngân hàng rót thêm vốn tín dụng cho các doanh nghiệp đã được tái cơ cấu này là rất hãn hữu.

Ngoài ra, việc Chính phủ thời gian qua liên tục có chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ hơn việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp sân sau của ban lãnh đạo các tổ chức tín dụng (TCTD), có lẽ cũng đã ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của các nhà băng, khi mà trong những năm qua, một lượng vốn tín dụng không nhỏ đã được rót vào các doanh nghiệp sân sau của các cổ đông ngân hàng.

Thiếu động lực huy động vốn?

Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm, các ngân hàng cũng không có động lực phải huy động vốn bằng mọi giá như giai đoạn trước. Nếu như dữ liệu công bố từ GSO cho thấy, tăng trưởng huy động vốn toàn ngành tính đến ngày 25/3 giảm 0.76% so với đầu năm, kết quả từ báo cáo tài chính quý 1 của các TCTD cũng không mấy sáng sủa, với huy động vốn của nhiều nhà băng giảm mạnh so với cuối năm 2023.

Với tăng trưởng tín dụng tháng 4 vừa qua vẫn chậm, xu hướng lãi suất đang đi lên trở lại trong 1 tháng rưỡi qua, dường như không phải do nhu cầu vốn để kinh doanh tăng cao, mà chủ yếu để ứng phó với diễn biến giá vàng và đô la Mỹ liên tục tăng cao đã ảnh hưởng tiêu cực lên nguồn tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng.

Cụ thể, có đến 10 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng huy động vốn ở mức âm trong quý 1 vừa qua, như ABBank giảm 14.3%; MBBank giảm 4.7%; TPBank giảm 4.2%; OCB giảm 2.8%; VCB giảm 2.7%; SHB giảm 2.1%; KienLong Bank giảm 1.4%; VIB giảm 1.2%; BacA Bank giảm 0.4% và SaigonBank giảm 0.2%. Trong khi đó, các ngân hàng có quy mô lớn như Vietinbank hay BIDV cũng chứng kiến mức tăng trưởng huy động vốn khiêm tốn tương ứng ở 0.2% và 1.1%.

Ngoài ra, có đến 18 ngân hàng cósố dư huy động qua giấy tờ có giá (chủ yếu là trái phiếu) giảm sút so với cuối năm 2023, càng ảnh hưởng lên tăng trưởng huy động vốn. Một số nhà băng có mức giảm rất mạnh như MBBank giảm hơn 23,980 tỷ, tương đương giảm 19%; Vietinbank giảm gần 13,832 tỷ, tương đương giảm 12%. Các con số này ở BIDV lần lượt là -8,922 tỷ và -4.7%; SHB là -6,878 tỷ và -16.1%; LPBank là 5,412 tỷ và -11.3%; OCB là 5,365 tỷ và 14.2%;…

Cũng chính vì nhu cầu huy động vốn thấp đã giúp các ngân hàng liên tục giảm lãi suất tiền gửi về mức thấp kỷ lục trong quý 1 đầu năm nay. Dữ liệu thống kê cho thấy, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân toàn hệ thống tại ngày 31-3-2024 là 4.58% - mức thấp kỷ lục trong hàng chục năm qua. Cụ thể, mức lãi suất thấp nhất gần đây là vào giai đoạn nền kinh tế đối mặt với đại dịch COVID 19, khi đó lãi suất bình quân kỳ hạn 12 tháng vào cuối năm 2021 là 5.88%. Còn nếu so với mức 8.5% vào cuối năm 2022, có thể thấy mặt bằng lãi suất đã giảm sâu như thế nào.

Đáng lưu ý, với tăng trưởng tín dụng tháng 4 vừa qua vẫn chậm, xu hướng lãi suất đang đi lên trở lại trong 1 tháng rưỡi qua dường như không phải đến từ nhu cầu vốn kinh doanh tăng, mà chủ yếu để ứng phó với diễn biến giá vàng và đô la Mỹ liên tục tăng cao đã ảnh hưởng tiêu cực lên nguồn tiền gửi tiết kiệm tại các nhà băng. Ngoài ra, xu hướng lãi suất trên thị trường 2 đi lên và neo ở mức cao, khi nhà điều hành hút ròng trên thị trường mở qua kênh tín phiếu và mua ngoại tệ, cũng đang góp phần kéo lãi suất thị trường 1 lên cao hơn.

Với diễn biến lãi suất tiền gửi của các ngân hàng đang tăng trở lại, chi phi huy động vốn đầu vào của các nhà băng lại đứng trước thách thức tăng lên cao hơn trong thời gian tới. Một số dự báo gần đây cho rằng, mặt bằng lãi suất tiền gửi có thể tiếp tục tăng thêm từ 0.5-1% trong nửa cuối năm nay. Theo đó, lãi suất cho vay tất yếu cũng sẽ đối mặt với khả năng khó có thể giảm thêm, khi bị kẹp giữa hai áp lực là nợ xấu tăng và lãi suất đầu vào tăng. Điều này kế tiếp cũng sẽ mang lại những thách thức cho tăng trưởng tín dụng trong thời gian còn lại của năm nay.

Phan Thụy

FILI


 
Các tin tức khác

>   SeABank lần thứ 5 được vinh danh trong Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (15/05/2024)

>   4 khoản chi nâng cấp cuộc sống, trả góp dễ dàng đến 36 tháng (15/05/2024)

>   Nhiều doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, trở lại cuộc đua trong năm 2024 (14/05/2024)

>   Tăng cường giải pháp giảm thiểu rủi ro trong thanh toán trực tuyến (14/05/2024)

>   Ngân hàng kích vốn rẻ vào bất động sản (14/05/2024)

>   Chênh lệch bình quân giữa lãi suất cho vay và huy động từ 2-4%/năm (13/05/2024)

>   Những thách thức khi sử dụng công nghệ số hỗ trợ chấm điểm tín dụng (13/05/2024)

>   Giá USD hồi nhẹ (12/05/2024)

>   Chìa khóa tăng trưởng cao và bền vững của HDBank  (10/05/2024)

>   Tác động từ việc người dân ồ ạt rút tiền tại Ngân hàng SCB (10/05/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật