Thực trạng lao động đến cơ quan đúng giờ "điểm danh rồi đi ăn sáng, uống trà"
Một bộ phận lao động không tuân thủ giờ giấc tác phong, có mặt ở cơ quan đúng giờ để điểm danh rồi ăn sáng, uống trà gây đình trệ công việc.
Đó là phản ánh của ông Mai Thiên Ân, Trưởng phòng sản xuất Công ty TNHH Intel Products Việt Nam tại Diễn đàn nâng cao năng suất lao động quốc gia ngày 26/05, khi chia sẻ về thực tế tại nhiều nơi làm việc ở Việt Nam.
Ông Mai Thiên Ân, đoàn viên công đoàn cơ sở Công ty TNHH Intel Products Việt Nam. Ảnh: VGP
|
Theo ông Ân, vẫn còn nhiều người lao động chưa thực sự quan tâm và đặt việc rèn luyện, nâng cao ý thức, tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp lên hàng đầu.
Đơn cử như không tuân thủ nội quy, giờ giấc, tác phong làm việc như đi trễ, về sớm, nghỉ giảo lao không đúng thời gian quy định. Cùng với việc có mặt ở cơ quan đúng giờ để điểm danh rồi ăn sáng, uống trà gây đình trệ công việc. Không tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động gây ra các chấn thương, thậm chí tử vong.
Hay xin nghỉ phép không có lý do chính đáng; phối hợp trong công việc kém; làm việc nhóm không hiệu quả. Không tuân thủ quy trình sản xuất dẫn đến sản phẩm lỗi ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến thương hiệu doanh nghiệp và lòng tin của đối tác...
Thế nhưng, thực tế sản xuất, kinh doanh ở tất cả doanh nghiệp trên thế giới đã chứng minh rèn luyện tác phong công nghiệp, nâng cao ý thức, kỷ luật lao động cho người lao động là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất lao động.
Doanh nghiệp muốn nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu đòi hỏi người lao động phải có trình độ học vấn, tay nghề, kỹ năng mềm và ý thức lao động tốt. Người lao động muốn nâng cao thu nhập cho bản thân phải có kỹ năng nghề nghiệp, thái độ, ý thức và tác phong tốt.
Ông Ân cũng như bao công dân Việt Nam đều mong muốn Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, trong đó nâng cao năng suất lao động là động lực chính.
Ông cũng đề xuất, kiến nghị có thêm các hình thức giảng dạy, trang bị tác phong công nghiệp cho người lao động từ từ sớm để trở thành “thói quen, nếp nghĩ, nếp làm” khi còn ngồi trên ghế nhà trường, xem xét định hướng ở các cấp bậc phù hợp.
Có quy chế tài chính cho phép công đoàn cơ sở có đủ nguồn lực trong việc đầu tư hoặc chi tiêu cho các hoạt động đào tạo, tuyên truyền, khen thưởng về tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động.
TS. Phạm Thu Lan, Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tham luận tại Diễn đàn. Ảnh: VGP
|
Bà Phạm Thu Lan, Viện Công nhân Công đoàn, cho rằng tiền lương, thưởng, phúc lợi ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất, động lực làm việc, sự toàn tâm của người lao động với công việc. Họ muốn gắn bó nhưng không thể ở lại mãi với công ty khi lương thấp. Đây là lý do tỷ lệ nhảy việc tại các ngành thâm dụng lao động luôn ở mức 8-12% mỗi tháng.
Theo bà Lan, nhảy việc để tìm cơ hội mới, phát huy trình độ lẫn kỹ năng là bình thường, nhưng nếu thuần túy kiếm tìm mức lương cao hơn cho công việc tương tự là sự lãng phí. Ví dụ doanh nghiệp có 1,000 công nhân nhưng mỗi tháng 100 người liên tục ra vào thì sẽ rất tốn chi phí. Tiền bạc chi cho quảng cáo tuyển dụng, phỏng vấn, làm hồ sơ, đào tạo nhân viên, trong khi khoản này có thể tiết kiệm để đầu tư cho năng suất lao động.
Việc học tập nâng cao năng suất theo bà Lan là cần thiết, song "có thực mới vực được đạo". Lao động còn vướng bận kiếm từng bữa cơm thì không thể ưu tiên học tập, chưa kể người thu nhập thấp không có tiền đầu tư học hành cho bản thân lẫn con cái. Trong khi lao động thiếu học tập nâng cao trình độ, Việt Nam sẽ không thể nâng cấp chuỗi giá trị, mãi nằm ở khâu gia công.
Muốn tăng năng suất thì động lực là nâng mặt bằng tiền lương, thu nhập của người lao động lên. Bà Lan kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia nghiên cứu và xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng. Đây là sàn an sinh cơ bản để lao động chi trả sinh hoạt phí, dự phòng bất trắc và tiết kiệm cho tương lai.
Tùng Phong
FILI
|