Sau lần 1 bất thành, Gilimex còn gì để "khoe" với ĐHĐCĐ thường niên 2024 lần 2?
ĐHĐCĐ thường niên 2024 lần 1 của Gilimex không thể diễn ra vào ngày 05/05 do không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự. Với việc lãi trở lại trong quý 1/2024, nhờ động lực tăng trưởng chính từ mảng BĐS khu công nghiệp, đây sẽ là lý do để Gilimex báo tin vui tới cổ đông trong kỳ họp sắp tới.
Ngày 05/05, CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HOSE: GIL) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 nhưng không đủ điều kiện tiến hành. Đến 9h30 sáng 05/05, ĐHĐCĐ Gilimex ghi nhận 93 cổ đông, sở hữu và đại diện số cổ phiếu có quyền biểu quyết là hơn 45.3 triệu cp, chiếm tỷ lệ 64.74%, thấp hơn tỷ lệ yêu cầu tối thiểu 65% thì mới đủ điều kiện tiến hành.
Do đó, HĐQT Công ty sẽ triệu tập ĐHĐCĐ thường niên 2024 lần 2 theo đúng quy định và thông báo lại cho cổ đông.
Điểm khác biệt năm nay, thay vì tổ chức ở TPHCM như mọi năm, Gilimex bất ngờ quyết định tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 tại cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Hắc Dịch, khu phố Trảng Cát, phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của GIL được tổ chức tại khách sạn Sheraton Saigon (quận 1, TPHCM) ghi nhận 171 cổ đông và đại diện uỷ quyền tham dự, chiếm tỷ lệ 65.14% tổng số cổ phần biểu quyết tham dự.
Lãi trở lại trong quý 1 với điểm tựa chính mảng BĐS khu công nghiệp
Gilimex là doanh nghiệp dệt may có thâm niên hơn 40 năm với các sản phẩm hộp lưu trữ, giỏ đựng đồ gặt, balo, túi xách… làm bằng vải. Ngay cả trong giai đoạn COVID-19, Công ty từng gây ấn tượng với kết quả kinh doanh tăng bằng lần, song bắt đầu lao dốc từ quý 3/2022 khi gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon cắt đơn hàng.
Năm 2023, lãi ròng Gilimex giảm tới 92% so với cùng kỳ, về 28 tỷ đồng và dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục 319 tỷ đồng.
Khi ngành truyền thống là dệt may gặp khó do mất khách hàng lớn Amazon, Gilimex nhanh chóng rẽ sang mảng bất động sản khu công nghiệp và bước đầu đạt kết quả khả quan hơn.
Theo BCTC hợp nhất quý 1/2024, Gilimex ghi nhận doanh thu 221.5 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ. Không còn kinh doanh dưới giá vốn, Công ty lãi gộp trên 47 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 4 tỷ đồng. Biên lãi gộp theo đó cải thiện lên 21%.
Trong đó, mảng bất động sản khu công nghiệp tiếp tục “toả sáng” với doanh thu hơn 77 tỷ đồng và lãi gộp 28 tỷ đồng từ hoạt động cho thuê hạ tầng kỹ thuật, cùng gấp 5 lần quý 4/2023, lần lượt chiếm 35% tổng doanh thu và 60% lãi gộp toàn Công ty. Biên lãi gộp mảng này lên đến 36%, cao vượt trội so với mức bình quân 16-18% giai đoạn Gilimex tập trung sản xuất sản phẩm may cho Amazon.
Khấu trừ chi phí và thuế, Gilimex lãi ròng hơn 5 tỷ đồng, cải thiện hơn số lỗ 38 tỷ đồng cùng kỳ 2023
Số lượng nhân viên giảm gần nửa so với đầu năm 2023
Tại thời điểm 31/03/2024, tổng tài sản Gilimex gần 3,366 tỷ đồng, tăng nhẹ 9 tỷ đồng so với đầu năm. Gần 41% tổng tài sản là hàng tồn kho với 1,364 tỷ đồng. Công ty chưa trích lập dự phòng giảm giá tồn kho, mặc dù lượng lớn tồn kho dành phục vụ sản xuất cho đơn hàng đã bị huỷ của Amazon.
Tiền mặt và tiền gửi ngân hàng hơn 539 tỷ đồng, giảm 20% so với đầu năm. Bên cạnh đó, Gilimex ghi nhận khoản chứng khoán kinh doanh với giá trị gốc trên 64 tỷ đồng, chủ yếu nắm giữ mã GMC của CTCP Garmex Sài Gòn. Tại cuối quý 1, khoản đầu tư vào GMC có giá trị hợp lý hơn 21 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 giá vốn và phải trích lập dự phòng gần 40 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả khoảng 818 tỷ đồng, tăng 4 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng vay và nợ thuê tài chính ngắn, dài hạn chiếm 378 tỷ đồng.
Điểm đáng lưu ý, số lượng nhân viên Gilimex tại cuối tháng 3/2024 tiếp tục giảm xuống 927 người, so với 968 người vào cuối năm trước và 1,818 người đầu năm 2023, tức giảm 891 người. Tuy nhiên, chi phí nhân viên quản lý quý 1 lại tăng 7% lên hơn 20 tỷ đồng.
Mục tiêu lãi gấp đôi cùng kỳ
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ, năm 2024, Gilimex đặt mục tiêu doanh thu 1,500 tỷ đồng và lãi trước thuế 100 tỷ đồng, lần lượt tăng 60% và gấp đôi so với thực hiện 2023, trên cơ sở dự báo năm nay có nhiều khách hàng lớn tiềm năng trên thế giới thay thế, bổ sung đơn hàng cho các khách hàng hiện hữu và phát triển đầy công suất cho Công ty.
Kết thúc quý 1, Công ty lãi trước thuế gần 9 tỷ đồng, thực hiện được 9% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tình hình kinh doanh 5 năm trở lại đây của Gilimex
|
|
Đối với mảng bất động sản khu công nghiệp (KCN), Gilimex sẽ phát triển hạ tầng KCN Gilimex tại Huế với quy mô 460ha, đẩy mạnh kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước trên tất cả lĩnh vực ngành nghề đã được phê duyệt trong đánh giá tác động môi trường của dự án.
Đồng thời, phát triển hạ tầng KCN Gilimex Vĩnh Long với quy mô 400ha; phát triển các KCN tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam; phát triển dịch vụ để phục vụ cho KCN như nhà xưởng cho thuê, kho cho thuê, dịch vụ logistics.
Tiến độ triển khai các dự án khu công nghiệp của Gilimex. Ảnh: BSC Research
|
Về kế hoạch đầu tư 2024, Gilimex dự kiến chi 1,500 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và vay thêm 3,200 tỷ đồng từ ngân hàng để tài trợ vốn hoạt động.
Huỷ kế hoạch trả cổ tức 2022 bằng tiền tỷ lệ 15%
Đối với phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, Gilimex dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch chi trả cổ tức tỷ lệ từ 5-10%, tương ứng số tiền từ 35-70 tỷ đồng và ủy quyền HĐQT quyết định thời điểm thực hiện.
Một nội dung đáng chú ý, Gilimex đề xuất hủy phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, được ĐHĐCĐ thông qua ngày 28/04/2023. Lý do là Công ty cân đối lại nguồn tài chính để phù hợp với tình hình thực tế nên giữ lại lợi nhuận để chi trả cho các năm tiếp theo.
Theo kế hoạch ban đầu, GIL sẽ chia cổ tức năm 2022 bắng tiền tỷ lệ 15% (sở hữu 1 cp được nhận 1,500 đồng), số tiền dự chi 105 tỷ đồng cho cổ đông.
Năm 2024, Công ty dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 10%.
Kế hoạch M&A công ty cùng ngành
HĐQT Công ty cũng trình cổ đông phê duyệt việc thế chấp cổ phần tại công ty con CTCP Khu công nghiệp Gilimex để đơn vị này vay vốn tại Ngân hàng MB với giá trị cấp tín dụng tối đa 900 tỷ đồng.
Mục đích vay vốn để tài trợ chi phí đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng dự án Khu công nghiệp Gilimex. Để đáp ứng vay vốn, Công ty Khu công nghiệp Gilimex phải dùng (các) tài sản thuộc sở hữu của công ty để đảm bảo 100% cho nghĩa vụ thanh toán cho khoản vay.
Ngoài ra, ĐHĐCĐ sẽ xem xét và thông qua việc đầu tư mở rộng thêm một nhà máy mới tại vùng 4. Tổng giá trị đầu tư tối đa 150 tỷ đồng theo hình thức mua cổ phần hoặc mua tài sản hiện hữu tại tổ chức khác với tỷ lệ sở hữu từ 51-100%. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024.
Gilimex cho biết mục đích đầu tư để phát triển sản xuất nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường và đáp ứng được khoảng 15-20 dây chuyền.
Thế Mạnh
FILI
|