Thứ Bảy, 11/05/2024 10:30

Mở rộng đường Láng không phải giải pháp duy nhất hạn chế ùn tắc

Việc đầu tư mở rộng đường Láng không phải giải pháp duy nhất để hạn chế ùn tắc mà phải tiến hành song song biện pháp kiểm soát phương tiện cá nhân và phát triển vận tải công cộng.

Sở GTVT TP Hà Nội vừa có báo cáo trình UBND TP Hà Nội xem xét 11 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có dự án Vành đai 2 đoạn từ Ngã Tư Sở - Cầu Giấy, bao gồm cả mở rộng đường Láng hiện tại.

Theo đó, ý tưởng ban đầu là dự án sẽ cải tạo, mở rộng tuyến đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn từ Ngã Tư Sở - Cầu Giấy, dự kiến có tổng vốn đầu tư trên 21.000 tỷ đồng (đoạn dưới thấp hơn 17.000 tỷ đồng; đoạn trên cao gần 3.900 tỷ đồng). Khi cải tạo xong đường Láng sẽ rộng 53,5m, vận tốc thiết kế 80km/h và là trục chính đô thị.

Đường Láng luôn có lưu lượng phương tiện lưu thông đông đúc. Ảnh: Thạch Thảo

Ngay lập tức, thông tin trên khiến không ít chuyên gia giao thông bày tỏ lo ngại về tính khả thi của "siêu" dự án. Có ý kiến cho rằng đường Láng từ lâu đã trở thành đường đô thị chứ không phải đường vành đai. Việc mở rộng đường đô thị không phải giải pháp căn cơ giảm ùn tắc khi hạ tầng cứ phải chạy theo tốc độ tăng trưởng của phương tiện. 

Hơn nữa, những dự án mở rộng đường trong nội đô vô hình trung khiến mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân của Hà Nội càng khó thành hiện thực. Trong khi đó, chi phí cho giải phóng mặt bằng dự án quá lớn. 

Chia sẻ với VietNamNet về vấn đề này, ông Phan Hoàng Phương, Trưởng phòng Giao thông đô thị và nông thôn, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, việc mở rộng đường Láng nằm trên tuyến Vành đai 2 là hoàn toàn đúng theo quy hoạch.

“Đây là một trong những nút thắt cuối cùng trên tuyến đường Vành đai 2. Hà Nội đã mở rộng hầu hết các đoạn tuyến trên Vành đai 2 theo quy hoạch rồi, do đó việc tiếp tục mở rộng các đoạn tuyến còn lại theo quy hoạch (trong đó có đường Láng) sẽ đảm bảo đầu tư khai thác đồng bộ hạ tầng, đồng thời đảm bảo đáp ứng đúng Quyết định 519/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ”, ông Phương thông tin.  

Ông Phương cũng nhấn mạnh việc đầu tư nâng cấp hạ tầng trên toàn tuyến là cần thiết, bởi nếu không đầu tư mở rộng thì nguồn lực bỏ ra đầu tư các đoạn tuyến trước đây sẽ không mang lại hiệu quả, thậm chí suy giảm giá trị của cả tuyến đường.

"Trong khi nhu cầu lưu thông trên tuyến vành đai rất lớn mà không đầu tư mở rộng thì nút thắt vẫn tồn tại. Tất nhiên, việc đầu tư mở rộng không phải giải pháp duy nhất để hạn chế ùn tắc. Bởi vì cùng với việc mở rộng đường vẫn phải tiếp tục kiểm soát phương tiện cá nhân, phát triển vận tải công cộng”, ông Phương nhấn mạnh. 

Hình ảnh đường Láng nhìn từ trên cao. Ảnh: Thạch Thảo

Làm rõ hơn về đề xuất này, ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, tuyến đường Vành đai 2 theo quy hoạch dài 39km khép kín, hiện còn 6,1km chưa được cải tạo, đầu tư mở rộng theo quy hoạch. Trong đó có đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đi trùng với đường Láng hiện tại) và đoạn hơn 2km ở phía Bắc sông Hồng.

“Do vậy, việc ưu tiên hoàn thiện đầu tư khép kín 39km Vành đai 2 theo quy hoạch là cần thiết.

Nếu hoàn thiện được toàn bộ tuyến Vành đai 2 theo quy hoạch sẽ giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông, giải quyết các điểm giao cắt trên các tuyến giao thông trọng điểm, hỗ trợ giảm tải cho Vành đai 3 hiện tại", ông Thành thông tin.

Tuy nhiên, ông Thành cũng nhấn mạnh những thông tin liên quan là nghiên cứu sơ bộ, tổng mức đầu tư dự án hơn 21.000 tỷ đồng mới chỉ là con số khái toán. Phương án vừa được báo cáo chưa phải phương án chắc chắn sẽ lựa chọn; còn phải nghiên cứu tính hiệu quả, khả thi, có đánh giá tác động xã hội sâu sát, toàn diện. 

N. Huyền

VietNamNet

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp cao su nào hưởng lợi từ làn sóng chuyển đổi sang đất khu công nghiệp? (13/05/2024)

>   Ông Phan Văn Mãi: Đề án metro là công cụ quan trọng để TPHCM tái cấu trúc đô thị (09/05/2024)

>   Hà Nội mở rộng gấp đôi đường Láng, giải bài toán ùn tắc Ngã Tư Sở (09/05/2024)

>   Doanh nghiệp tác động vào quy hoạch bằng nhiều đường không chính thức (08/05/2024)

>   Dự án vành đai 4 TP.HCM được lựa chọn đơn vị tư vấn toàn tuyến (08/05/2024)

>   Đã khởi công, triển khai thủ tục 9/29 dự án giao thông lớn liên kết vùng Đông Nam Bộ (05/05/2024)

>   Đề xuất mở rộng ngay đoạn cao tốc TPHCM-Long Thành lên 10 làn xe (03/05/2024)

>   Hoàn thành hai cầu đi bộ kết nối Metro Bến Thành - Suối Tiên (29/04/2024)

>   Khánh thành thêm 2 dự án huyết mạch, cả nước có hơn 2,000 km cao tốc (28/04/2024)

>   Hàng ngàn công nhân thi công xuyên lễ trên công trường sân bay Long Thành (27/04/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật