Thứ Bảy, 11/05/2024 09:45

Lý do đề xuất giảm giờ làm việc xuống dưới 48 giờ/tuần

Kiến nghị giảm giờ làm đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần ở thời điểm này là phù hợp, bởi đây là nguyện vọng để công nhân có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.

Đề xuất giảm giờ làm việc của người lao động xuống dưới 48 giờ/tuần của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Chính phủ.

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, giảm giờ làm việc bình thường xuống dưới 48 giờ/tuần là một chính sách có tác động lớn đến kinh tế - xã hội.

Vì vậy, Bộ sẽ nghiên cứu đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo đảm tính khả thi khi đề xuất chính sách này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.

Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và một số Đại biểu Quốc hội đã có kiến nghị về giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động xuống dưới 48 giờ/tuần nhằm sớm thực hiện Nghị quyết số 101 của Quốc hội. 

Nghị quyết nêu rõ: "Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần, và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp".

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất giảm giờ làm việc của người lao động xuống dưới 48 giờ/tuần. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Tại Đại hội công đoàn lần thứ 13 cuối năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, cùng các bộ, ngành sớm nghiên cứu giảm giờ làm của người lao động, đảm bảo công bằng với khu vực hành chính Nhà nước, xuống còn 40 giờ. Mục tiêu để người lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức lực, chăm lo cho gia đình.

Vì sao cần giảm giờ làm?

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc giảm giờ làm giải quyết rất nhiều vấn đề. Thứ nhất, tái sản xuất sức lao động, làm cho người lao động khỏe hơn, nhiều năng lượng hơn. Thứ hai, giúp người lao động bảo vệ sức khỏe. 

Thực trạng công nhân ốm, mắc bệnh hiểm nghèo đang diễn ra. "Việc giảm giờ làm tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc con cái, bảo đảm hạnh phúc gia đình. Đặc biệt, việc giảm giờ làm giúp người lao động duy trì sức khỏe tốt hơn để khi về hưu, họ vẫn đảm bảo sống khỏe, giảm gánh nặng cho an sinh xã hội", ông Hiểu nói.

Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dẫn chứng thêm, tại Trung Quốc, khi thu nhập trung bình của người dân đạt 2.500 USD/năm thì nước này đã giảm giờ làm xuống 40 giờ/tuần; trong khi hiện nay mức thu nhập trung bình của Việt Nam đã cao hơn mức 2.500 USD/năm nhưng vẫn chưa giảm giờ làm.

Ông Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn cho rằng, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị giảm giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần ở thời điểm này là phù hợp. Đề xuất này là nguyện vọng của người lao động nói chung để có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. 

Ông Thọ cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để giảm giờ làm cho người lao động, tuy nhiên, nếu giảm giờ làm việc của khu vực tư xuống quá nhiều sẽ khiến sản lượng không tăng, ảnh hưởng đến GDP của toàn bộ nền kinh tế.

Do vậy, giảm giờ làm việc bình thường của khu vực tư xuống còn 40 giờ/tuần như khu vực công hiện nay, ngay lập tức sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh khó khăn. Thay vì giảm ngay thì trước mắt có thể giảm giờ làm việc bình thường của khu vực tư xuống còn 44 giờ/tuần và dần tiệm cận mức 40 giờ/tuần như khu vực công.

Trên thực tế, trước khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất giảm giờ làm xuống 48 giờ/ tuần, tại kỳ họp Quốc hội diễn ra cuối tháng 10/2023, ông Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đã đưa ra đề xuất cần phải giảm giờ làm việc cho người lao động khu vực tư nhân từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần như trong khu vực công.

Theo ông Nghĩa, ở Việt Nam, quy định giờ làm thêm từ 200 – 300 giờ/năm. Nếu tính tổng thời gian làm việc thực tế và thời giờ làm thêm của người lao động tương đối cao so với mặt bằng chung của các nước.

Ông Nghĩa cho rằng, không có lý do gì khi đất nước phát triển mà người lao động phải làm việc số giờ cao. Người lao động cần được quan tâm, chia sẻ và phải được thụ hưởng tốt hơn từ những thành quả phát triển của đất nước. Đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới.

Thống kê của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy hiện hầu hết quốc gia đã áp dụng chế độ 40 giờ, thậm chí dưới 40 giờ. Khảo sát 154 nước chỉ có 2 nước có số giờ làm việc trên 48 giờ mỗi tuần; 1/3 số nước áp dụng 48 giờ giống Việt Nam, và khoảng 2/3 các nước có 48 giờ trở xuống.

Theo ILO, làm việc quá giờ, không đủ thời gian nghỉ ngơi và hồi phục có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và tăng rủi ro tai nạn khi làm việc.

Tại rất nhiều vùng trên thế giới, có mối liên hệ chặt chẽ giữa mức tiền công thấp và làm việc quá giờ. Nhiều giờ làm việc dài liên tục sẽ ngăn cản người lao động nghỉ ngơi, tham gia hoạt động với gia đình và tham gia vào cộng đồng.

Vũ Điệp

VietNamNet

Các tin tức khác

>   Tăng tốc thu phí sử dụng vỉa hè (10/05/2024)

>   Giành nhau miếng bánh thương mại điện tử (08/05/2024)

>   Cục Hàng không đề nghị hành khách cung cấp thông tin mua phải vé máy bay giá cao (07/05/2024)

>   McDonald’s Vietnam và cú “mắc xương” theo trend! (07/05/2024)

>   TPHCM: Hàng hóa rục rịch tăng giá (07/05/2024)

>   Kiểm tra hoạt động bán vé máy bay của các hãng hàng không từ ngày 7/5 (06/05/2024)

>   Thanh Hóa dẫn đầu doanh thu và lượng khách dịp lễ 30/04 (06/05/2024)

>   Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo thông qua các hội nhóm, nhóm chat đầu tư chứng khoán (04/05/2024)

>   Phản ứng của người dân TP HCM khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 4 (03/05/2024)

>   Người Việt Nam đánh giá cao du lịch bền vững (03/05/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật