Giá vé máy bay cao nhưng không dễ hạ nhiệt, vì sao?
Giá vé máy bay cao trong thời gian dài nhưng các hãng hàng không vẫn lỗ, du lịch bị "vạ lây".
Đây là vấn đề được đặt ra tại hội thảo "Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?" do Báo Thanh Niên tổ chức, ngày 17-5.
Ông Trần Văn Linh, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết giá vé máy bay tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến Phú Quốc mà còn các địa phương khác. Riêng Phú Quốc có giá vé máy bay tăng cao nhất. Năm 2023, có 11 đường bay kết nối đến Phú Quốc, nay chỉ còn 3 đường bay là Hà Nội, TP HCM và Hải Phòng. Giá vé máy bay, giá dịch vụ khá cao đã làm giảm sự cạnh tranh của Phú Quốc, lượng khách hàng không giảm nhiều…
Theo các công ty du lịch, giá vé máy bay hiện chiếm khoảng 50% tổng giá một tour du lịch (đối với những tour đi bằng đường hàng không). Đơn cử, giá tour đi từ TP HCM ra một số tỉnh phía bắc dài 5 ngày 4 đêm, giá bình quân 12 triệu đồng. Trong đó, giá vé máy bay chiếm khoảng 6 - 6,5 triệu đồng.
Giá vé máy bay tăng nhưng các hãng hàng không cho biết vẫn đang gặp nhiều khó khăn
|
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cho biết từ đầu năm đến nay, giá vé máy bay đã tăng khoảng 20%. Theo đó, giá tour du lịch tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, giá tour lúc này 12 triệu đồng thì năm ngoái khoảng 11 triệu đồng.
Tuy giá vé nội địa tăng, song ông Yên khẳng định giá tour nội địa của Việt Nam hiện không cao hơn giá tour nước ngoài như nhiều người nói. Với sự trượt giá, khó khăn của ngành hàng không, các chi phí... thì giá vé máy bay tăng 20% và giá tour tăng 10% trong năm nay hợp lý.
Giá vé máy bay tăng và duy trì ở mức cao, vì sao các hãng hàng không vẫn lỗ? Ông Đặng Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA), thông tin hiện tại, ngành hàng không thế giới và Việt Nam chỉ có lãi khoảng 1 USD/khách. Nếu gặp các yếu tố thời tiết bất lợi như mưa giông - phải bay vòng một chút thì lợi nhuận 1 USD nêu trên cũng bay theo.
Giá vé máy bay hiện tại tăng bình quân 15% - 20% và các hãng đang nỗ lực hạ nhiệt giá vé nhưng không dễ trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao và nhiều yếu tố tác động.
Ông Đặng Anh Tuấn phân tích nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng là do chi phí nhiên liệu, thiết bị bay tăng 76% - 77%. Các khoản chi phí này nằm ngoài tầm kiểm soát không chỉ riêng của Vietnam Airlines mà chung cho các hãng hàng không.
"Như so với năm 2019, giá xăng năm nay tăng 5.700 tỉ đồng và chi phí tỉ giá biến động tăng thêm 4.700 tỉ đồng. Tổng mức tăng do chi phí nhiên liệu lên tới khoảng 11.000 tỉ đồng. Khoản tăng này nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi cũng như tất cả hãng hàng không" - ông Tuấn nói.
Giá vé máy bay hiện tại đã tăng khoảng 15-20% nhưng không dễ hạ nhiệt khi chi phí đầu vào của các hãng tăng cao hơn như giá xăng dầu, tỉ giá...
|
Dù rất khó khăn nhưng Vietnam Airlines cho biết đang nỗ lực tiết giảm các loại chi phí trong khoảng 10% so với hiện tại. Tuy nhiên, lãnh đạo hãng hàng không quốc gia cho rằng phát triển du lịch không nên chỉ dựa vào ngành hàng không mà là sự tổng hợp của các loại hình vận tải khác nhau để đạt hiệu quả tốt nhất.
Chi phí thuê máy bay cũng là một yếu tố đau đầu của các hãng ở hiện tại. Ông Trương Việt Cường, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways, dẫn chứng chi phí thuê máy bay chiếm từ 55% - 60% tổng chi phí cấu thành giá vé tùy từng giai đoạn và tùy hãng hàng không. Mới vài tháng trước muốn thuê một máy bay (thuê ướt) dưới 3.000 USD/giờ nhưng hiện tại giá đã tăng lên 4.000 USD/giờ và cũng không có để thuê. Đây là yếu tố mà các hãng không thể kiểm soát được.
Khó khăn là vậy nhưng ông Lê Tiến Dũng - Phó tổng giám đốc Vietravel Airlines (VU), thông tin thêm còn khá nhiều quy định đang "trói" doanh nghiệp. Đơn cử, quy định hiện nay chỉ cho phép mỗi hãng được 30% thuê ướt máy bay bổ sung. Như Vietravel Airlines có 3 máy bay, muốn thuê thêm cũng chỉ được 1 máy bay khiến hãng bị hạn chế việc tăng tải, tăng cung ứng vào giai đoạn cao điểm.
Vậy làm sao để có được giá vé máy bay hợp lý? Các hãng cho rằng quan trọng nhất cần có mức giá trần linh hoạt theo chi phí xăng dầu, giá cấu thành đầu vào chứ không nên cứng nhắc. Kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội có điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ các hãng trong giai đoạn khó khăn hiện nay; nâng quy trình điều hành khai thác ở cảng để thời gian quay đầu của máy bay rút ngắn…
Cần sự liên kết đồng bộ hàng không, du lịch
Dự báo xu hướng sắp tới, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel và Vietravel Airlines, khẳng định tình trạng thiếu máy bay, chi phí đầu vào cao chắc chắn sẽ còn bủa vây ngành hàng không, ít nhất đến cuối năm. Vì thế, muốn tìm lời giải cho bài toán hạ nhiệt vé máy bay thì đòi hỏi sự chung tay của rất nhiều đơn vị.
"Các địa phương muốn kích cầu du lịch có thể khuyến khích, xem xét hỗ trợ các hãng hàng không khi mở đường bay tới. Các hãng hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, lữ hành qua việc giảm tiền cọc series booking, chia thành nhiều đợt thanh toán, cho phép trả gối đầu... Giữa điểm đến, dịch vụ tại chỗ, lữ hành nên ngồi lại cùng nhau; ngành hàng không cũng liên kết, hỗ trợ nhau trên cơ sở có chính sách hỗ trợ chung từ phía Chính phủ" - ông Kỳ đề xuất.
|
Thái Phương. Ảnh: Bình An
Người lao động
|