Thứ Năm, 23/05/2024 20:02

Đằng sau khách sạn 5 sao của tập đoàn Nhật Bản Route Inn sắp khởi công ở Hải Phòng

Vào tháng 8 tới đây, dự án khách sạn 5 sao tại phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng của một doanh nghiệp Nhật Bản sẽ được khởi công.

Dự án khách sạn trên của Công ty TNHH Route Inn Việt Nam Hải Phòng, dự kiến lấy tên là khách sạn Route Inn, được xây dựng trên khu đất khoảng 8,148m2. Diện tích sàn toà nhà là 3,349m2, tổng diện tích xây dựng các tầng khoảng 36,265m2. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào tháng 08/2024, thời gian xây dựng 850 ngày, vận hành vào năm 2027.

Phối cảnh khách sạn Route Inn tại Hải Phòng. Nguồn: Bộ TN&MT

Dự án nằm ở khu đất CCQ-4 thuộc lô đất H12.3 trong khu đô thị mới phường Sở Dầu, quận Hồng Bằng. Công ty Route Inn Việt Nam Hải Phòng đã vượt qua ông lớn Tổng Công ty 36 – CTCP để trúng đấu giá khu đất này vào năm 2021 với giá gần 100.6 tỷ đồng, cao hơn mức khởi điểm nhà nước đưa ra khoảng 1.3 tỷ đồng. Khu đất có mục đích thương mại, dịch vụ thuê 50 năm.

Hơn một năm sau trúng lô đất, ngày 31/07/2023, UBND TP. Hải Phòng có quyết định về việc gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với Công ty TNHH Route Inn Việt Nam Hải Phòng tại phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng. Theo đó, cho phép Công ty gia hạn sử dụng diện tích gần 8,148m2 đất tại phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng (thuê theo quyết định ngày 30/12/2021 của UBND thành phố) để thực hiện dự án xây dựng khách sạn 5 sao. Thời gian gia hạn 24 tháng kể từ ngày 31/07/2023.

Hiện trạng khu đất thời điểm Công ty Route Inn Việt Nam Hải Phòng trúng đấu giá. Nguồn: Báo Hải Phòng

Cuối năm 2018, ông Onagi Yoshitaka - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Route Inn của Nhật Bản có chuyến thăm TP. Hải Phòng và cho biết Tập đoàn dự định đầu tư khoảng 30 khách sạn ở Việt Nam với 600 triệu USD. Ông Onagi Yoshitaka đánh giá Hải Phòng có tiềm năng phát triển, vì vậy Tập đoàn mong muốn xây dựng 5 khách sạn 4 – 5 sao với 100 triệu USD.

Route Inn là tập đoàn khách sạn vận hành và phát triển hơn 340 khách sạn mang 4 thương hiệu gồm Hotel Route Inn, Route Inn Grantia, Ark Hotel và Grand Vrio Hotel tại khắp Nhật Bản. Việt Nam và Tây Ban Nha là hai quốc gia nước ngoài mà Tập đoàn Nhật này hoạt động. Trong đó tại Việt Nam là khu nghỉ dưỡng Grandvrio Ocean Resort Đà Nẵng và Grandvrio City Đà Nẵng.

Grandvrio Ocean Resort Đà Nẵng. Nguồn: booking

Route Inn Việt Nam Hải Phòng và mối liên hệ với VPG

Công ty TNHH Route Inn Việt Nam Hải Phòng thành lập tháng 12/2018, trụ sở tại toà nhà Thành Đạt 1, số 3 Lê Thánh Tông, phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng với ngành nghề chính là dịch vụ lưu trú ngắn ngày. Vốn điều lệ 200 tỷ đồng, ông Nguyễn Khôi làm Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật, chủ sở hữu là CTCP Xây dựng Bất động sản Việt Phát (có trụ sở cùng tòa nhà Thành Đạt).

Tháng 03/2023, doanh nghiệp đổi người đại diện pháp luật sang các cá nhân người Nhật gồm ông Tadama Masatohi – Chủ tịch HĐTV, ông Yonemoto Takashi – Giám đốc. Đồng thời vốn điều lệ được ủy quyền toàn bộ cho các cá nhân người Nhật gồm ông Nagayama Katsutoghi 52 tỷ đồng, ông Nagayama Taiki 50 tỷ đồng, ông Onagi Yoshitaka 40 tỷ đồng, ông Ando Shigeo 30 tỷ đồng, ông Tamada Masatoshi 20 tỷ đồng và ông Yonemoto Takashi 8 tỷ đồng.

Về chủ doanh nghiệp ban đầu, CTCP Xây dựng Bất động sản Việt Phát (gọi tắt là BĐS Việt Phát) thành lập vào tháng 09/2017, có địa chỉ trụ sở giống với Route Inn Việt Nam Hải Phòng, ngành nghề chính là tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất. Vốn điều lệ ban đầu 685 tỷ đồng, cổ đông sáng lập gồm CTCP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (HOSE: VPG) góp 15%, ông Nguyễn Văn Bình 40%, ông Nguyễn Xuân Trường (giữ chức Giám đốc kiêm đại diện pháp luật) 15%, bà Lê Thị Thanh Lệ 10%, ông Mai Quang Hợp 10%, ông Nguyễn Văn Đức 10%. Tháng 09/2019, Công ty đạt vốn điều lệ 1.985 tỷ đồng.

Được biết khi này, ông Bình là Chủ tịch HĐQT VPG, ông Trường là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VPG, bà Lệ là Thành viên HĐQT, ông Đức là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc VPG. Còn ông Nguyễn Khôi từng công tác tại các doanh nghiệp như Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Công ty TNHH Định Công, CTCP Viện công nghệ Tàu thủy Việt Nam. Trước thời điểm trở thành Giám đốc Route Inn Việt Nam Hải Phòng, ông Khôi là chuyên viên phòng phát triển dự án của BĐS Việt Phát.

Năm 2017, BĐS Việt Phát xuất hiện trong danh sách công ty liên quan của VPG với tỷ lệ sở hữu và quyền biết quyết là 15%, nhưng ban Tổng giám đốc VPG đánh giá Công ty không có quyền chi phối cũng như không có ảnh hưởng đáng kể đến các chính sách tài chính và hoạt động theo quy chế thỏa thuận của BĐS Việt Phát. Đến cuối 2018, tỷ lệ sở hữu và quyền biểu quyết của VPG tại đây giảm còn 10.43%; còn lại là của các Thành viên HĐQT, Ban Tổng Giám đốc VPG. Sang 2019, tỷ lệ này giảm còn 5.18%; còn lại Thành viên HĐQT, Ban Tổng Giám đốc VPG tăng lên 94.82%. Năm 2020, sau khi BĐS Việt Phát tăng vốn, VPG mua thêm 4.5 triệu cp từ ông Mai Quang Hợp với giá 45 tỷ đồng, cuối năm VPG sở hữu 7.44% BĐS Việt Phát tương ứng 147.7 tỷ đồng và giữ nguyên cho tới nay, theo báo cáo quý 1/2024.

Hiện nay, ông Bình vẫn là Chủ tịch HĐQT VPG, ông Đức là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, bà Lệ là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc, ông Nguyễn Khôi là Thành viên độc lập HĐQT kiêm Chủ tịch Ủy ban kiểm toán VPG.

Như đề cập ở trên, Tập đoàn Route Inn có hai dự án tại Đà Nẵng. Tại đây, Công ty TNHH Resort Route Inn Việt Nam thành lập tháng 01/2017, trụ sở tại phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; ngành nghề chính là dịch vụ lưu trú. Cổ đông sáng lập gồm CTCP Route Inn Japan (trụ sở tại Nhật Bản) góp 72.207% (tương đương gần 197 tỷ đồng), Công ty TNHH Thương mại Du lịch và Dịch vụ Sông Hàn (Sông Hàn Tourist) góp 27.793% (75.8 tỷ đồng). Hai đại diện pháp luật gồm ông Tadama Masatohi - Chủ tịch HĐTV, ông Yonemoto Takashi - Giám đốc. Giữa năm 2018, Sông Hàn Tourist thoái vốn và Công ty hoàn toàn thuộc về Route Inn Japan.

VPG kinh doanh ra sao?

VPG không còn xa lạ trên thị trường chứng khoán, doanh nghiệp thành lập từ năm 2008, hoạt động trong lĩnh kinh doanh, thương mại khoáng sản bao gồm quặng sắt, than cốc, than nhiệt, thép các loại. Công ty niêm yết trên HOSE vào năm 2018.

VPG chuyên cung cấp nguyên liệu quặng sắt cho nhà máy thép luyện của CTCP Thép Hòa Phát Hải Dương, Công Ty TNHH Gang Thép Tuyên Quang, dự kiến sản lượng cho các nhà máy mỗi năm khoảng 1 triệu tấn/năm; cung cấp nguyên liệu than cốc cho CTCP Tập đoàn PC1, CTCP Luyện Kim Đen Thái Nguyên, Công ty TNHH Vinh Thịnh Tuyên Quang, Công Ty TNHH Gang Thép Tuyên Quang, CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất từ 200,000 tấn đến 300,000 tấn…

Mảng than nhiệt, các khách hàng của VPG như Tập đoàn điện lực (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) như Nhiệt điện Sông Hậu, Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhiệt điện Vĩnh Tân, Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Duyên Hải… với sản lượng hàng năm từ 2 đến 3 triệu tấn và các nhà máy xi măng.

Ngoài ra, VPG còn phát triển mảng đầu tư dự án khu công nghiệp, trung tâm thương mại, đẩy mạnh dịch vụ vận tải, logistics…

Đến nay, VPG có vốn điều lệ 842 tỷ đồng, trong đó Chủ tịch Nguyễn Văn Bình sở hữu nhiều nhất với 25.79%. Tổng tài sản 6,715 tỷ đồng, nợ phải trả 5,220 tỷ đồng tính đến cuối quý 1/2024. Công ty có duy nhất 1 công con là CTCP Đầu tư Xây dựng Newland, vốn điều lệ 300 tỷ đồng, VPG sở hữu 90%.

Năm 2024, VPG đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 10.5 ngàn tỷ, tăng 66%; lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng, gấp 7.7 lần kết quả năm trước. Cổ tức dự kiến tỷ lệ 10%, gấp đôi so với năm 2023.

Cơ cấu cổ đông của VPG
Nguồn: VPG
Doanh thu và lợi nhuận ròng giai đoạn 2013-2023 của VPG
Tổng tài sản và nợ phải trả giai đoạn 2013-2023 của VPG

Thu Minh

FILI

Các tin tức khác

>   HVH và Tập đoàn Hồ Gươm làm dự án gần 800 tỷ tại Hòa Bình (20/05/2024)

>   Dự án kêu gọi đầu tư tuần 11-17/05: Nhiều tỉnh thành tung loạt dự án khủng (19/05/2024)

>   Hà Nội muốn thu hút đầu tư 15 dự án khu đô thị trên địa bàn trong năm 2024 (18/05/2024)

>   Thủ tướng: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (17/05/2024)

>   Dự báo thị trường hồi phục, doanh nghiệp bất động sản săn tìm quỹ đất (17/05/2024)

>   Tiến độ pháp lý mới nhất của dự án The Gió Riverside (20/05/2024)

>   Giám đốc sinh năm 1999 lập công ty hơn 1 tháng tuổi đăng ký làm dự án 430 tỷ ở Quảng Bình (17/05/2024)

>   Hà Nội kêu gọi đầu tư khu đô thị thông minh - sinh thái hơn 35 ngàn tỷ (15/05/2024)

>   Chính phủ Trung Quốc cân nhắc mua lại hàng triệu căn nhà chưa bán được (15/05/2024)

>   Ông lớn Bình Dương Bcons lên Đà Lạt làm dự án ngàn tỷ (15/05/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật