Thứ Sáu, 17/05/2024 13:28

Dự báo thị trường hồi phục, doanh nghiệp bất động sản săn tìm quỹ đất

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản nhận định lạc quan về thị trường sau thời gian dài trầm lắng, đặt mục tiêu săn tìm quỹ đất trong thời gian tới.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch HĐQT CTCP BCG Land (UPCoM: BCR) ông Tan Bo Quan, Andy chia sẻ: từ năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản chịu nhiều thử thách nặng nề, tiếp tục suy giảm mạnh sức mua và thanh khoản. Tuy nhiên, thị trường đã có dấu hiệu phục hồi nhẹ vào đầu quý 4/2023 khi Chính phủ nỗ lực vực dậy bằng hàng loạt chính sách mới. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng góp phần cải thiện khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho thị trường.

Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Khải Hoàn Land (HOSE: KHG) Đinh Thị Nhật Hạnh cũng cho rằng, thị trường từ đầu năm đến nay đã có sự khởi sắc khi lượng khách tham quan các buổi event cuối tuần dần khả quan hơn, kỳ vọng thị trường sẽ có bước đột phá ở những quý cuối năm.

Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) Lương Trí Thìn cho biết, sau tết Âm lịch 2024, thị trường bắt đầu có dấu hiệu hồi phục tích cực. Sản phẩm căn hộ đưa ra trong quý 1 toàn hệ thống đã có giao dịch trở lại; tuy không cao bằng các năm trước, nhưng so với 2 quý cuối năm 2023 và quý 1/2023, số lượng giao dịch đã cao gấp đôi, đặc biệt ở Hà Nội cao gấp 3 lần.

Về phía CTCP Vinhomes (HOSE: VHM), Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc - bà Nguyễn Thu Hằng cho rằng, thị trường năm nay sẽ hồi phục, nhưng không nhanh như kỳ vọng. Cụ thể, nguồn cung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng sẽ hồi phục nhưng ở mức hạn chế, nhất là các dự án sản phẩm tốt, pháp lý đảm bảo, có vị trí đẹp, tiện ích đồng bộ.

Ông Thìn dự báo, năm 2024, thị trường sẽ khởi sắc và thị trường 2025 sẽ có những chuyển biến tích cực, do vẫn còn khan hiếm nguồn cung trung bình khá; nhu cầu người dân về nhà ở vẫn còn rất lớn; các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm quốc gia đang dần hoàn thiện trong 3-5 năm tới như sân bay Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành…; dòng tiền giá rẻ hiện nay đang rất tốt, nhiều khách hàng vay với thời hạn 20 năm thì lãi suất cố định trong 3 năm chỉ từ 5-6%/năm.

Theo ông Tan Bo Quan, Andy, quý 2-3/2024, thị trường bất động sản sẽ bắt đầu hồi phục và đà tăng trưởng sẽ rõ ràng hơn từ năm 2025. Sự phục hồi sẽ bắt đầu với thị trường nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Cần Thơ, sau đó dần lan rộng ra các đô thị vệ tinh lân cận. Tổng Giám đốc BCR Nguyễn Thanh Hùng cho rằng, đến giai đoạn 2025-2026, thị trường bất động sản mới phục hồi hoàn toàn.

Lãnh đạo CTCP Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG) thận trọng hơn khi cho rằng, thị trường bất động sản 2024 vẫn sẽ đối mặt với những thách thức và cơ hội đan xen.

Thách thức có thể kể đến ở đây là việc lệch pha cung - cầu các phân khúc bất động sản khác nhau; khủng hoảng niềm tin; hàng tồn kho còn nhiều; rủi ro tài chính và khủng hoảng nợ tiềm ẩn; pháp lý dự án chậm.

Còn cơ hội cho các doanh nghiệp là nhu cầu ở thực vẫn còn cao (phân khúc vừa túi tiền và nhà ở xã hội); mặt bằng lãi suất cho vay giảm; nhiều luật mới được ban hành (Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản); Chính phủ quan tâm tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản bền vững.

Phó Chủ tịch HĐQT BCR Nguyễn Tùng Lâm nhận định: luật mới là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản và doanh nghiệp bất động sản.

Một số lợi điểm có thể kể đến là bổ sung quy định các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có thể nhận chuyển nhượng dự án, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam; bổ sung thêm các quy định về trả tiền thuê đất hàng năm thay vì trả 1 lần, giúp giảm bớt áp lực trong thời gian đầu cho các dự án bất động sản, đặc biệt là khu công nghiệp; quy định cụ thể các trường hợp giao đất thông qua đấu thầu và không thông qua đấu thầu, giúp tháo gỡ cho các dự án đang vướng pháp lý vì đây là vấn đề rất nóng tại các tỉnh; quy định về khung giá đền bù sát với giá thị trường, giúp giải quyết vấn đề đền bù tại nhiều dự án; cuối cùng là bổ sung một số phương pháp định giá, giúp đẩy nhanh tiến độ định giá đất, giúp các dự án khơi thông nhiều vướng mắc.

Bất động sản nào sẽ thu hút sự chú ý?

Tại ĐHĐCĐ 2024 CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, HOSE: SCR), ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC cho biết: gần đây, các nhà đầu tư quan tâm đến cụm từ “thành phố không người ở” từ Trung Quốc. Điều này cho thấy phân khúc nhà ở cao cấp hiện cung đang vượt cầu. “Tôi thấy phân khúc này đến hết 2025 vẫn chưa tan được tảng băng. Còn phân khúc thấp hơn thì cuối 2024 đến đầu 2026 sẽ sôi động trở lại, bởi nhu cầu thực của hộ gia đình, người lao động” - ông Thành chia sẻ.

Chủ tịch CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR) Nguyễn Văn Đạt đánh giá thị trường đang ấm dần, tập trung ở khu vực phía Bắc và trong lĩnh vực đất nền, do quy định mới khiến việc chuyển nhượng hạn chế và nguồn cung pháp lý đầy đủ khan hiếm.

Mặt khác, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đánh giá cao tiềm năng của bất động sản khu công nghiệp và lên kế hoạch “lấn sân” vào lĩnh vực này.

Đơn cử như SCR, lãnh đạo Công ty nhận thấy loại hình bất động sản này và hậu cần trở nên vượt trội hơn hầu hết loại tài sản khác, nhờ vào sự phát triển của ngành sản xuất và xuất khẩu, thương mại điện tử, vận tải và kho bãi kể từ năm 2018. Nhiều doanh nghiệp đang quan tâm tới Việt Nam như một điểm đến mới cho việc mở rộng sản xuất từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á và dự báo thị trường bất động sản khu công nghiệp sẽ tăng trưởng ít nhất 2 lần trong 10 năm tới.

Tỷ lệ hấp thụ nhà xưởng xây sẵn được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhờ thị trường hưởng lợi từ việc dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhu cầu thuê kho sẽ tiếp tục được duy trì bởi tiêu dùng trong nước, nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam và sự tăng trưởng của thị trường logistics và thương mại điện tử. Như vậy, theo định hướng chiến lược trên, bất động sản khu công nghiệp và bất động sản kho vận sẽ là sự cộng hưởng để SCR tiếp tục mở rộng phát triển.

Ông Nguyễn Thiện Tuấn - Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (HOSE: DIG) chia sẻ: “Sai lầm lớn của tôi là chỉ làm khu đô thị, không quan tâm đến khu công nghiệp, làm mất một khoản thu rất lớn. Bây giờ cơ hội đã đến với chúng ta, ngàn năm có một. Khu công nghiệp bây giờ phải là khu công nghiệp sinh thái. Nếu không làm thì sẽ bị lạc hậu, doanh thu đi lùi. Tất cả đô thị bây giờ cũng được định hướng phát triển như vậy”.

BCR cũng định hướng đến năm 2028, ngoài các lĩnh vực bất động sản hiện hữu, công ty sẽ tìm kiếm đối tác để tham gia thị trường bất động sản khu công nghiệp do đánh giá cao khả năng thu hút FDI của Việt Nam, thị trường này được kỳ vọng trong 5 năm tới sẽ là cơ hội lớn của Công ty.

Một doanh nghiệp có tiếng về nhà ở như CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HOSE: KDH) cũng đã bắt đầu đẩy mạnh bất động sản khu công nghiệp. Chủ tịch HĐQT Mai Trần Thanh Trang cho biết, dự án KCN Lê Minh Xuân của Công ty đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và UBND thành phố duyệt quy hoạch. Đối với giai đoạn 1 (89ha), Công ty đã đóng tiền thuê đất và đang trong quá trình xin giấy phép xây dựng, 20ha còn lại dự kiến sẽ hoàn thành bồi thường vào năm 2025.

Ưu tiên tìm kiếm quỹ đất có pháp lý rõ ràng

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang dần phục hồi, các doanh nghiệp trong ngành rục rịch săn tìm quỹ đất để triển khai thêm dự án, đón đầu thị trường.

Ưu tiên của các doanh nghiệp là những khu đất có pháp lý rõ ràng. Đại diện DXG cho biết, Công ty đang tập trung tìm kiếm, phát triển quỹ đất, các dự án, cơ hội đầu tư để thực hiện kế hoạch kinh doanh và chiến lược trong năm tiếp theo. Trong trung và dài hạn, DXG hướng tới việc mua và tích lũy những dự án bất động sản có vị trí đẹp, đã có mặt bằng hoàn chỉnh, pháp lý rõ ràng; hoàn thiện các thủ tục.

NLG hướng đến quỹ đất phù hợp với việc tích hợp các dịch vụ tiện ích cho cư dân của dự án. Chủ tịch Nguyễn Xuân Quang chia sẻ: NLG dự kiến đầu tư 1,000 tỷ đồng để phát triển quỹ đất, nhưng sẽ tập trung dùng vốn tự có để đảm bảo tính an toàn.

Chủ tịch DIG xác định 2 khu vực trọng tâm trong tương lai của DIG gồm xây dựng 2 thành phố ở Nam Thanh Hóa và Vũng Tàu vì đều có bờ biển dài.

PDR cho biết, tổng quỹ đất đơn vị này hiện có vào khoảng gần 4,267ha, trong đó quỹ đất do Công ty tự phát triển là hơn 4,226ha, liên kết phát triển là gần 41ha. Công ty đang tiếp tục mở rộng tại các khu vực Lâm Đồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Chủ tịch PDR chia sẻ, Công ty sẽ không từ bỏ tìm kiếm quỹ đất tại khu vực TPHCM. Tuy nhiên, PDR chủ trương là tìm kiếm khu vực nào có pháp lý hoàn chỉnh chứ không mạo hiểm tại các khu đất không có pháp lý rõ ràng.

SGR dự định dành 1,600 tỷ đồng để phân kỳ đầu tư cho các dự án tới năm 2025 và về sau. Lãnh đạo Công ty cho biết, hiện SGR đang có khoản 20 dự án trong tay, song thời gian tới vẫn muốn tìm kiếm thêm các dự án có tiềm năng thông qua đầu tư trực tiếp, M&A, liên danh, liên kết, hợp tác đầu tư…

Hà Lễ

FILI

Các tin tức khác

>   Tiến độ pháp lý mới nhất của dự án The Gió Riverside (20/05/2024)

>   Giám đốc sinh năm 1999 lập công ty hơn 1 tháng tuổi đăng ký làm dự án 430 tỷ ở Quảng Bình (17/05/2024)

>   Hà Nội kêu gọi đầu tư khu đô thị thông minh - sinh thái hơn 35 ngàn tỷ (15/05/2024)

>   Chính phủ Trung Quốc cân nhắc mua lại hàng triệu căn nhà chưa bán được (15/05/2024)

>   Ông lớn Bình Dương Bcons lên Đà Lạt làm dự án ngàn tỷ (15/05/2024)

>   Long An gọi đầu tư khu dân cư hơn 10 ngàn tỷ tại huyện Bến Lức (14/05/2024)

>   Khách sạn 50 tỷ đang xây dở, bất ngờ bị yêu cầu trả đất (12/05/2024)

>   Dự án kêu gọi đầu tư tuần 04-10/05: Long An có 2 dự án nhà ở xã hội hơn 7.6 ngàn tỷ (12/05/2024)

>   Nhà đầu tư BĐS hướng dòng tiền vào phân khúc có tính an toàn cao (14/05/2024)

>   Xu hướng “sống xanh” tăng cao trước tình trạng biến đổi khí hậu (10/05/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật