Các ngân hàng trung ương lại tăng cường mua vàng tích trữ
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết trong quý 1/2024, các ngân hàng trung ương đã mua 290 tấn vàng, một khởi đầu mạnh mẽ nhất trong lịch sử.
Kho dự trữ vàng tại trụ sở Ngân hàng trung ương Liban. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Cách đây 25 năm Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã khởi động đợt bán vàng trong lịch sử để chuyển hướng đầu tư sang trái phiếu.
Giờ đây các ngân hàng trung ương lại tăng cường mua vàng tích trữ và đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục. Sự đổi hướng này là bước khởi đầu cho sự thay đổi mô hình nhu cầu toàn cầu.
Đợt bán vàng 25 năm trước
Ngày 7/5/1999, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã làm nên lịch sử sau khi tuyên bố bán khoảng một nửa lượng vàng dự trữ của ngân hàng này. Trong vòng hai tháng, BoE đã bán 395 tấn vàng và huy động được 3,5 tỷ USD, đổ vào thị trường trái phiếu, bao gồm cả trái phiếu châu Âu, chỉ vài tháng sau khi Liên minh châu Âu (EU) được thành lập.
Thông báo của BoE và cuộc đấu thầu sau đó đã đẩy giá vàng xuống 252,80 USD/ounce, mức thấp lịch sử. Mặc dù quyết định bán vàng của BoE đã gây nhiều tranh cãi vào thời điểm công bố, song một số nhà phân tích cho rằng có lập luận logic đằng sau quyết định này.
Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News, ông Ronald-Peter Stöferle, đối tác quản lý tại công ty quản lý tài sản Incrementum AG, nhận định vào tháng 5/1999, thị trường vàng về cơ bản không có biến động gì nổi bật trong 20 năm và kim loại quý này bị nhiều người coi là lỗi thời.
Theo ông Stöferle, giữa những năm 1990 và đầu những năm 2000 là thời kỳ lạm phát được kiểm soát và nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng. Ông Stöferle cho biết ngoài BoE, các ngân hàng trung ương khác cũng bán ra lượng vàng dự trữ của họ. Ngân hàng trung ương Canada bắt đầu bán vàng vào đầu những năm 2000 và thanh lý số vàng cuối cùng vào năm 2016. Argentina, Hà Lan, Áo và Pháp đã bán vàng vào đầu những năm 2000.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), vào thời điểm đó nhiều người lo ngại rằng việc bán vàng thiếu sự phối hợp giữa các ngân hàng trung ương gây bất ổn cho thị trường, khiến giá vàng giảm mạnh.
Sau thông báo của BoE và sự sụt giảm nhanh chóng của giá vàng, các ngân hàng trung ương đã đồng ý hạn chế lượng bán vàng của họ. Thỏa thuận vàng giữa các ngân hàng trung ương đầu tiên, còn được gọi là Thỏa thuận Washington về Vàng, được công bố vào ngày 26/9/1999. Các thỏa thuận được gia hạn 5 năm một lần vào các năm 2004, 2009 và 2014, và thỏa thuận cuối cùng hết hạn vào tháng 9/2019.
Ông Tavi Costa, chiến lược gia của công ty quản lý tài sản Crescat Capital, cho rằng quyết định của BoE vào thời điểm đó là hợp lý và trong những năm 2000, việc mua trái phiếu đều có lãi.
Ông Stöferle cũng đánh giá quyết định bán vàng của BoE không là một sai lầm nghiêm trọng. Ông chỉ ra rằng mặc dù ngày nay BoE sẽ tốn hàng chục tỷ USD để mua lại số vàng đã bán, song vẫn đây vẫn là con số không đáng kể so với việc các chính phủ bơm lượng lớn tiền vào thị trường để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19.
Ông Stöferle lưu ý lượng nắm giữ vàng của BoE chỉ là một giọt nước nhỏ so với nguồn tài chính mà hiện nay. Bảng cân đối kế toán của BoE hiện có giá trị gần 1.000 tỷ bảng Anh (1.261 tỷ USD), thấp hơn so với mức đỉnh của hai năm trước. Bảng cân đối kế toán của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào khoảng 7.360 tỷ USD.
BoE hiện nắm giữ 310,3 tấn vàng, chiếm khoảng 12% tổng dự trữ ngoại hối.
Sự đảo ngược xu hướng
Hiện nay, bức tranh tài chính toàn cầu đã hoàn toàn đảo ngược. Các ngân hàng trung ương liên tục tích lũy vàng trong 12 năm qua. Trên thực tế, các ngân hàng trung ương đã mua nhiều vàng hơn trong thập kỷ qua so với số lượng họ bán ra khi thỏa thuận về vàng có hiệu lực.
WGC chỉ ra rằng các ngân hàng trung ương đã tăng dự trữ vàng của họ với tốc độ kỷ lục, khi mua hơn 2.000 tấn trong hai năm qua. Gần đây nhất, WGC lưu ý rằng trong quý 1/2024, các ngân hàng trung ương đã mua 290 tấn vàng, một khởi đầu mạnh mẽ nhất trong lịch sử.
Ông Costa cho biết không có gì ngạc nhiên khi các ngân hàng trung ương đang quay trở lại với vàng trước môi trường phi toàn cầu hóa. Theo ông Costa, các ngân hàng trung ương cần phải cải thiện chất lượng dự trữ của họ để đối phó với sự mất cân đối trong hệ thống. Bên cạnh đó, họ cũng có động lực hướng tới việc sở hữu các tài sản trung lập trong bối cảnh phi toàn cầu hóa gia tăng.
Hầu hết nhu cầu vàng đến từ các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi. Ông Costa chỉ ra rằng các ngân hàng trung ương ở thị trường mới nổi có nhu cầu lớn hơn nhiều trong việc đa dạng hóa tài sản nắm giữ. Hoạt động mua vàng trở thành một trong những chính sách trung lập hơn mà các thị trường mới nổi thực hiện để cải thiện độ tin cậy của hệ thống tiền tệ của họ.
Đối với ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn, ông Costa cho rằng họ sẽ không công bố kế hoạch mua vàng . Ông chỉ ra rằng sau khi bán vàng ở mức thấp lịch sử, BoE sẽ mạo hiểm uy tín của mình nếu công bố mua vàng vào thời điểm hiện nay, khi giá đang giao dịch trên 2.300 USD/ounce.
Những thỏi vàng tại Ngân hàng ở Cộng hòa Séc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Trong khi đó, ông Stöferle lưu ý dù các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi đóng vai trò chi phối nhu cầu vàng của khu vực chính thức, các ngân hàng trung ương tại các nước phát triển không hoàn toàn phớt lờ giao dịch này.
Cơ quan tiền tệ Singapore đã mua vàng liên tục trong vài tháng qua; Ba Lan cũng là nước mua vàng đáng kể trong năm 2023, và ngay cả Cộng hòa Séc cũng tăng đều đặn lượng vàng dự trữ.
Theo ông Stöferle, vàng trở thành công cụ hữu hiệu đối với các ngân hàng trung ương đang tìm kiếm sự ổn định trên thị trường tiền tệ. Nếu tính vàng là một loại tiền tệ, cho đến nay kim loại quý này là loại tiền tệ mạnh nhất trong 24 năm qua tính theo đồng euro./.
Trà My
Vietnamplus
|