Thứ Bảy, 13/04/2024 09:02

Phim có doanh thu cao trong nền điện ảnh còn… thấp!

Năm ngoái, với việc vượt mốc doanh thu hơn 200 tỷ đồng chỉ sau hơn 1 tuần phát hành, “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” đã giúp Lý Hải xác lập và giữ vững kỷ lục thực hiện 6 phần phim đạt doanh thu trên 700 tỷ đồng, tạo nên một thương hiệu ăn khách. Ở mỗi phần, dù là hài - hành động, tâm lý hay kinh dị thì phần phim sau luôn đạt doanh thu cao hơn phần trước. Đó là 1 kỳ tích không dễ có ở bất kỳ đạo diễn, nhà sản xuất nào.

Năm nay, lại thêm 1 kỷ lục mới được tạo ra bởi Trấn Thành. Sau hơn 3 ngày công chiếu, “Mai” thu về 100 tỷ đồng; sau 5 ngày thu về 200 tỷ, sau 8 ngày thu về 300 tỷ. Tiếp đến, sau hơn 3 tuần, “Mai” cán mốc 500 tỷ. Với thành tích này, cộng với “Bố già”, “Nhà bà Nữ”, Trấn Thành là nhà sản xuất có phim đạt doanh thu ngàn tỷ.

Trước đó, những thống kê trên Box Office Vietnam cũng cho thấy những bộ phim Việt đạt doanh thu cao như "Hai Phượng" thu 200 tỷ đồng, "Cua lại vợ bầu" đạt 191 tỷ đồng hay "Mắt biếc" có 180 tỷ đồng, "Gặp lại chị bầu" (84 tỷ đồng)…

Những con số doanh thu hàng chục tỷ, trăm tỷ là “tấm vé” bảo chứng cho một thị trường tiềm năng, sôi động của điện ảnh nói riêng, của công nghiệp điện ảnh - văn hóa nói chung. Dù phải thừa nhận, chất lượng nghệ thuật chưa hẳn đã được bảo toàn song nỗ lực tiệm cận với ngôn ngữ nghệ thuật thứ 7 đã phần nào rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới. Cũng như điều kỳ lạ là cả 2 thương hiệu nhà sản xuất Lý Hải - Trấn Thành đều là dân ngoại đạo nhưng cũng chỉ có họ, chính họ mới làm mưa làm gió phòng vé, đủ sức đánh thức thị trường sản xuất lẫn phát hành phim ảnh.

Cũng nhớ đó mà trên bảng tổng sắp Đông Nam Á, Việt Nam vượt mặt Thái Lan với tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm tăng 10%. Nên nhớ nền điện ảnh Thái có sớm và phát triển hơn hẳn Việt Nam. Ở cấp độ khu vực châu Á, điện ảnh Việt Nam cũng được xem là nước có sự phục hồi nhanh thứ hai ở châu Á, sau Ấn Độ khi mùa phim Tết Giáp Thìn vừa qua, phim Việt đã cạnh tranh sòng phẳng ở rạp với phim Nhật, Hollywood.

Những ngày này, tại TP.HCM đang diễn ra Liên hoan phim quốc tế TP.HCM 2024. Nhiều nhà hoạt động điện ảnh nổi tiếng khu vực, thế giới đã tụ hội về thành phố, các hoạt động, sự kiện liên quan đến công nghiệp điện ảnh đã được xúc tiến, tổ chức liên tục, có tính chuyên môn cao. Đây được xem là cách thức cụ thể hóa chủ trương phát triển ngành công nghiệp văn hóa quốc gia đến năm 2030, là hiện thực hóa từng bước Luật Điện ảnh 2023, Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM (trong đó có các quy định liên quan đến lĩnh vực văn hóa - thể thao) trong đời sống văn hóa - xã hội.

Tuy nhiên, có một thực tế cần được nhận diện: dù là thị trường sôi động nhất nước, là nơi quy tụ nguồn lực hoạt động điện ảnh dồi dào và chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân với 817/819, chiếm tỷ lệ 99.75%. Nhưng quy mô vốn lại nhỏ và… rất nhỏ, số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 100 tỷ đồng chiếm đến 98%, chỉ 16 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ. Quy mô lao động của các cơ sở sản xuất phim thì đa phần là siêu nhỏ, trong đó nhóm dưới 10 lao động chiếm trên 86.57%, cơ sở trên 200 lao động chiếm 0.49%. 

Chưa kể hạ tầng cơ sở nhằm phục vụ cho công nghiệp điện ảnh đang ở mức khá thấp, chưa có phim trường tập trung chuyên nghiệp, kỹ nghệ hậu kỳ chưa đạt chuẩn, lực lượng có thể đông nhưng vẫn thiếu và yếu về chất, ở tất cả các khâu từ xây dựng kịch bản, đạo diễn, diễn viên, chuyên viên ánh sáng, bối cảnh; quảng bá, xúc tiến các dịch vụ của công nghiệp điện ảnh…

Nhìn chung, Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng vẫn chưa thể kêu gọi các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn giải trí hàng đầu thế giới đến để “làm tổ” nên dù giàu tiềm năng nhưng chưa được khai phá, đánh thức. Trong khi, những năm gần đây, với hệ thống cụm rạp chiếu phim vốn nằm trong tay của 5 doanh nghiệp dẫn đầu (chiếm giữ 98% thị phần chiếu phim Việt Nam) là CGV Việt Nam, Lotte Cinema, BHD, Platinum, Galaxy, là những tổ hợp văn hóa - chiếu phim, mua sắm, ẩm thực, các loại hình vui chơi… đã mang lại nguồn lợi nhuận rất khả quan cho nhà đầu tư.

Rõ ràng, điện ảnh Việt Nam cần được kiện toàn mọi mặt, từ chiến lược phát triển cho đến cơ chế đầu tư, hội nhập; nó không chỉ là khả năng hiện thực hóa các văn bản nghị quyết, các quy định pháp luật nhằm thu hút nguồn lực vào hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, dịch vụ điện ảnh mà hơn thế, là mang lại một không gian sáng tạo, một hệ sinh thái điện ảnh cho những tài năng, người sáng tạo.

Nói như Quốc bảo điện ảnh Nhật Bản Hirokazu Kore-eda khi tham dự Liên hoan phim quốc tế TP.HCM vừa qua thì nếu muốn phát triển thành "thành phố điện ảnh", thành phố đó phải làm ra sẵn "menu", muốn quay ở đâu thì nơi đó phải sẵn sàng cho quay. Thành phố hãy và chỉ nên hỗ trợ về mặt hậu cần thôi, còn “nội dung thì hãy để đạo diễn làm ra".

Quốc Học

FILI

Các tin tức khác

>   TPHCM: Phạt nguội hơn 29,000 trường hợp trong quý 1/2024 (11/04/2024)

>   Nghỉ lễ 30/4-01/05: Trình Thủ tướng phương án nghỉ 5 ngày liên tục (11/04/2024)

>   "Ma trận" sở hữu kỳ nghỉ (11/04/2024)

>   Kiểm tra tiệm vàng, phát hiện sản phẩm giả nhãn hiệu Chanel, Louis Vuitton (10/04/2024)

>   Gian hàng bán giá "ảo" tràn lan trên sàn thương mại điện tử, mục đích là gì? (09/04/2024)

>   Chuyên gia EVN: Điều hòa giảm 1 độ, điện năng tiêu thụ tăng 3% (09/04/2024)

>   Người tiêu dùng Việt phải vật lộn với giá cả hàng hóa tăng cao (08/04/2024)

>   Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thông báo giảm giá sách giáo khoa năm học 2024-2025  (08/04/2024)

>   Việt Nam được bình chọn là nơi phụ nữ đi du lịch một mình an toàn nhất (08/04/2024)

>   Bộ Nội vụ tán thành đề xuất nghỉ lễ 5 ngày liên tiếp dịp lễ 30-4 và 1-5 (07/04/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật