Người tiêu dùng Việt phải vật lộn với giá cả hàng hóa tăng cao
Theo Công ty nghiên cứu thị trường Kantar, người tiêu dùng Việt đang phải vật lộn với giá cả hàng hóa tăng cao từ đầu năm ngoái đến nay.
Theo Hội Lương thực thực phẩm (LTTP) TP.HCM, trong bối cảnh nhiều ngành có tốc độ tăng trưởng sụt giảm, ngành LTTP vẫn duy trì tốt khi chỉ số sản xuất ngành quý I tăng hơn 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp (DN) LTTP vẫn hết sức khó khăn, sức mua tiêu dùng thị trường nội địa lẫn xuất khẩu đều yếu. Trong khi đó, chi phí sản xuất kinh doanh của DN ngày càng tăng do giá nguyên liệu đầu vào vẫn còn cao, thuế phí nhiều…đã và đang tác động rất lớn đến DN.
Cùng nhìn nhận trên, đại diện Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina Việt Nam cho biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giá nguyên vật liệu tăng cao,...tác động lên chi chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm.
Tuy nhiên, việc gia tăng chất lượng, giữ giá sản phẩm luôn là chiến lược mũi nhọn được Orion định hướng, đầu tư và phát triển xuyên suốt nhiều năm qua. Theo đó, kể từ khi có mặt tại Việt Nam 29 năm, lần đầu tiên năm 2008 trọng lượng bánh chocopie tăng lên 10gr với giá không đổi.
Tương tự, đại diện Công ty Vissan cho biết, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sức mua tiêu dùng những tháng đầu năm chậm nên công ty tiếp tục kích cầu tiêu dùng.
Theo đó, với mỗi hóa đơn trị giá 200.000 đồng mặt hàng thực phẩm tươi sống, người tiêu dùng sẽ được tặng lon nước xương hầm Vissan.
Người tiêu dùng vật lộn khi giá hàng hóa tăng cao từ đầu năm ngoái tới nay. Ảnh: TÚ UYÊN
|
30% hộ gia đình cho biết khó khăn duy trì khả năng tài chính
Bà Hà Huy Thiên Thư, Trưởng phòng Marketing cấp cao, Công ty nghiên cứu thị trường Kantar, cho biết báo cáo về triển vọng thị ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) Việt Nam 2024 cho thấy người tiêu dùng Việt phải vật lộn với giá cả hàng hóa tăng cao từ đầu năm ngoái đến nay.
Đáng chú ý, cuối năm 2023 có đến 30% hộ gia đình cho biết đang gặp khó khăn trong duy trì tài chính gia đình.
Theo đó, người tiêu dùng không ngừng thay đổi hành vi mua sắm để tiết kiệm nhưng vẫn phải đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho gia đình.
Đáng chú ý, một số ngành hàng tiêu dùng nhanh chứng kiến sự sụt giảm về khối lượng như một số ngành hàng sữa; ngành hàng trong chăm sóc cá nhân như dầu gội đầu; ngành chăm sóc nhà cửa như nước giặt thành công nhờ giải quyết sự cân bằng giữa nhu cầu và túi tiền của người mua hàng.
Theo bà Thư, năm 2024 hứa hẹn nhiều tiềm năng cho ngành hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam với triển vọng về sự phục hồi và tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, việc DN đưa ra ào ạt các chương trình khuyến mãi để thúc đẩy tăng trưởng doanh số ngắn hạn không phải lúc nào mang lại hiệu quả lâu dài cho thương hiệu.
Tú Uyên
PLTPHCM
|