Nếu không bỏ độc quyền vàng SJC, cách nào hạ ‘cơn sốt’ giá vàng?
Theo chuyên gia, để bình ổn giá vàng trong nước, bỏ độc quyền chỉ là một yếu tố; càng tăng cung vàng vật chất thì càng “vàng hóa” cao. Vì thế, cùng một lúc phải triển khai đồng bộ các giải pháp.
Không phải sửa, mà cần thay thế Nghị định 24
Để cắt “cơn sốt” giá vàng, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, cần bỏ độc quyền sản xuất vàng và thương hiệu vàng miếng SJC. Mới đây, tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ, các chuyên gia tiếp tục đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC; thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Tuy nhiên, đến nay, trong khi chưa có một giải pháp cụ thể nào được "chốt". Trong khi đó, giá vàng trong nước vẫn biến động mạnh.
Cụ thể, ngày 4/4, giá vàng trên thế giới phá vỡ mọi kỷ lục, tăng lên đỉnh cao, vượt 2.300 USD/ounce. Giá vàng trong nước cũng vọt tăng theo, vàng nhẫn 9999 vượt mốc 72 triệu đồng/lượng; vàng miếng SJC tăng sát 82 triệu đồng rồi lại giảm nhanh về quanh mốc 81 triệu đồng/lượng.
Chia sẻ với phóng viên, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, nhấn mạnh, nếu không bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC, không bỏ độc quyền nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì khó có giải pháp nào hữu hiệu hơn.
“Nếu không tăng nguồn cung thì không có cách nào giảm chênh lệch giá. Đây là vấn đề cung-cầu, độc quyền nên tắc nghẽn nguồn cung, không giải quyết thì chênh lệch sẽ càng ngày càng tăng. Thị trường 10 năm qua đã chứng tỏ điều này, không có biện pháp hành chính nào có thể thu hẹp chênh lệch giá vàng”, ông Khánh nói.
Theo chuyên gia, để bình ổn giá vàng trong nước, bỏ độc quyền chỉ là một yếu tố. Ảnh: Hoàng Hà
|
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, lại nêu quan điểm, để bình ổn giá vàng trong nước, bỏ độc quyền chỉ là một yếu tố.
“Có ý kiến cho rằng phải tăng cường nhập khẩu vàng hay ủy thác cho một số đơn vị nhập khẩu... như thế là nguy hiểm. Bởi, nếu cứ như vậy sẽ tạo điều kiện cung ứng vàng vật chất, trong khi xu thế thế giới ngoài vàng vật chất còn phải vàng tài khoản nữa.
Nếu nhập vàng, Nhà nước phải bỏ ngoại tệ ra; càng tăng cung vàng vật chất thì càng “vàng hóa” cao. Vì thế, cùng một lúc phải đồng bộ các giải pháp. Sửa đổi nghị định thì không được thay quá 20%, vì thế phải thay thế Nghị định 24”, ông Long kiến nghị.
Phải chuyển đổi từ vàng vật chất sang vàng phái sinh
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, để bình ổn thị trường vàng, cần điều hành theo nguyên tắc thị trường. Trước hết, cần quán triệt các nguyên tắc quản lý thị trường vàng trong nền kinh tế thị trường. Để hạn chế vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế, cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng.
“NHNN chỉ thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách, chỉ điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo Pháp lệnh ngoại hối, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng mà không tham gia sản xuất kinh doanh hoặc điều tiết thị trường bằng các biện pháp hành chính, không trực tiếp cạn dự việc kinh doanh của các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh phải để họ tự hoạt động theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ quản lý chất lượng (tuổi vàng), trọng lượng, nhãn hiệu như các doanh nghiệp đã đăng ký, cho phép nhiều thương hiệu cũng tồn tại thay vì độc quyền. Khi đã quy định điều kiện kinh doanh thì không được “đẻ” ra các thủ tục xin - cho, cấp giấy phép con”, ông Long nói.
Cùng với đó, vị chuyên gia này nhấn mạnh, thị trường vàng Việt Nam phải liên thông với thị trường vàng thế giới, phải loại bỏ yếu tố giá cách biệt như hiện nay bằng giải pháp thị trường. Cung phải gắn với cầu, tiến tới tự do hóa xuất nhập khẩu, Nhà nước chỉ điều tiết bằng chính sách.
“Phải dẫn chuyển đổi từ thị trường vàng vật chất sang thị trường vàng có nhiều sản phẩm phái sinh, tạo cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thêm nhiều công cụ bảo hiểm rủi ro và hội nhập, tiếp cận được những sản phẩm tài chính thông dụng trên thị trường quốc tế. Sửa Nghị định 24 phải đề cập toàn diện hơn các sản phẩm và dịch vụ tài chính liên quan tới vàng, chứ không đơn thuần chỉ quản lý vàng miếng và vàng trang sức”, PGS.TS Ngô Trí Long lưu ý.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh việc chống “vàng hóa” không thể bằng giải pháp hành chính mà là phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng như chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh,... trên một trung tâm giao dịch tập trung.
Do vậy, theo ông Long, cần sớm cho phép Sở Giao dịch hàng hóa giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn như các quốc gia tiên tiến khác. Các thành viên tham gia phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, được phép xuất nhập khẩu vàng. Điều này sẽ không phải tốn kém chi phí để nhập vàng vật chất về bán cho dân.
Nguyễn Lê
VietNamNet
|