Thứ Hai, 01/04/2024 09:44

Bỏ độc quyền vàng miếng SJC, cần lập sàn mua bán tín chỉ vàng

Đồng tình với đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC, tuy nhiên chuyên gia cho rằng nên cho phép mua bán tín chỉ vàng do Nhà nước phát hành.

Độc quyền vàng miếng, tạo giá trị ảo cho SJC

Những ngày cuối tháng 3, giá vàng lại lập đỉnh mới. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, bình quân quý I, chỉ số giá vàng tăng 18,23%.

Lý giải cho đà tăng này, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê - cho rằng, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới.

Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm ngân hàng thấp, thị trường bất động sản không ổn định, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều hoài nghi cũng khiến nhiều người lựa chọn kênh đầu tư vàng. Đây chính là nguyên nhân làm giá vàng trong nước tăng.

Bà Oanh cho rằng, giá vàng tăng liên tục sẽ gây hệ lụy đến nền kinh tế, nhà đầu tư chuyển vốn vào vàng, với mục tiêu đa dạng danh mục sinh lời, khiến nền kinh tế khan hiếm tiền vào đầu tư, sản xuất. 

Rất nhiều giải pháp nhằm bình ổn thị trường vàng trong nước, giảm chênh lệch với giá thế giới đã được các chuyên gia đưa ra.

Tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ mới đây, các chuyên gia đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC; thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. 

Theo chuyên gia, cần hướng đến việc tạo ra thị trường giao dịch vàng như một sàn giao dịch hàng hóa. Ảnh: Chí Hiếu

Bày tỏ quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, đưa ra loạt giải pháp cho thị trường vàng.

Theo ông, cần cho phép tăng lượng cung của vàng, phù hợp với nhu cầu của người dân, bằng cách cho phép một số doanh nghiệp đủ tiêu chí đáp ứng điều kiện nhập khẩu vàng.

“Khi tăng cung sẽ cân bằng hơn quan hệ giữa cung - cầu; giúp giá vàng giảm xuống, giá sẽ được điều tiết, sát hơn so với giá thế giới. Từ đó, hiện tượng nhập lậu vàng giảm bớt, góp phần thu hút lượng ngoại tệ trong dân, doanh nghiệp. Thậm chí, có thể tăng dự trữ ngoại hối thông qua cách làm đó”, ông Lực nói.

Cùng với đó, vị chuyên gia nhấn mạnh, phải bỏ thương hiệu quốc gia độc quyền vàng SJC bởi thương hiệu này không khác nhiều các thương hiệu vàng khác nhưng lại có chênh lệch giá đến hơn chục triệu đồng trong thời gian qua; tạo ra giá trị ảo cho bản thân vàng SJC.

“Tăng cường phối, kết hợp giữa Ngân hàng Nhà nước với cơ quan, bộ, ngành khác nhau để kiểm tra, đánh giá, giám sát thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch và hoạt động hiệu quả hơn nữa. Cũng như cần tăng cường hợp tác quốc tế, vừa chống câu chuyện buôn lậu cũng như đảm bảo cung - cầu để thị trường vàng liên thông, tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Tháo gỡ được những vấn đề đó, cơ bản Nghị định 24 sẽ đáp ứng được yêu cầu vận hành, quản lý thị trường vàng tốt hơn. Từ đó, sẽ có hỗ trợ tốt cho ổn định kinh tế vĩ mô nói chung và kể cả lĩnh vực ngoại hối nói riêng”, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nói. 

Nên lập sàn giao dịch vàng  

Cũng bày tỏ sự đồng tình với đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC, chia sẻ với phóng viên, TS. Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội, cho rằng, điều này sẽ tạo tính cạnh tranh, tốt cho thị trường vàng.

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 24 chỉ là giải pháp ngắn hạn cho thị trường vàng, cần có giải pháp dài hơi hơn. Theo đó, cần hướng đến việc tạo ra thị trường giao dịch vàng như một sàn giao dịch hàng hóa.

Vị chuyên gia cho rằng, cần xây dựng thị trường vàng hiện đại để phục vụ nhu cầu giao dịch, mua bán của người dân. 

“Cần có sàn giao dịch để mọi người có thể dễ dàng mua bán trao đổi. Ở đó, người dân sẽ tham gia giao dịch mua bán tín chỉ vàng do Nhà nước phát hành, việc này không ảnh hưởng đến số lượng vàng vật chất nên không tác động đến ngoại hối, tỷ giá. Thị trường giao dịch vàng bình thường như giao dịch mua bán xăng dầu…”, ông Minh cho hay.

Trao đổi với chúng tôi trước đó, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, cũng bày tỏ, khi có chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ bớt lệ thuộc vào vàng vật chất, người dân hay nhà đầu tư có nơi để gửi vàng vào sử dụng mua bán, giao dịch. Trong khi đó, có thể đưa được số vàng tích trữ của người dân vào nền kinh tế, để lưu thông.

Vấn đề lập sàn giao dịch vàng nếu hình thành, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính hay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ kiểm soát được việc mua bán vàng; thậm chí còn cân đối được cung - cầu trong nước, khi cầu quá lớn, cung không đủ mới cần nhập khẩu về.

“Sàn giao dịch vàng, chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ đưa vàng vào nền kinh tế. Còn hiện nay, vàng vẫn 'nằm chết' một chỗ với số lượng lên đến vài trăm tấn”, ông Khánh nhấn mạnh.

Nguyễn Lê

VietNamNet

Các tin tức khác

>   Vàng đang tăng giá giữa một thế giới bất ổn (01/04/2024)

>   Giá vàng hôm nay 31-3: Chốt tuần, vàng nhẫn 24K tăng sốc (31/03/2024)

>   PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Giá vàng thế giới tăng cao do kỳ vọng thị trường của nhà đầu cơ (29/03/2024)

>   Vàng thế giới vượt mốc 2,250 USD, lập kỷ lục mới (29/03/2024)

>   Vàng thế giới có tháng tăng tốt nhất trong hơn 3 năm (29/03/2024)

>   Đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng, quyết liệt nâng hạng thị trường chứng khoán (28/03/2024)

>   Vàng thế giới tăng giá chờ dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ (28/03/2024)

>   Giá vàng SJC tiếp tục tăng mạnh, tiến gần mốc 81 triệu đồng mỗi lượng (27/03/2024)

>   Vàng thế giới tăng nhẹ chờ dữ liệu lạm phát quan trọng (27/03/2024)

>   Giá vàng nhẫn tăng mạnh, vượt 70 triệu đồng (26/03/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật