PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Giá vàng thế giới tăng cao do kỳ vọng thị trường của nhà đầu cơ
Đó là ý giải của PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh khi giá vàng thế giới đạt mức kỷ lục trong ngày 29/03.
* Vàng thế giới vượt mốc 2,250 USD, lập kỷ lục mới
Ngày 29/03, hợp đồng vàng tương lai trên sàn COMEX tăng gần 2% lên 2,254 USD/oz, là mức cao nhất từ trước đến nay.
Daniel Ghali, Chiến lược gia hàng hoá tại TD Securities, cho biết: “Nhà đầu tư đang có vị thế ổn định trước kỳ nghỉ lễ và hoạt động giao dịch tăng vào cuối tháng và cuối quý, điều này đã thúc đẩy giá vàng”.
“Vàng có thể tăng hơn nữa nếu thị trường bắt đầu kỳ vọng về một chu kỳ giảm lãi suất mạnh của Fed, nhưng chúng tôi nhận thấy dấu hiệu lực mua bị đuối trong thời gian rất gần”.
Giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay
Nguồn: Investing.com
|
Trong nước, sau thời gian tăng nóng hiện đang dao động quanh 81 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC đến sáng 29/03 đang ở mức 79 - 81 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào - bán ra.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế đánh giá khó có thể dự báo được giá vàng hiện tại sẽ biến động như thế nào, nhất là giá vàng thế giới.
“Nếu phân tích giá vàng thế giới chịu ảnh hưởng bởi đồng USD, giá trị đồng USD đang ở mức cao. Còn xung đột địa - chính trị cũng không có biến động quá lớn trên thế giới. Vì vậy nếu như cho rằng dòng vốn lo sợ căng thẳng và tìm vào kênh trú ẩn vàng khiến giá vàng tăng cao cũng không quá đúng, bởi vì hiện tại lạm phát thế giới dù ở mức cao nhưng vẫn có đà giảm, sản xuất tại Mỹ cũng ổn định”, ông Thịnh đánh giá.
Một số ý kiến cho rằng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất trong năm 2024, điều này đã được dự đoán từ năm trước.
Hoặc ý kiến cho rằng do các ngân hàng trung ương tăng mua vàng, nhưng theo số liệu nếu tính trong 3 tháng đầu năm 2024, lượng mua vào thấp hơn lượng vàng các ngân hàng trung ương mua của 3 tháng đầu năm 2023. Do đó nếu nguyên nhân do cung cầu cũng không hẳn.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng lý do duy nhất đẩy giá vàng thế giới lên cao là do kỳ vọng của thị trường của các nhà đầu cơ và giá vàng sẽ tăng lên như một số chuyên gia dự đoán có thể lên 2,300 USD/oz, thậm chí lên đến 2,400 USD/oz trong năm 2024. Vì thế giá vàng thế giới cứ thế bị đẩy lên cao. Nếu thị trường vẫn tiếp tục kỳ vọng giá vàng sẽ tăng, từ nay đến cuối năm giá vàng thế giới có thể tăng tiếp lên 2,500 USD/oz.
Về giá vàng trong nước, rõ ràng cũng phải tính mức tương đương, nếu như Nghị định 24 được sửa đổi, thì giá vàng trong nước sẽ gần hơn với giá vàng thế giới nhưng vẫn có một khoảng cách với giá vàng quy đổi khoảng 2-3 triệu đồng.
Nếu như sửa đổi được Nghị định 24, bỏ độc quyền vàng miếng, sau khi xét và đưa ra một số điều kiện cho những doanh nghiệp nào đạt tiêu chuẩn được phép dập vàng miếng hoặc có thể được nhập vàng nguyên liệu nếu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép. Tuy nhiên, NHNN cũng phải quản lý số lượng dập cho phù hợp và tránh lãng phí.
Thực tế hiện nay, NHNN vẫn đang quản lý chặt chẽ ngoại tệ và dĩ nhiên vẫn phải quản lý chặt chẽ vàng, hướng dòng tiền vào hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư máy móc thiết bị, tạo ra tăng trưởng cho nền kinh tế.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng phản đối nhiều ý kiến cho rằng cần đưa vàng về giao dịch trên thị trường, lập sàn vàng giao dịch như thị trường hàng hóa vì cái này đi ngược với mong muốn chống vàng hóa cũng như mong muốn quản lý chặt chẽ dòng vốn, đặc biệt là dòng vốn ngoại tệ hướng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư cho tăng trưởng và phát triển.
Giá vàng trong nước sẽ tăng tiếp, nếu như vẫn chưa sửa được Nghị định 24, nếu giá vàng thế giới vẫn cứ đà tăng đến 2,400-2,500, thì giá vàng Việt Nam vẫn sẽ tăng nữa.
Nếu có nghị định sửa đổi, thì giá vàng SJC sẽ có khoảng cách 2-3 triệu so với giá vàng thế giới.
Cát Lam
FILI
|