Thứ Hai, 08/04/2024 10:02

Lợi suất trái phiếu tăng vọt, chứng khoán Mỹ lâm nguy?

Đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ có thể gây trở ngại cho đà tăng đã đẩy chứng khoán Mỹ trở nên ngày càng đắt đỏ hơn.

Kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong năm nay đã góp phần đẩy S&P 500 bứt phá 10% trong quý đầu năm 2024, ngay cả khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh trong vài tuần gần đây. Định giá cổ phiếu cũng tăng mạnh, với chỉ số S&P 500 đang có hệ số P/E 21 lần (so vơi lợi nhuận ước tính 12 tháng tới), mức cao nhất kể từ tháng 1/2022, theo LSEG Datastream.

Giờ thì dữ liệu kinh tế mạnh mẽ đang bào mòn kỳ vọng Fed sớm giảm lãi suất trong năm nay. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên 4.422% trong ngày 05/04, là mức đỉnh hơn 4 tháng.

Đến nay, nền kinh tế vẫn vững chắc, lợi nhuận doanh nghiệp cao và giới đầu tư tỏ ra cuồng nhiệt về trí tuệ nhân tạo (AI). Những cơn gió thuận chiều này đã đẩy chứng khoán Mỹ thăng hoa, bất chấp đà tăng của lợi suất trái phiếu. Tuy vậy, một số nhà đầu tư vẫn tỏ ra lo ngại mức định giá quá cao có thể khiến thị trường chứng khoán dễ bị tổn thương nếu lợi suất tiếp tục tăng. Bên cạnh việc làm tăng chi phí vốn cho doanh nghiệp và hộ gia đình, lợi suất trái phiếu cao hơn có thể làm tăng tính hấp dẫn của trái phiếu Chính phủ Mỹ so với cổ phiếu.

“Việc lợi suất trái phiếu sắp phá mức đỉnh trước đó khiến thị trường cổ phiếu chững lại”, Chuck Carlson, Giám đốc điều hành tại Horizon Investment Services, cho hay. “Xu hướng của lợi suất thật đáng ngại vì thị trường cổ phiếu đã liên tục leo lên những mức đỉnh mới”.

Trong vài năm qua, lợi suất trái phiếu tăng đã góp phần làm chao đao thị trường cổ phiếu một vài lần. Chứng khoán Mỹ bị bán tháo trong tháng 9-10/2023, khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên hơn 5%, mức đỉnh 16 năm. Tuy nhiên, sau đó, thị trường trở lại mạnh mẽ khi lợi suất quay đầu giảm. Trong năm 2022, chỉ số S&P 500 lao dốc 19% khi Fed nâng lãi suất nhanh chóng để kìm hãm lạm phát.

Một lý do chính khiến giới đầu tư không mấy lo ngại về đà tăng của lợi suất trái phiếu trong năm nay là Fed, vì NHTW Mỹ đã báo hiệu sẽ giảm lãi suất trong năm 2024. Tuy nhiên, khi dữ liệu kinh tế mạnh hơn dự báo, giới đầu tư không còn kỳ vọng Fed sẽ sớm giảm lãi suất.

Các thị trường hợp đồng tương lai cho thấy nhà đầu tư đang kỳ vọng Fed giảm lãi suất 70 điểm cơ bản trong năm nay, trong khi họ kỳ vọng tới hơn 150 điểm hồi tháng 1/2024. Con số này còn thấp hơn cả dự báo 75 điểm cơ bản của Fed.

Cùng lúc đó, nhiều chỉ số cho thấy định giá của thị trường chứng khoán đã trở nên kém hấp dẫn.

Phần bù rủi ro cổ phiếu – trong đó so sánh tỷ suất lợi nhuận của S&P 500 so với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm – đã xuống mức âm trong quý 1/2024, đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng này kể từ năm 2002, Keith Lerner, Giám đốc đầu tư tại Truist Advisory Services, chia sẻ.

“Trái phiếu dần trở nên hấp dẫn hơn và tạo ra sự cạnh tranh với cổ phiếu”, Ed Clissold, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường Mỹ tại Ned Davis Research, chia sẻ. “Vì vậy, nếu chúng tôi thấy lợi suất trái phiếu

 Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiến gần mức 5% như mùa thu năm ngoái, chứng khoán Mỹ có thể phản ánh điều đó và định giá cổ phiếu sẽ giảm”.

Một số nhà đầu tư tin rằng đợt điều chỉnh đã sắp xảy ra. S&P 500 chưa có một đợt giảm mạnh nào kể từ tháng 10/2023, dù mức giảm 5% hoặc hơn thường chỉ xảy ra 3 lần trong 1 năm (tính trung bình), theo dữ liệu từ Bank of America Global Research.

“Chúng tôi đang chờ đợi đợt điều chỉnh 3%-5% trong nhiều tháng qua”, Paul Nolte, Cố vấn tài sản cấp cao và nhà chiến lược thị trường tại Murphy & Sylvest Wealth Management, chia sẻ. “Chúng ta có thể đang đứng trước bờ vực điều chỉnh”.

Chứng khoán Mỹ sẽ phản ứng ra sao với lợi suất trái phiếu? Điều này còn tùy thuộc vào việc liệu nhà đầu tư có tin nền kinh tế vẫn còn mạnh và lạm phát sẽ tiếp tục hạ nhiệt hay không.

Nếu lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vì “tăng trưởng kinh tế mạnh hơn dự báo thì nhà đầu tư vẫn ổn với điều đó”, Damian McIntyre, Trưởng bộ phận giải pháp tài sản tại Federated Hermes, nhận định. “Nhưng nếu tăng trưởng bắt đầu chậm lại và lạm phát leo thang, tâm lý nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng”.

“Chứng khoán Mỹ có thể tiếp tục trụ vững nếu lợi nhuận doanh nghiệp vẫn cao”, Carlson chia sẻ. “Nếu lợi nhuận không tiếp tục vượt kỳ vọng và lợi suất trái phiếu lên đỉnh 4 tháng, thị trường sẽ gặp rắc rối”.

Vũ Hạo (Theo Reuters)

FILI

Các tin tức khác

>   Tesla ấn định ngày công bố sản phẩm robotaxi, cổ phiếu tăng vọt (06/04/2024)

>   Dow Jones ghi nhận tuần tồi tệ nhất từ đầu năm đến nay dù khởi sắc trong phiên (06/04/2024)

>   Giá chip hồi phục, Samsung kỳ vọng lợi nhuận quý 1/2024 gấp 10 lần so với cùng kỳ (05/04/2024)

>   Nỗi lo về Fed nhấn chìm chứng khoán châu Á, Nikkei 225 lao dốc gần 1,000 điểm (05/04/2024)

>   Sụt hơn 500 điểm, Dow Jones chứng kiến phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2023 (05/04/2024)

>   Dow Jones giảm 3 phiên liên tiếp (04/04/2024)

>   Gần 5,000 tỷ USD “bốc hơi” khỏi chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông (03/04/2024)

>   Dow Jones sụt gần 400 điểm, giảm 2 phiên liên tiếp (03/04/2024)

>   Dow Jones lao dốc hơn 450 điểm (02/04/2024)

>   Dow Jones lao dốc hơn 450 điểm (02/04/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật