Thứ Hai, 08/04/2024 08:14

Liệu giá vàng còn ‘cửa’ tăng sau cú bứt tốc quá nhanh?

Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế liên tiếp chạm các mức cao kỷ lục mới trong tuần qua. Các nhà quan sát thị trường cho rằng giá kim loại quí này vẫn có khả năng tăng lên mức cao hơn nữa. Theo họ, căng thẳng địa chính trị, nhu cầu mạnh mẽ từ châu Á và triển vọng các ngân hàng trung ương lớn hạ lãi suất tiếp tục hỗ trợ thị trường vàng.

Hôm 5-4, giá vàng giao ngay ở thị trường New York tăng 1,7%, lên mức kỷ lục mới 2.329,83 đô la Mỹ/ounce. Ảnh: wealthprofessional.ca

Vàng liên tiếp phá đỉnh

Chốt phiên giao dịch hôm 5-4, giá vàng giao ngay ở thị trường New York tăng 1,7%, lên mức kỷ lục mới 2.329,83 đô la Mỹ/ounce. Giá vàng tăng 8 phiên trong 9 phiên giao dịch gần nhất, liên tiếp lên các đỉnh cao mới. Tính từ đầu năm, giá vàng tăng gần 13%.

Trong tuần này, Nicky Shiels, người đứng đầu bộ phận chiến lược kim loại của MKS PAMP, công ty tinh luyện vàng của Thụy Sĩ, nâng dự báo giá vàng trung bình trong năm 2024 thêm 150 đô la, lên mức 2.200 đô la Mỹ/ounce. Dự báo này khiến những người tham gia thị trường đặt câu hỏi: liệu vàng có thể tăng giá mạnh như ca cao?

Giá cao cao đã tăng hơn gấp đôi kể từ đầu năm do vụ mùa thất bát ở Bờ Biển Ngà và Ghana, hai nhà sản xuất ca cao lớn nhất thế giới. Trong khi đó, giá vàng giao ngay liên tiếp phá kỷ lục trong tuần qua khi giới đầu tư tăng cường mua vàng để bảo tồn giá trị tài sản.

“Xác suất vàng có thể đạt tốc độ tăng giá như ca cao trong cùng một khoảng thời gian đó gần như bằng 0”, Shiels nói.

Trong khi giá ca cao tăng do thiếu nguồn cung, thị trường vàng được hỗ trợ bởi lượng dự trữ đáng kể của các cá nhân và các ngân hàng trung ương, nơi nắm khoảng 20% tổng lượng vàng được khai thác trên toàn cầu.

Dù giá vàng có thể không thực sự tăng giá mạnh như ca cao, các nhà phân tích vẫn giữ quan điểm lạc quan ngay cả khi về mặt kỹ thuật, thị trường đã chín muồi cho một đợt điều chỉnh giảm mạnh do mua quá mức.

“Thật khó để nói vàng sẽ đạt đỉnh ở mức giá nào vì hiện tại không có mốc kháng cự nào trên biểu đồ giá”, Edward Meir, nhà phân tích kim loại kỳ cựu của Công ty dịch vụ tài chính Marex, nói.

Đợt tăng giá trong tháng 4 diễn ra sau khi vàng tăng giá 9,3% trong tháng 3, mức tăng hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 7-2020. Điều đáng chú ý là vàng vẫn tăng giá bất chấp những trở ngại vĩ mô truyền thống như đồng đô la mạnh và lãi suất thực của Mỹ tăng cao.

Các quỹ phòng hộ và các nhà quản lý tài sản đang tăng đặt cược giá vàng tăng tiếp. Vị thế mua ròng của họ đối với hợp đồng tương lai vàng và quyền chọn mua vàng ở Mỹ tăng 13% trong tuần kết thúc vào ngày 2-4, lên mức cao nhất kể từ năm 2020, theo dữ liệu của Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC).

Johan Palmberg, nhà phân tích định lượng cấp cao của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), cho biết thị trường vàng giao ngay và vàng tương lai đang sôi động, với khối lượng giao dịch ước tính tăng 40%. “Giao dịch vàng trên thị trường quyền chọn sôi động hơn so với cổ phiếu và trái phiếu. Điều này cho thấy hiện tại vàng đang nhận được sự quan tâm đặc biệt”, Palmberg nói.

Tính đến tuần kết thúc vào 2-4, vị thế mua ròng vàng, thể hiện thông qua số lượng hợp đồng tương lai ở Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ), tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2020. Ảnh: Bloomberg

Giá vàng có thể tăng lên mức 2.600 đô la/ounce

Nhiều nhà phân tích kỳ vọng vàng sẽ kiểm tra các đỉnh cao mới một khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu hạ lãi suất, kích hoạt nhu cầu từ các nhà đầu tư chưa nhập cuộc.

“Trước đây, chúng tôi đã đưa ra dự báo giá vàng đạt 2.400 đô la/ounce nếu Fed giảm lãi suất trong quí đầu tiên của năm 2024. Hiện tại, chúng tôi vẫn giữ nguyên dự báo đó cho năm nay, ngay cả khi Fed giảm lãi suất muộn hơn”, các nhà phân tích của ngân hàng Bank of America (BofA) viết trong một báo cáo gửi khách hàng.

Trao đổi với hãng tin CNBC hôm 5-4, Juerg Kiener, giám đốc đầu tư của Swiss Asia Capital, dự đoán giá vàng có thể tăng lên mức có 2.600 đô la/ounce trong vòng một năm tới. Ông lưu ý, khi giá vàng tăng quá mạnh, điều này sẽ gây sức ép lớn lên những nhà đầu tư bán khống, buộc họ phải mua vàng để đóng vị thế và hạn chế thua lỗ. Nhu cầu từ nhóm nhà đầu tư này sẽ càng đẩy giá vàng tăng lên các mức cao hơn nữa.

Kiener cho biết, các căng thẳng địa chính trị khi trật tự thế giới chuyển sang hướng “đa cực” và sự thay đổi cấu trúc thương mại quốc tế là những lý do khiến ông lạc quan về giá vàng.

Căng thẳng địa chính trị dai dẳng ở Trung Đông và cuộc xung đột kéo dài giữa Nga-Ukraine, cùng với trận động đất kinh hoàng gần đây ở Đài Loan, đã hỗ trợ các kênh tài sản trú ẩn an toàn như vàng và các kim loại quý khác.

Ngoài ra, trong thời gian tới, các chính phủ sẽ đẩy mạnh “in tiền” khi họ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ. Kiener cho rằng viễn cảnh đó cũng đang hỗ trợ thị trường vàng. Kiener cũng chỉ ra rằng lực mua mạnh mẽ từ châu Á đã đóng góp vào đà tăng giá gần đây của vàng.

“Chúng tôi chứng kiến một dòng kim loại quý khổng lồ rời khỏi phương Tây”, ông nói khi ám chỉ nhu cầu vàng ngày càng tăng ở châu Á và các nước thuộc khối các nền kinh tế mới nổi (BRICS) nói chung.

Theo thông tin mới nhất do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) công bố hôm 7-4, đến cuối tháng 3, lượng vàng nắm giữ của PBoC tăng lên mức 2.493 tấn so với 2488 tấn vào cuối tháng 2. Tính đến nay, PBoC đã mua ròng vàng trong 17 tháng liên tiếp.

Theo Cơ quan hải quan liên bang Thụy Sĩ, xuất khẩu vàng vật chất từ Thụy Sĩ sang Trung Quốc từ Thụy Sĩ tăng gần gấp ba trong tháng 1. Điều đó cho thấy các cá nhân Trung Quốc đang tìm kiếm nơi trú ẩn dưới hình thức an ninh tài chính cổ xưa nhất sau thời kỳ khó khăn đối với thị trường bất động sản và chứng khoán trong nước.

“Giá vàng nhìn chung phản ứng tích cực trước khả năng Fed xoay trục từ chính sách thắt chặt sang nới lỏng tiền tệ. Trong lịch sử, vàng hoạt động tốt trong thời kỳ lạm phát cao. Nếu lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed, chúng tôi tin rằng đây sẽ là tín hiệu tích cực cho vàng”, Imaru Casanova, nhà quản lý danh mục đầu tư về chiến lược vàng và kim loại quý của VanEck, nói.

Casanova lưu ý, trong những năm gần đây, sau các đợt tăng giá mạnh như hiện tại, giá vàng thường củng cố theo theo mô hình đi ngang cho đến khi có chất xúc tác mới xuất hiện, đẩy giá lên cao hơn.

Ông cho rằng sự trở lại của nhu cầu đầu tư, bằng chứng là dòng vốn đang chảy trở lại các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng trên toàn cầu, có thể là chất xúc tác cho vàng. Ông dự báo, giá vàng có thể đạt 2.500 đô la /ounce trong năm nay.

Lê Linh (Theo Reuters, CNBC, Investing.com)

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Giá vàng hôm nay 7-4: Vàng SJC, vàng nhẫn cùng cao chót vót (07/04/2024)

>   Cuối tuần, giá vàng SJC, vàng nhẫn bất ngờ tăng dựng đứng! (06/04/2024)

>   Vàng thế giới tăng 3 tuần liên tiếp, có lúc vượt 2,330 USD (06/04/2024)

>   Giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC cùng đi xuống theo thế giới phiên sáng nay (05/04/2024)

>   Nếu không bỏ độc quyền vàng SJC, cách nào hạ ‘cơn sốt’ giá vàng? (05/04/2024)

>   Vàng thế giới quay đầu giảm nhẹ (05/04/2024)

>   Giá vàng thế giới vượt 2,300 USD, chuyên gia Phố Wall cảnh báo về nguy cơ điều chỉnh (04/04/2024)

>   Vàng thế giới lại lập kỷ lục sau nhận định của Chủ tịch Fed (04/04/2024)

>   Giá vàng nhẫn lại lập kỷ lục, tiến gần mốc 72 triệu đồng (03/04/2024)

>   Hai thương hiệu vàng trong nước tăng mạnh, giao dịch 81,5 triệu đồng (03/04/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật