Thứ Hai, 15/04/2024 08:54

Giá điện 2 thành phần: Tạo sự minh bạch, công bằng

Ngoài việc tạo sự minh bạch, công bằng trong mua - bán điện, khi áp dụng giá điện 2 thành phần, tức theo công suất và điện năng tiêu thụ, còn giúp tiết kiệm điện một cách tự nhiên

Bộ Công Thương đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu giá điện 2 thành phần theo công suất và điện năng tiêu thụ để tiến tới thay thế việc áp dụng giá điện một thành phần như hiện nay. EVN đang nghiên cứu để đưa ra đề xuất cụ thể chủ trương này.

Phản ánh đúng, đủ chi phí dùng điện

EVN đang áp dụng biểu giá điện một thành phần, tức tính theo lượng điện năng tiêu thụ trong tháng của khách hàng.

Nhận định về cơ chế giá điện này, chuyên gia năng lượng - PGS-TS Bùi Xuân Hồi cho biết quá trình cung cấp điện gồm 2 thành phần là công suất đăng ký và điện năng tiêu thụ. Do đó, việc áp dụng cơ chế giá một thành phần sẽ không phản ánh đúng chi phí người tiêu dùng gây ra cho hệ thống, không góp phần cải thiện hệ số sử dụng thiết bị, tạo rủi ro cho ngành điện khi thu hồi chi phí cố định qua giá điện năng.

Theo phương án đang được nghiên cứu, cơ chế giá điện 2 thành phần sẽ gồm giá công suất và điện năng. Như vậy, hóa đơn tiền điện sẽ có 2 thành phần tính giá điện, gồm: Giá công suất - phần này được khách hàng đăng ký theo nhu cầu sử dụng; giá điện năng - gắn với lượng điện thực tế sử dụng.

TS Nguyễn Huy Hoạch, thành viên Hội đồng Khoa học - Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng việc áp dụng thêm giá công suất sẽ khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả, từ đó nâng cao hệ số phụ tải điện, tiết kiệm điện, giảm đầu tư công suất nguồn và mở rộng lưới điện. Đối với những khách hàng đăng ký công suất lớn hơn so với nhu cầu sử dụng thực tế, ngành điện sẽ thu hồi được cả chi phí đầu tư.

Có thể giảm hóa đơn tiền điện

Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương, khẳng định giá điện 2 thành phần sẽ đem lợi ích cho cả bên sản xuất lẫn tiêu thụ điện, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc phân bổ, sử dụng nguồn lực hợp lý.

Ông Hào phân tích ngoài thành phần giá điện năng, khi áp dụng thêm giá công suất sẽ khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả. Việc này góp phần nâng cao hệ số phụ tải điện và tiết kiệm được tiền điện; đồng thời tránh lãng phí việc đầu tư công suất nguồn và mở rộng lưới điện.

Theo Bộ Công Thương, hầu hết các nước trong khu vực và trên thế gới đều áp dụng giá điện 2 thành phần. Nếu hệ số sử dụng nguồn điện, hệ số phụ tải (mức độ sử dụng, mức độ khai thác thiết bị điện trong thời gian nhất định) càng lớn thì giá điện bình quân mà người tiêu dùng phải trả sẽ càng giảm và ngược lại. Đây chính là động lực thúc đẩy khách hàng luôn quan tâm đến nhu cầu sử dụng điện của mình để có kế hoạch dùng thấp nhất.

Bộ Công Thương cho biết sẽ có lộ trình thí điểm giá điện 2 thành phần phù hợp Ảnh: EVN

Bộ Công Thương cho biết sẽ có lộ trình thí điểm giá điện 2 thành phần phù hợp Ảnh: EVN

Bộ Công Thương dẫn chứng: Khách hàng A có tổng điện năng tiêu thụ 2,7 MWh, khách hàng B tổng tiêu thụ 7,5 MWh cùng có mức giá bán bình quân 1.364 đồng/KWh và công suất sử dụng lớn nhất (Pmax) là 2 MW. Tuy nhiên, khách hàng B có tổng thời gian sử dụng lớn hơn thể hiện (hệ số phụ tải cao hơn). Kết quả là giá bình quân sử dụng điện của khách hàng B thấp hơn khách hàng A do tính chất (hành vi) và đặc điểm sử dụng điện của B.

"Bổ sung thành phần giá công suất áp dụng cho những khách hàng lớn để khuyến khích họ giảm thiểu phụ tải vào giờ cao điểm. Từ đó, có thể giảm nhu cầu đầu tư của ngành điện để phục vụ công suất nguồn và lưới điện vào thời kỳ cao điểm của hệ thống" - Bộ Công Thương nhìn nhận.

Theo các chuyên gia, khi áp giá điện 2 thành phần, khách hàng nào dùng điện ảnh hưởng tới hệ thống nhiều hơn sẽ phải trả chi phí cao hơn. Giá theo công suất và điện tiêu thụ đem lại lợi ích cho khách hàng, bảo đảm thu hồi chi phí đầu tư của ngành điện.

Bởi lẽ, cùng một lượng điện tiêu thụ khoảng 100 KW nhưng khách hàng sử dụng đều trong vòng 24 giờ sẽ có giá trị công suất, chi phí gây ra cho hệ thống điện khác với khách hàng sử dụng 100 KW nhưng chỉ trong một giờ. Vì thế, cơ chế này tại nhiều nước được xem như là biện pháp quản lý, tiết giảm nhu cầu dùng điện của người sử dụng một cách tự nhiên.

Hạ tầng điện sẵn sàng để thí điểm

Về lộ trình thí điểm giá điện 2 thành phần sau khi đã có nghiên cứu bước đầu, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng nên áp dụng thí điểm với khách hàng sử dụng điện sản xuất.

"Cần thí điểm ở một vài nơi, trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó mới mở rộng để tổng kết" - ông Đức đề nghị.

Về vấn đề này, lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực cho rằng việc áp dụng biểu giá điện 2 thành phần sẽ làm thay đổi hành vi cơ bản về tính chất sử dụng điện, tác động trực tiếp đến chế độ sử dụng điện của khách hàng, hóa đơn tiền điện và cả hệ thống điện. Hiện việc áp dụng giá điện 2 thành phần mới ở bước nghiên cứu thí điểm trên giấy đối với nhóm khách hàng sản xuất - kinh doanh, chưa áp dụng với khách hàng sinh hoạt.

"Việc thí điểm là cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành với biểu giá điện 2 thành phần, qua đó giúp cơ quan quản lý xây dựng cơ chế giá điện 2 thành phần khi áp dụng phù hợp với thực tế" - lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực nhìn nhận.

Sau khi thí điểm giá điện 2 thành phần, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc triển khai áp dụng phù hợp.

Trước một số băn khoăn về việc hệ thống hạ tầng đã đáp ứng được yêu cầu đo đếm, truyền dữ liệu thành phần điện năng (KWh) và công suất khi áp dụng giá điện 2 thành phần hay chưa, Bộ Công Thương cho biết hiện các tổng công ty điện lực đã triển khai áp dụng công tơ điện tử. Loại công tơ này có khả năng đo công suất và điện năng đối với hầu hết khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất - kinh doanh (thuộc đối tượng áp dụng giá điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày - TOU).

Cụ thể, ngành điện đã lắp đặt hơn 523.000 công tơ TOU cho tất cả các khách hàng đủ điều kiện áp dụng biểu giá TOU. Như vậy, về hạ tầng, ngành điện đã cơ bản sẵn sàng. 

Quá trình thí điểm không ảnh hưởng tới tiền điện

Theo Bộ Công Thương, việc áp dụng thí điểm cơ chế giá bán điện 2 thành phần bước đầu chỉ mang tính chất tính toán, nghiên cứu ứng dụng; không ảnh hưởng tới tiền điện của khách hàng sử dụng (do khách hàng tiếp tục trả tiền điện theo biểu giá hiện hành).

Do áp dụng thí điểm thông qua dữ liệu đo đếm từ công tơ điện nên sẽ chưa có tác động điều chỉnh hành vi sử dụng điện của khách hàng.

Ông NGUYỄN MINH ĐỨC, Ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

Ông NGUYỄN MINH ĐỨC

Công bằng hơn giữa các khách hàng

Cơ chế tính giá điện có bổ sung giá công suất khá giống với việc tính giá cước điện thoại cố định (gồm tiền thuê bao hằng tháng và tiền các cuộc gọi phát sinh). Cơ chế này công bằng hơn, phản ánh chính xác chi phí phải bỏ ra để phục vụ mỗi khách hàng. Tác động đầu tiên của cơ chế giá điện 2 thành phần là giảm việc bù chéo giữa các khách hàng.

Với cơ chế giá điện 2 thành phần, một nhà máy có nhu cầu sử dụng điện khoảng hàng ngàn KWh/tháng sẽ cần đăng ký trước. Khi đã đăng ký, dù không sử dụng hết công suất, họ vẫn phải chi trả các chi phí đầu tư của ngành điện như đường dây, trạm biến áp, quản lý vận hành… Cơ chế này sẽ tránh việc khách hàng đăng ký công suất lớn nhưng không dùng.

Ông NGUYỄN TIẾN THỎA, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định giá Việt Nam:

Ông NGUYỄN TIẾN THỎA

Thí điểm để khách hàng có sự so sánh

Phương án giá điện 2 thành phần sẽ là yếu tố quan trọng để khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả, từ đó nâng cao hiệu số phụ tải, tiết kiệm lượng điện tiêu thụ.

Việc thí điểm giá điện 2 thành phần là cần thiết để đánh giá tác động, làm rõ sự khác nhau giữa 2 phương án. Trong quá trình thí điểm, người tiêu dùng sẽ có căn cứ để đánh giá và so sánh về mức độ chênh lệch giá khi sử dụng điện.

MINH CHIẾN

Người lao động

Các tin tức khác

>   Cục Điều tiết Điện lực: Giá điện hai thành phần mới ở bước nghiên cứu thí điểm (14/04/2024)

>   Tập đoàn Nhật Bản khởi công dự án nửa tỷ USD (14/04/2024)

>   Sớm có lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, dịch vụ y tế (13/04/2024)

>   Shopee, TikTok Shop chiếm gần hết “miếng bánh” thương mại điện tử (13/04/2024)

>   Đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) (13/04/2024)

>   Hoa Kỳ tiếp tục gia hạn kết luận chống lẩn tránh thuế phòng vệ tủ gỗ Việt Nam (13/04/2024)

>   Gần 15 nghìn tỷ đồng 'rót' vào Nghệ An trong quý I/2024 (12/04/2024)

>   Nhiều tập đoàn phân phối, thu mua lớn trên thế giới sắp đến Việt Nam (12/04/2024)

>   Nguồn lợi vô tận từ khai thác tín chỉ carbon rừng ngập mặn (12/04/2024)

>   Một hãng bay nhỏ bất ngờ báo lãi 3 tháng liên tiếp (12/04/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật