FAO: Sản lượng thủy sản nuôi và khai thác đạt kỷ lục vào năm 2022
Theo số liệu của FAO, sản lượng thủy sản nuôi và khai thác toàn cầu đạt 223.2 triệu tấn vào năm 2022, đây là mức cao nhất kể từ năm 1950.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn nguồn từ Undercurrent News cho biết, sản lượng thủy sản nuôi và khai thác toàn cầu năm 2022 đã tăng 4% so với năm trước đó. Trong đó, sản lượng đánh bắt giảm 1% xuống còn 92.2 triệu tấn. Tuy nhiên, sản lượng thủy sản nuôi tăng 4% so với cùng kỳ lên 130.9 triệu tấn, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 3.6% trong 10 năm qua.
Năm 2022, sản lượng đánh bắt tự nhiên (trừ thực vật thủy sinh) đạt 91 triệu tấn, tương đương so với năm 2021, trong khi sản lượng nuôi tăng trưởng 4% so với cùng kỳ và đạt 94 triệu tấn.
Trung Quốc vẫn là quốc gia khai thác thủy sản lớn nhất thế giới, với tổng sản lượng là 65.9 triệu tấn vào năm 2022, chiếm 36% sản lượng toàn cầu. Đứng ở các vị trí tiếp theo với vai trò là các nước sản xuất dẫn đầu lần lượt là Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.
Năm 2022, tôm chân trắng nuôi là loài đơn lẻ được nuôi nhiều nhất tính theo khối lượng với 6.8 triệu tấn, tăng 8% so với cùng kỳ.
Số liệu thống kê về đánh bắt tự nhiên, bao gồm cả nội địa và biển, cho thấy Ấn Độ, Chile, Myanmar và Maroc đạt mức tăng trưởng 2 con số. Cá cơm Peru và cá minh thái là 2 loài có khối lượng lớn nhất, giảm lần lượt 17% và 4%.
Đối với khai thác biển, sản lượng của Trung Quốc duy trì ở mức 11 triệu tấn trong 3 năm qua, trong khi Ấn Độ, Việt Nam, Chile và Maroc có mức tăng trưởng ổn định.
Tổng sản lượng nuôi biển tăng 2% lên 25 triệu tấn vào năm 2022. Trung Quốc vẫn là nước nuôi lớn nhất với sản lượng 17 triệu tấn, tiếp theo là Na Uy, Chile và Nhật Bản.
Trong khi các loài động vật có vỏ liên tục tăng trưởng trong thập kỷ qua thì cá hồi Đại Tây Dương và cá hồi coho ổn định ở mức tăng 13%.
Kha Nguyễn
FILI
|