Giá cà phê tăng cao, nguy cơ đổ vỡ các hợp đồng liên kết
Thực tế hiện nay ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt là giá tăng quá nhanh, ở mức quá cao, dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán, và có nguy cơ đổ vỡ hợp đồng.
Đó là chia sẻ của ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex tại cuộc họp ban chấp hành mở rộng của Vicofa tổ chức ngày 11/4.
Hội nghị Ban chấp hành mở rộng của Vicofa tổ chức ngày 11/04. Ảnh: VGP
|
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), trong tháng 3 năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 185,281 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu khoảng gần 681 triệu USD, giảm 11.9% về lượng nhưng tăng 41,.1% về giá trị so với cùng kỳ.
Tính tổng lũy kế 6 tháng đầu niên vụ cà phê 2023-2024 (tính từ tháng 10/2023), Việt Nam xuất khẩu tổng cộng hơn 956 ngàn tấn cà phê, kim ngạch đạt hơn 3 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu chủ yếu cà phê robusta (trên 825 ngàn tấn), kim ngạch trên 2.3 tỷ USD.
Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Vicofa, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex cho biết, thực tế hiện nay mà ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt là giá tăng quá nhanh, ở mức quá cao, dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán và có nguy cơ đổ vỡ hợp đồng.
Theo ông Nam, nếu như thời điểm tháng 3/2023 giá cà phê nội địa ở mức 47,000 đồng/kg thì đến tháng 10/2023 giá đã tăng lên 58,000 đồng/kg và nay đã ở mức 105,000 đồng/ kg. Việc giá tăng nhanh và quá cao (tăng gần gấp 3 lần) tạo nhiều thách thức cho các doanh nghiệp. Cụ thể là các doanh nghiệp phải huy động nguồn vốn lớn, nhưng hạn mức tín dụng của các ngân hàng dành cho doanh nghiệp không tăng.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng nhanh của giá gắn liền với rủi ro cao đối với các doanh nghiệp thu mua hàng để xuất khẩu thông qua các đại lý, thương lái. Một số đại lý thu mua và doanh nghiệp trên các địa phương có nguyên liệu đã không giao hàng đúng thời hạn quy định trong hợp đồng mua bán cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, các doanh nghiệp FDI dù các bên đã bàn bạc chia sẻ rủi ro, gây thiệt hại lớn cho người mua và làm mất uy tín của ngành cà phê Việt Nam.
Một số doanh nghiệp cho biết, với mức giá cà phê Việt Nam quá cao như hiện nay, cũng như tình trạng bị chậm giao hàng, hoặc không thực hiện hợp đồng giao hàng, có thể sắp tới sẽ phải nhập khẩu cà phê từ các nước khác về Việt Nam để rang xay, chế biến.
Hạn chế việc mua xa - bán xa để tránh rủi ro
Đại diện Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk cho rằng các đơn vị thu mua trong nước, doanh nghiệp FDI, nhà rang xay lớn nên phối hợp với nhau chặt chẽ hơn nữa trong thời gian thu mua của từng mùa vụ, tránh tình trạng doanh nghiệp này sợ hết hàng mua sớm, kéo theo tâm lý ùn ùn mua theo.
Thực tế thời gian qua, có doanh nghiệp FDI đã mua cà phê quá sớm, bắt đầu từ tháng 6/2023 (thời điểm giá cà phê còn thấp) trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam mua vào từ sau khi thu hoạch, tức bắt đầu từ tháng 11/2023. Sự chênh lệch giá quá lớn giữa 2 thời điểm đã gây ra nhiều rủi ro và đây là bài học lớn cho vụ mùa tới.
Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Vicofa lưu ý nông dân, đại lý, doanh nghiệp xuất khẩu nên hạn chế tối đa việc mua xa - bán xa để tránh rủi ro. Đối với các tranh chấp hợp đồng mua bán đã xảy ra, đề nghị giữa người mua và người bán nên cùng nhau đàm phán, thỏa thuận để cùng chia sẻ rủi ro, chia sẻ giá cả cũng như tiến độ và thời gian giao hàng khi giá cà phê tăng cao đột ngột, tránh thiệt hại dồn cho một phía.
Vicofa cho biết, sẽ tiếp tục làm việc với các bộ/ngành để có các giải pháp về phát triển cà phê bền vững cho bà con nông dân bám nghề, cũng như giải pháp tài chính giúp doanh nghiệp thu mua ổn định giá.
"Hiện nay, Việt Nam đang là nước có tỷ lệ an toàn nhất khi đưa hàng vào châu Âu với hồ sơ là trồng cà phê bền vững, chính vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu nên duy trì lợi thế này", Vicofa nhấn mạnh.
Tùng Phong
FILI
|