Dow Jones rớt hơn 470 điểm, S&P 500 chứng kiến phiên tồi tệ nhất kể từ đầu năm
Chứng khoán Mỹ bị bán tháo vào ngày thứ Sáu (12/04), khi những lo ngại về lạm phát và địa chính trị một lần nữa làm suy yếu tâm lý nhà đầu tư trên Phố Wall. Đà sụt giảm của các cổ phiếu ngân hàng lớn cũng gây áp lực lên thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/04, chỉ số Dow Jones rớt 475.84 điểm (tương đương 1.24%) xuống 37,983.24 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1.46% còn 5,123.41 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite lùi 1.62% xuống 16,175.09 điểm.
Có thời điểm trong phiên, Dow Jones sụt gần 582 điểm, tương đương 1.51%. S&P 500 có lúc giảm tới 1.75%.
Từ đầu tuần đến nay, S&P 500 mất 1.56% và Dow Jones sụt 2.37%, còn Nasdaq Composite giảm 0.45%.
Cổ phiếu JPMorgan Chase sụt hơn 6% sau khi gã khổng lồ ngành ngân hàng báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu tiên. Ngân hàng này cho biết thu nhập lãi ròng, thước đo chính để đánh giá những gì họ đã đạt được thông qua hoạt động cho vay, có thể thấp hơn một chút so với kỳ vọng của các chuyên gia phân tích Phố Wall trong năm 2024. CEO Jamie Dimon cũng cảnh báo về áp lực lạm phát dai dẳng gây áp lực lên nền kinh tế.
Cổ phiếu Wells Fargo lùi 0.4% sau khi công bố số liệu kinh doanh quý mới nhất. Cổ phiếu Citigroup mất 1.7% mặc dù báo cáo doanh thu vượt kỳ vọng.
Giá dầu tiếp tục đà leo dốc do có thông tin rằng Israel đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công trực tiếp của Iran vào cuối tuần này, đây sẽ là đợt leo thang căng thẳng lớn nhất trong khu vực kể từ khi cuộc chiến Israel – Hamas nổ ra vào tháng 10/2023. Hợp đồng dầu WTI khép phiên ở mức 85.66 USD/thùng sau khi tăng trên mức 87 USD/thùng.
Điều đó, cùng với dữ liệu nhập khẩu mới của Mỹ, càng làm tăng thêm lo ngại về lạm phát gây áp lực lên thị trường.
Người tiêu dùng cũng ngày càng lo ngại về áp lực lạm phát dai dẳng. Chỉ số tâm lý người tiêu dùng tháng 4 đạt 77.9, thấp hơn so với dự báo 79.9 từ cuộc thăm dò của Dow Jones, theo Khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan. Kỳ vọng lạm phát trong năm tới và dài hạn cũng tăng lên, phản ánh sự thất vọng về lạm phát kéo dài.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|