Thứ Năm, 11/04/2024 09:37

Doanh nghiệp phát triển bền vững cần sự kiên trì

Theo các chuyên gia, việc phát triển bền vững luôn gặp thách thức để có thể duy trì tính cân bằng trong cả ngắn hạn và dài hạn, đồng thời cần sự kiên trì, kiên định để theo đuổi.

Các diễn giả tại buổi hội thảo do Forbes Việt Nam tổ chức. Nguồn: BTC

Chuẩn bị từ hơn chục năm trước

Chặng đường phát triển bền vững đều được các doanh nghiệp đặt nền móng thực hiện từ hơn chục năm trước. Ngày 09/04, tại hội nghị phát triển nền kinh tế mới do Forbes Việt Nam tổ chức, bà Đào Thúy Hà - Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh & Marketing CTCP Traphaco (HOSE: TRA) cho biết Công ty đã dành ra hơn 15 năm để khởi xướng dự án phát triển bền vững dược liệu Việt Nam, gọi là GreenPlan.

Thông qua dự án, TRA cùng các nhà khoa học và các địa phương đã khảo sát và đánh giá dược liệu trên khắp mọi miền đất nước, từ đó hình thành bản đồ dược liệu Việt Nam, cùng bà con nông dân tạo ra các vùng trồng dược liệu.

Theo bà Hà, khái niệm “dược liệu sạch” theo tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO) đã rất quen thuộc đối với cộng đồng quốc tế nhưng ở Việt Nam thì vẫn còn khá mới mẻ.

“Nếu quý vị từng đến Sa Pa có thể thấy bạt ngàn các vùng cây actiso trồng bên cạnh các ngôi nhà nhưng đạt tiêu chuẩn GACP. Đấy là mô hình mà TRA phối hợp với các bà con nông dân dân tộc H’mông”, bà Hà cho biết.

Đào Thúy Hà tại hội thảo. Nguồn: BTC

Theo đó, TRA cấp giống, cấp kỹ thuật để bà con gieo trồng và cam kết mua lại các nguyên liệu đầu vào để phục vụ các hoạt động sản xuất. Trong suốt 15 năm qua, Công ty đã hình thành được 6 vùng trồng đạt tiêu chuẩn GACP đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào.

Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc TRA cho rằng vấn đề quan trọng hơn ở dự án là vai trò của doanh nghiệp trong việc kết nối cộng đồng, các bên liên quan như người dân, các nhà khoa học cùng tham gia vào quá trình trồng cây gây rừng, phủ xanh vùng đồi trọc. Thông qua các hoạt động này, Công ty cũng đào tạo cho bà con nông dân, dân tộc cách thu hái có bảo tồn.

Ở góc nhìn của doanh nghiệp ngành dệt may, ông Trần Như Tùng – Chủ tịch HĐQT CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) chia sẻ những năm gần đây, yêu cầu về vấn đề môi trường từ các khách hàng đang rất lớn, đặc biệt tại thị trường châu Âu, đây vừa là áp lực nhưng vừa là cơ hội để doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững.

TCM đã có rất nhiều chương trình, ví dụ như về xử lý rác thải, nước thải, quản lý hóa chất, giảm năng lượng tiêu thụ cũng như thay đổi chất đốt. Chẳng hạn, ở các lò hơi của doanh nghiệp đang chuyển dần sang sử dụng nguyên liệu sinh khối (biomass) như trấu (vỏ lúa) thay vì sử dụng than đá. Nguyên liệu này có thể mua được rất nhiều từ các vựa lúa ở ĐBSCL để làm giảm lượng carbon bởi nếu nhà máy chỉ cần thay đổi 10% thì đã giảm khoảng 2.5 ngàn tấn carbon, rất đáng kể.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp dệt sẽ tái sử dụng lượng nước thải được xả ra, tức là thay vì xử lý xong nước và xả ra ngoài thì TCM sẽ tuần hoàn lượng nước đó, 30% - 40% tùy thiết kế. Hoặc ở khâu chọn nguyên liệu, tất nhiên khách hàng yêu cầu phải chọn nguyên liệu từ tái chế. Để tiết kiệm năng lượng, Công ty sử dụng bổ sung điện từ năng lượng mặt trời được lắp đặt trên mái thay vì sử dụng điện lưới của EVN.

Ngoài ra, hàng tháng, TCM lại cập nhật lại các số liệu trên website để khách hàng hay nhà đầu tư biết rằng đến thời điểm này Công ty đã giảm bao nhiêu lượng carbon so với trước kia.

“Đấy là những chương trình được lặp đi lặp lại hằng năm để khách hàng, đơn hàng sẽ đến với mình nhiều hơn. Vì đó là xu hướng không thể tránh khỏi buộc chúng ta phải làm như vậy”, ông Tùng nêu quan điểm.

Doanh nghiệp mảng tài chính cũng không ngoại lệ

Chia sẻ tại hội nghị, bà Liên Phạm - Trưởng bộ phận Vận hành Tiếp thị và Phát triển Bền vững Home Credit Việt Nam cho biết doanh nghiệp như Home Credit không trực tiếp sản sinh ra dấu chân carbon thông qua việc sản xuất ra sản phẩm, tuy nhiên dù hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào thì đều có thể sản sinh ra dấu chân carbon trong quá trình vận hành. Ý thức được điều đó nên Công ty cũng nỗ lực để có những sáng kiến khác nhau để giảm thiểu việc phát thải thông qua các hoạt động trực tiếp và gián tiếp.

Đối với trực tiếp, Home Credit chuyển đổi số và giám sát các hoạt động vận hành trong Công ty. Chẳng hạn, hoàn tất việc chuyển đổi 100% việc ký hợp đồng vay với khách hàng trên ứng dụng Home App, qua đó sẽ giảm thiểu việc phát thải bằng giấy in cũng như quá trình di chuyển đi lại của nhân viên, giảm được lượng phát thải rất lớn. Ngoài ra, tòa nhà Công ty cũng đặt cảm biến nhiệt tự động để giảm thiểu mức tiêu thụ.

Về mặt gián tiếp, Home Credit cung cấp các sản phẩm vay cho nhiều đối tác, chẳng hạn gói vay ưu đãi lãi suất cho khách hàng của VinFast khi mua xe máy điện, xe đạp điện hay các gói vay cho khách hàng để sở hữu các sản phẩm điện máy cũ.

Năm qua, Home Credit cũng cung cấp gói vay 0% lãi suất cho các chị em làm nghề đan lát lục bình ở tỉnh Bạc Liêu. Gói vay mở rộng sản xuất này đã giúp đưa các sản phẩm đan lát bằng lục bình ra thị trường nhiều hơn, có thể giảm bớt việc sử dụng các sản phẩm nhựa.

“Khi chúng tôi hỗ trợ các chị em phụ nữ thì họ cũng có động lực để làm chủ cuộc sống và phát triển kinh doanh theo hướng bền vững hơn, đồng thời giảm bớt gánh nặng ra môi trường”, đại diện công ty tài chính nói.

Bà Liên Phạm tại hội thảo. Nguồn: BTC

Cân bằng giữa ngắn hạn và dài hạn là thách thức

Phó Giám đốc TRA cho hay tiên phong trong phát triển dược liệu cũng là một thách thức đối với doanh nghiệp này khi làm thế nào để được các cổ đông chấp nhận cũng như hài hòa giữa lợi nhuận trước mắt với lợi ích lâu dài.

“Chúng tôi mặc dù trở thành doanh nghiệp đứng đầu về đông dược, phát triển vùng dược liệu nhưng cũng sẽ dẫn tới phải đối đầu khi thuyết phục người tiêu dùng thay đổi thói quen do chưa chấp nhận chi trả cao hơn cho các sản phẩm phát triển bền vững”, bà Hà chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm, đại diện Home Credit cũng cho rằng thử thách lớn nhất vẫn là sự cân bằng giữa mục tiêu tài chính ngắn hạn và dài hạn mà phát triển bền vững đem lại.

Bà Liên Phạm nhận định những giá trị về lâu dài không chỉ ở tăng trưởng về mặt kinh tế, mà còn ở việc nâng cao chất lượng đời sống người dân và các kết quả mang lại cần đồng hành với việc giảm thiểu tác động lên môi trường và những giá trị tương lai khác.

Theo vị lãnh đạo đại diện ngành dệt may, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, doanh nghiệp vừa phải lo có doanh thu, chi phí để trả lương và phát triển bền vững, mà những chi phí liên quan đến môi trường thường rất cao. Đó cũng là những rào cản, khó khăn của doanh nghiệp.

“Khách hàng luôn yêu cầu nhà máy phải xanh, phải sạch, phải đáp ứng các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu. Đó là áp lực rất lớn trong các doanh nghiệp dệt may nói chung và dệt may Thành Công nói riêng”, ông Tùng chia sẻ đồng thời cho rằng trong kinh doanh, ngoài lợi nhuận doanh nghiệp phải có trách nhiệm với cộng đồng, với hành tinh này.

Hầu hết doanh nghiệp đều nhận thức được về phát triển bền vững nhưng khó nhất vẫn nằm ở chi phí, bởi để triển khai những dự án liên quan đến môi trường như xử lý nước thải, chất thải, quản lý hóa chất ra môi trường đều cần chi phí rất cao và đôi khi lợi nhuận của doanh nghiệp không đủ sức để thực hiện việc đó.

Một điểm nữa, khách hàng luôn yêu cầu xanh hơn sạch hơn nhưng cái giá lại không muốn tăng nên sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp, nghĩa là chi phí thì nhiều nhưng giá bán lại không tăng.

Doanh nghiệp và các bên có thể làm những gì?

Theo bà Hà, tự thân doanh nghiệp phải có những cam kết và hành động thiết thực. Ngoài các quan điểm chiến lược được nêu trên báo cáo phát triển bền vững, doanh nghiệp phải chuyển thành văn hóa trong mỗi cán bộ nhân viên, chẳng hạn ngày hôm nay đã làm được gì để đóng góp bảo vệ môi trường hay phát triển bền vững.

Ngoài ra, con đường phát triển bền vững cũng cần sự kiên định, kiên trì đeo đuổi bởi để ra được vùng dược liệu như TRA cần phải có sự thuyết phục các bên liên quan, ở đây là bà con nông dân, bà con dân tộc.

“Nếu mà nói họ cày, họ cuốc thì họ rất vui vẻ làm nhưng để ghi chép theo tiêu chuẩn kỹ thuật thì họ rất ngại. Lúc đấy mình phải nghĩ ra những cách thức để đi cùng và vận động bà con”, bà Hà chia sẻ.

Theo ông Tùng, những doanh nghiệp mảng tài chính như ngân hàng, công ty tài chính có thể đồng hành cùng với doanh nghiệp dưới dạng các gói vay để giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư hơn, sẽ lan tỏa nhiều hơn để giảm lượng phát thải carbon.

Với tư cách là Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển Bền vững, ông Tùng cho biết cũng liên tục tổ chức những hội thảo, những chuyên đề cùng với các tổ chức quốc tế cũng như tổ chức tài chính hỗ trợ cho vấn đề sản xuất xanh để cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm để làm sao giảm lượng carbon thải ra môi trường.

Việc phát triển bền vững cũng cần có thêm sự đồng hành từ các chính sách của Chính phủ. Chẳng hạn, những chính sách khuyến khích doanh nghiệp nào làm tốt việc phát triển bền vững, giảm lượng phát thải carbon thì thuế TNDN được giảm so với doanh nghiệp khác.

“Hay như những gói vay mà không phải từ ngân hàng thương mại hay tổ chức tài chính mà từ những ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ các doanh nghiệp, yêu cầu các doanh nghiệp này đáp ứng giảm lượng carbon thấy rõ trong các dự án sẽ được vay với lãi suất tốt hơn”, ông Tùng nêu quan điểm.

Ông Trần Như Tùng chia sẻ tại hội thảo. Nguồn: BTC

Để cân bằng giữa các mục tiêu ngắn và dài hạn, bà Liên Phạm cho biết doanh nghiệp cần có những kim chỉ nam. Thứ nhất là việc quyết tâm theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững và tích hợp nó trong tất cả các hoạt động vận hành để có thể tối đa hóa hiệu quả nhưng giảm chi phí phải bỏ ra, cùng với đó là đánh mạnh vào việc nâng cao nhận thức từ trong ra ngoài, để có thể triển khai các hoạt động đồng nhất trong doanh nghiệp.

Thứ hai là cần tôn trọng yếu tố minh bạch và sẵn sàng công bố một cách rõ ràng, chính xác cho các nhà đầu tư, đối tác và khách hàng. Dù trong bất kỳ bối cảnh nào, phát triển bền vững sẽ luôn là chiến lược được ưu tiên vì đây là xu hướng tất yếu của xã hội.

Tử Kính

FILI

Các tin tức khác

>   Hiệp hội Xi măng lo doanh nghiệp phá sản, bán mình (10/04/2024)

>   'Muốn bán được hàng bắt buộc phải chuyển đổi xanh' (10/04/2024)

>   Lào đề nghị giá bán điện cho Việt Nam từ 6,95 cent một kWh (09/04/2024)

>   Chuyển đổi kép: Xu hướng thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững (09/04/2024)

>   Chuyên gia EVN: Điều hòa giảm 1 độ, điện năng tiêu thụ tăng 3% (09/04/2024)

>   Đến hết tháng 3/2024, giải ngân gần 90 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công (09/04/2024)

>   Biểu giá điện 2 thành phần giúp thị trường công bằng, tránh hiện tượng “bù chéo” (08/04/2024)

>   Dự báo tiêu thụ điện tăng mạnh nhất từ 2018, chạy điện khí LNG ngay trong tháng 4 (08/04/2024)

>   Bổ nhiệm ông Bùi Hồng Minh làm Phó Ban Chỉ đạo Đổi mới, Phát triển doanh nghiệp (08/04/2024)

>   EuroCham: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam thúc đẩy niềm tin doanh nghiệp châu Âu (08/04/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật