Dự báo tiêu thụ điện tăng mạnh nhất từ 2018, chạy điện khí LNG ngay trong tháng 4
Theo ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Giám đốc (PGĐ) Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), năm 2024 dự báo nhu cầu sử dụng điện quốc gia sẽ tăng mạnh, với tốc độ chưa từng ghi nhận kể từ 2018 tới nay. Tuy vậy, A0 đã có một số giải pháp đề phòng.
Cụ thể tại buổi toạ đàm “Cung ứng điện cao điểm mùa khô 2024” diễn ra vào chiều ngày 08/04, ông Trung nhận định 2024 là năm phát triển tương đối mạnh mẽ về nhu cầu sử dụng điện của quốc gia. Tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện toàn nền kinh tế tăng 9.6%/năm, và tốc độ này từ 2018 đến nay mới xuất hiện.
“Trong các tháng đầu năm, nhu cầu sử dụng điện của hệ thống quốc gia và miền Bắc nói riêng tăng trưởng khoảng 11%. Đó là các tháng chưa nắng nóng. Tháng 5-7 nắng nóng hơn, tốc độ có thể lên tới 13%” – trích lời ông Trung.
ông Nguyễn Quốc Trung - PGĐ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0). Ảnh chụp màn hình
|
PGĐ A0 cho biết, nhu cầu điện tại miền Bắc, cả công nghiệp lẫn sinh hoạt, rơi vào khoảng 25,000 MW. Với mức tăng 10%/năm là 2,500 MW, một con số rất lớn.
“Mức tăng này có nghĩa mỗi năm chúng ta cần thêm 1 nhà máy thủy điện Sơn La nữa đưa vào vận hành để đáp ứng. Đây là thách thức với ngành điện”.
Dự báo trước khó khăn, ông Trung chia sẻ rằng A0 đã có những chiến lược để đề phòng. Trong đó với thuỷ điện, A0 có chiến lược tích nước trong các hồ để sử dụng vào lúc cần thiết. Tính đến hiện tại, đã trữ khoảng 11 tỷ kWh điện trong các hồ thủy điện (năm trước chỉ trữ được khoảng 7 tỷ kWh).
Ông cho biết, các hồ chính như Lai Châu được giữ mực nước cao hơn cùng kỳ 20m; Sơn La là hơn 10m; Hòa Bình cao hơn 4m. Đây là các nguồn dự trữ chủ động để đáp ứng với mùa nắng nóng.
“Hiện tại chưa thấy gì, nhưng các tháng mùa khô sẽ thấy rất rõ ràng. Nhu cầu tăng một cách khách quan, nhưng cũng phải có giải pháp đáp ứng phù hợp”.
Bên cạnh đó, A0 đã làm việc với các địa phương, với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương đi làm việc với các địa phương để làm sao tiết kiệm tối đa nước cho các nhu cầu hạ du. Phải đảm bảo hài hòa giữa các nhu cầu hạ du và nước để phát điện. A0 đã tiết kiệm được có 1 tỷ m3 nước so với dự định ban đầu. Đây là nguồn rất quý đối với EVN lẫn sự phát triển KT&XH của miền Bắc, khi để dành được năng lượng trong các hồ thủy điện.
Chạy nguồn điện khí LNG kể từ 15/04/2024
Với nhiêu liệu khác khác, A0 đã lên kịch bản và đã phải chạy các nguồn điện “đắt tiền” nhất, như chạy bằng dầu D.O. Đáng chú ý, ông Trung tiết lộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã chỉ đạo các đơn vị đưa nguồn năng lượng mới là khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) vào vận hành.
“Hiện EVN đang thương thảo, ký hợp đồng với các bên cung cấp khí để có thể chạy được nguồn khí LNG tại nhà máy khu vực Đông nam bộ vào ngày 15/04/2024. Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta sử dụng LNG để phát điện. Theo tôi, đây là giải pháp hữu hiệu để có thêm nguồn điện bổ sung cho đất nước”.
Với nhiệt điện than và turbine khí, EVN và các đơn vị ngoài ngành đã nhận được chỉ đạo từ Bộ Công Thương và Cục điều tiết là phải rà soát, chuẩn bị vật tư dự phòng tối đa về nhiên liệu than và khả năng sử dụng tổ máy. Nguồn than hiện tại ở Việt Nam chiếm khoảng 50% sản lượng, nếu có vấn đề gì sẽ rất ảnh hưởng.
Với giải pháp vận hành, ông Trung cho biết A0 đã phối hợp cùng Tổng Công ty Điện lực miền Bắc để rà soát các nhà máy thủy điện nhỏ. Dù nhỏ, nhưng tổng công suất của nhóm này lên tới gần 5,000 MW tại miền Bắc, với tổng số đầu máy lên tới gần 300 đơn vị.
“Chúng tôi sẽ làm việc để chuyển dịch giờ cao điểm sao cho phát đúng vào giờ khách hàng sử dụng điện nhiều nhất. Tháng 5-7 sẽ có thêm nhu cầu từ 21-23h đêm (do là mùa nóng, và là khung cao nhất). A0 cũng sẽ điều chỉnh các nhà máy này phát đúng vào thời điểm đó. Khối lượng công việc thì lớn, nhưng chúng tôi sẽ làm được vì đã có kinh nghiệm”.
Ngoài ra, A0 đã hợp tác, tính toán để chuyển tối đa điện từ miền miền Trung, miền Nam ra miền Bắc, trong bối cảnh có 2 mạch đường dây 500 kV để đáp ứng cho phụ tải miền Bắc.
“Sẽ phải theo dõi 24/24, đặt chế độ tự động để cảnh báo khi công suất truyền tải tới ngưỡng. Việc sửa chữa sẽ được đẩy sang mùa mưa, mùa tích nước. Chúng tôi cũng tính toán để đưa ra quản lý nhu cầu phụ tải, cho ra tín hiệu tiết kiệm điện. Đồng thời làm việc sát sao với khách hàng để tiết kiệm điện đúng lúc, đúng chỗ, dồn nhu cầu sang khung giờ nào để đem lại hiệu quả tốt nhất cho nền kinh tế”.
Châu An
FILI
|