Công ty tài chính đua nhau báo lỗ, thị trường tài chính tiêu dùng còn cửa sáng?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân dự báo, trong năm nay, tình hình thị trường tài chính tiêu dùng khó có thể khởi sắc ngay, cần thêm thời gian để tạo sự đột phá.
Công ty tài chính gặp khó năm 2023
Kinh tế trong năm 2023 khó khăn, kéo theo thị trường tài chính tiêu dùng không mấy tươi sáng, làm cho lợi nhuận của các công ty tài chính sụt giảm rõ rệt.
Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) ghi nhận lỗ sau thuế năm 2023 hơn 2,965 tỷ đồng, trong khi năm trước lỗ hơn 2,376 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm 22%, còn 10,275 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn là 14.33%.
Trước đó, MBS Research đã có báo cáo đánh giá, việc FE Credit ghi nhận lợi nhuận trước thuế dương trong 2 quý liên tiếp và chất lượng tài sản có dấu hiệu tạo đáy cho thấy áp lực trích lập trong những quý tiếp theo sẽ giảm dần. Ngoài ra, đà giảm của tăng trưởng dư nợ cũng bắt đầu chậm lại và tạo đáy trong quý 3/2023 cũng gia tăng thêm kỳ vọng FE Credit có thể lấy lại đà tăng trưởng dương trong năm 2024. MBS Research dự báo dư nợ của FE Credit có thể đạt 16.1% trong năm 2024.
Công ty tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Finance) cũng ở tình trạng tương tự, với khoản lỗ sau thuế gần 463 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi hơn 312 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lỗ đầu tiên kể từ khi Shinhan Finance có mặt tại thị trường Việt Nam vào năm 2019.
Tính đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Shinhan Finance đạt gần 2,450 tỷ đồng, giảm 16% so với đầu năm 2023. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) cũng chuyển từ 11.33% của năm 2022 sang âm 17.26% vào năm 2023. Tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Shinhan Finance cũng giảm từ 26.16% hồi đầu năm xuống còn 21.41%.
Trước đó, Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset (Việt Nam) cũng công bố kết quả kinh doanh năm 2023 lỗ sau thuế 963 tỷ đồng, trong khi năm 2022 có lãi 127 tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Công ty đạt 1,744 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Tỷ lệ an toàn vốn tăng từ 15% lên 21.75%. Tỷ suất ROE cũng từ 7.6% năm trước chuyển sang âm 55.2%.
Ở diễn biến khác, một số công ty tài chính dù công bố có lãi nhưng mức lãi sụt giảm mạnh so với năm trước. Công ty tài chính TNHH HD Saison ghi nhận tổng tài sản ở mức 17.5 ngàn tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023, xấp xỉ đầu năm. Dư nợ ghi nhận 16,086 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 7.6% so với mức 7.1% của đầu năm. HD Saison báo lãi trước thuế 660 tỷ đồng trong năm 2023, giảm gần 42% so với kết quả năm 2022.
Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2023 chỉ đạt 240 tỷ đồng, giảm mạnh đến 75% so với năm 2022. Tính đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu Công ty tăng 6%, lên mức 3,008 tỷ đồng. Tỷ suất ROE giảm mạnh từ 40.65% xuống còn 8.2%. Tỷ lệ an toàn vốn đạt 13.99%.
Công ty tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit, UPCoM: TIN) ghi nhận lãi sau thuế chỉ còn gần 17 tỷ đồng, giảm gần 74% so với năm trước. Lý giải cho sự giảm sút này, VietCredit cho biết, do tình hình kinh tế vĩ mô năm 2023 không thuận lợi, dẫn đến tình hình tín dụng tăng trưởng chậm và cầu vốn tiêu dùng giảm sút, ảnh hưởng đến doanh thu từ hoạt động tín dụng trong năm, kèm theo việc biến động mạnh của chi phí vốn trên thị trường huy động khiến lợi nhuận Công ty sụt giảm.
Trong khi đó, Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam (Home Credit) cũng có mức lợi nhuận sau thuế trong năm 2023 giảm hơn 68% so với năm 2022, xuống còn hơn 375 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Home Credit Việt Nam đạt 6,753 tỷ đồng, tăng 6% so với thời điểm đầu năm. Chỉ tiêu an toàn vốn đạt 24.94%.
(*) Lợi nhuận trước thuế
|
Vì sao lợi nhuận sụt giảm?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, nguyên nhân các công ty tài chính thua lỗ hay giảm mạnh lợi nhuận chủ yếu do trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, vì nợ xấu gia tăng. Các công ty tài chính chủ yếu cho vay tín chấp, khách hàng tập trung ở nhóm người lao động có thu nhập không ổn định. Thêm vào đó, trong năm qua, kinh tế khá khó khăn, khả năng trả nợ cũng suy giảm, người lao động cũng thắt chặt chi tiêu nhiều hơn.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, thực tế năm 2023 có nhiều yếu tố tác động làm cho lợi nhuận công ty tài chính sụt giảm.
Đầu tiên, công ty tài chính không thu hồi được nợ vì có các hội nhóm dạy nhau cách bùng nợ, rủ nhau xù nợ, khiến việc thu hồi nợ gặp khó khăn, dẫn đến không chỉ mất lãi mà mất cả vốn.
Thứ hai, những cuộc bùng nợ như vậy khiến việc trích lập quỹ dự phòng phải tăng lên, làm cho chi phí về cho vay tăng.
Thứ ba, khi việc thu hồi nợ gặp khó khăn, các công ty tài chính đứng ra cho vay cũng sẽ e dè hơn trong việc cho vay, tiêu chuẩn cho vay cũng sẽ siết chặt hơn, dẫn đến việc cho vay cẩn trọng và khó khăn hơn.
Thị trường tài chính tiêu dùng khó khởi sắc ngay
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh kỳ vọng thị trường tài chính tiêu dùng năm nay sẽ cải thiện hơn so với năm trước. Do kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm nay tốt hơn, thu nhập của người dân tốt hơn, từ đó mở rộng chi tiêu và việc đi vay sẽ tăng lên.
Các công ty cũng đưa ra cơ chế để quản lý và thu hồi nợ tốt hơn, kiểm soát việc xù nợ chặt chẽ hơn, giúp giảm lượng nợ vay không trả và bù đắp lợi nhuận.
Song song đó, Nhà nước cũng đã thay đổi chính sách để phù hợp với điều kiện cụ thể của tình hình vay nợ trong thời gian tới. Trong đó, đặc biệt là việc xác định số hóa các hoạt động vay nợ, trả nợ, kho dữ liệu về lịch sử vay nợ. Những cá nhân có lịch sử trả nợ xấu sẽ khó vay ở công ty khác, từ đó, kỳ vọng thị trường tài chính tiêu dùng trong năm 2024 sẽ phát triển tốt hơn.
Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân dự báo, trong năm nay, tình hình thị trường tài chính tiêu dùng khó có thể khởi sắc ngay, cần thêm thời gian để tạo sự đột phá. Kinh tế có dấu hiệu hồi phục, nhưng năm nay sẽ không có gì quá ấn tượng, dù tăng trưởng có thể cao hơn năm trước. Triển vọng kinh tế thế giới không quá sáng cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sự hồi phục kinh tế của Việt Nam. Mọi người vẫn sẽ thắt chặt tiêu dùng để phòng ngừa rủi ro.
Cát Lam
FILI
|