Thứ Sáu, 19/04/2024 09:01

Chủ tịch Lưu Trung Thái: MB muốn đầu tư ra nước ngoài thì phải thử mô hình mới

Sáng 19/04, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HOSEMBB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, phương án chi trả cổ tức, tăng vốn điều lệ, bầu HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2024 - 2029...


ĐHĐCĐ thường niên 2024 của MB tổ chức sáng 19/04 tại Hà Nội. Ảnh: BTC

​Tính đến 8h30, có 1,166 cổ đông và đại diện uỷ quyền của cổ đông tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2024 của MB, tương ứng sở hữu 63.96% cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đủ điều kiện tiến hành (trên 50%).

Tất cả cổ đông tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 đều được MB tặng phong bì tiền mặt trị giá 500,000 đồng/cp. Như vậy, Ngân hàng dự kiến chuẩn bị "quà tặng" tới gần 600 triệu đồng dành cho cổ đông.

Năm ngoái, cổ đông của MB cũng được tặng phong bì tiền mặt trị giá 500 ngàn đồng/cổ đông khi tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2023. Cuộc họp có sự tham dự của khoảng 1,000 cổ đông, là một trong những ngân hàng có lượng cổ đông tham dự ĐHĐCĐ nhiều nhất.

MB được biết là ngân hàng khá "chu đáo" trong công tác quan hệ cổ đông, những năm trước ngân hàng cũng thường xuyên chuẩn bị quà tặng, có năm là thẻ ngân hàng có số dư 500 ngàn đồng, có năm là cân điện tử,…

Rất đông cổ đông đến dự ĐHĐCĐ thường niên 2024 của MB. Ảnh: BTC

Tại Đại hội, cổ đông MB sẽ xem xét và phê duyệt bầu HĐQT và Ban Kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2024 - 2029. Theo đó, số lượng thành viên trong HĐQT là 11 người, với 1 thành viên độc lập. Số lượng thành viên của BKS là 5 người. Tuy nhiên, mở đầu Đại hội, ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT MB cho biết tại ĐHĐCĐ lần này chưa tiến hành các thủ tục bầu HĐQT, BKS nhiệm kỳ mới; việc bầu sẽ được thực hiện sau, tại ĐHĐCĐ trong thời gian sớm nhất, phù hợp với quy định.


Chủ tịch Lưu Trung Thái phát biểu tại Đại hội. Ảnh: BTC

Chia cổ tức 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, sau khi trích lập các quỹ, tổng lợi nhuận sau thuế để lại của MB gần 19 ngàn tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến dùng hơn 10.6 ngàn tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông với tổng tỷ lệ 20%, bao gồm 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu.

Cụ thể, MB dự chi hơn 2.6 ngàn tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5%. Song song đó, Ngân hàng dự kiến phát hành gần 796 triệu cp để trả cổ tức cho cổ đông (tỷ lệ 15%) để tăng vốn điều lệ thêm gần 7.8 ngàn tỷ đồng.

Số cổ phiếu này không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 sau khi được cơ quan quản lý Nhà nước cho phép và điều kiện thị trường phù hợp.

Sau khi chia cổ tức, lợi nhuận sau thuế để lại của MB còn hơn 8.3 ngàn tỷ đồng.

Dự kiến tăng vốn điều lệ lên hơn 61.6 ngàn tỷ đồng

Trong năm 2024, MB sẽ tiếp tục triển khai phương án phát hành 62 triệu cp riêng lẻ với giá 10,000 đồng/cp để tăng vốn điều lệ thêm 620 tỷ đồng. Đây là phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 thông qua và được NHNN chấp thuận.

Đối tượng chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Số cổ phiếu chào bán sẽ bị hạn chế chuyển nhượng theo thỏa thuận giữa MB và các nhà đầu tư. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 hoặc đến quý 2/2025.

Nếu hoàn thành 100% hai phương án phát hành cổ riêng lẻ và trả cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của MB dự kiến tăng từ hơn 52.1 ngàn tỷ đồng lên hơn 61.6 ngàn tỷ đồng.

Mục tiêu lãi trước thuế 2024 tăng trưởng 6-8%

Năm 2024, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng từ 6 - 8% so với thực hiện năm 2023, tương ứng trong khoảng từ 27,884 tỷ đồng - 28,410 tỷ đồng. Giai đoạn 2024 - 2029, Ngân hàng lên kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng bình quân khoảng 12%/năm.

Tình hình kinh doanh MB giai đoạn 2015-2023

Về chỉ tiêu tổng tài sản, MB đưa ra mục tiêu tăng trưởng 13% trong năm 2024, tức đạt hơn 1 triệu tỷ đồng. Giai đoạn 2024 - 2029, mục tiêu tăng trưởng bình quân khoảng 14%/năm.

Tín dụng kỳ vọng tăng trưởng 15 - 16% trong năm 2024, mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2024 - 2029 khoảng 15%/năm, theo giới hạn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%, tỷ lệ an toàn vốn tuân thủ Basel II, ở mức tối thiểu 9%.

Nguồn: MB

Huy động trong năm 2024 đặt mục tiêu tăng trưởng phù hợp nhu cầu sử dụng vốn, trong khi tăng trưởng huy động vốn bình quân 5 năm tới kỳ vọng khoảng 15%/năm.

Về các chỉ số như ROE, ROA hay CIR, Ngân hàng kỳ vọng sẽ thuộc top đầu trong ngành. Tới cuối năm 2024 dự kiến đạt 30 triệu khách hàng và sẽ cán mốc 40 triệu khách hàng vào năm 2029.

Về tỷ lệ trả cổ tức, MB đề xuất chi trả cổ tức năm 2024 tỷ lệ dự kiến 10 - 20%, mức trung bình 5 năm tới dự kiến 15 - 20%/năm.

Lưu ý rằng MB xây dựng kịch bản kế hoạch 2024 và giai đoan 2024 - 2029 trong trường hợp Ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại. Nếu có thay đổi, MB sẽ báo cáo bổ sung ĐHĐCĐ sau khi có quyết định của Chính phủ và NHNN.

Đầu tư trụ sở MB ở khu vực phía Nam, miền Trung

MB sẽ trình cổ đông thông qua việc vốn chủ sở hữu tăng thêm trong năm 2024 là 19,003 tỷ đồng, từ 88,597 tỷ đồng vào cuối năm 2023 lên 107,600 tỷ đồng. Số vốn tăng thêm này này sẽ được dùng để Đầu tư tài sản tăng năng lực (6,867 tỷ đồng) và Đầu tư kinh doanh khác, hoạt động khác (12,136 tỷ đồng).

Trong đó, Ngân hàng dự kiến sử dụng lượng lớn vốn tự có trong năm 2024 tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm để đầu tư trụ sở MB ở khu vực phía Nam, miền Trung và/hoặc các khu vực trọng điểm khác với tổng mức đầu tư thấp hơn 20% vốn điều lệ của MB ghi trong Báo cáo tài chính được kiểm toán gần nhất, phù hợp với chiến lược kinh doanh giai đoạn 2022 - 2026.

Ngoài ra, ĐHĐCĐ sẽ thông qua một số nội dung đáng chú ý như cho phép HĐQT xem xét, chuyển đổi hình thức pháp lý của Ngân hàng MBCambodia, chi nhánh MB Lào. Tại hội nghị nhà đầu tư đầu năm, ngân hàng tiết lộ dự kiến sẽ chuyển một phần vốn của MB Campuchia cho một đối tác chiến lược để tăng năng lực quản trị điều hành.

Thảo luận:

Lợi nhuận quý 1 gần 5,800 tỷ đồng

Chia sẻ về kế hoạch đầu tư ra nước ngoài?

Ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT MB: Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam mà bê nguyên mô hình cũ áp dụng sang nước ngoài khó thành công. Do đó, MB muốn làm quốc tế phải thử mô hình mới, chủ yếu kinh doanh số. Ngân hàng sẽ nghiên cứu các thị trường quy mô lớn hơn, trong đó Campuchia là nền tảng để MB trả lời câu hỏi liệu có làm quốc tế được không.

Sơ bộ kết quả kinh doanh quý 1/2024?

Ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc MB: Dự kiến doanh thu toàn Tập đoàn khoảng 12,000 tỷ đồng, lợi nhuận gần 5,800 tỷ đồng. Doanh thu Ngân hàng mẹ hơn 9,700 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 5,200 tỷ đồng.

CEO Phạm Như Ánh. Ảnh: BTC

Đối với KQKD công ty con Mcredit đã vượt qua tình hình xấu nhất?

Chủ tịch Lưu Trung Thái: Năm 2023, Mcredit vẫn có lãi khoảng 300 tỷ đồng. Tình hình cho vay tiêu dùng năm 2023 là rất khó khăn hầu hết các công ty tài chính đều bị suy giảm lợi nhuận. Năm 2022, Mcredit có ROE khoảng 40%, nhưng 2023 chỉ còn 8%. Mặc dù Mcredit đã hành động trước khi dự báo mô hình cho vay tiền mặt khá nhiều rủi ro và chuyển sang cho vay dựa trên dữ liệu, cùng một số đối tác quy mô lớn để kiểm soát chất lượng.

Năm 2024, Mcredit đang có những điều chỉnh chiến lược, thay vì cho vay tiền mặt thông thường, thông qua con người giảm quyết liệt mà dựa trên nền tảng dữ liệu. Mcredit đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2024 tăng gấp đôi so với năm 2023.

Tỷ lệ khách hàng active, chất lượng khách hàng của MB ra sao?

Chủ tịch Lưu Trung Thái: Để có quy mô khách hàng hiện tại, cơ bản chúng ta phát triển ngân hàng số. Chúng tôi có hơn 10,000 nhân viên và hiện có 15 triệu khách hàng active, tức đạt hơn 60% - là tỷ lệ rất cao. MB sẽ tiếp tục có các giải pháp để khách hàng gắn bó với khách hàng, sẽ có những đánh giá khác nhau nhưng 50-60% khách hàng MB đang sử dụng MB là giao dịch chính.

CASA năm 2024 và các năm tiếp theo ra sao?

Chủ tịch Lưu Trung Thái: CASA cuối năm 2023 của MB hơn 40% và sẽ duy trì tỷ lệ này trong thời gian dài. Việc tăng cường mối quan hệ với khách hàng sẽ giúp CASA duy trì cao.

Chủ tịch Lưu Trung Thái trả lời chất vấn từ cổ đông. Ảnh: BTC

Nếu tăng trưởng kinh tế tốt trong 5 năm tới, MB sẽ tăng trưởng cao hơn thị trường

Tại sao đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận MB trong năm 2024 thận trọng ở mức 6-8% ?

Chủ tịch HĐQT Lưu Trung Thái: Thông thường quý 1 hàng năm tăng trưởng tín dụng từ 4-5%, năm nay không tăng, đến thời điểm này khoảng 0.23%. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành năm 2023 tăng gấp đôi do đó áp lực dự phòng nợ xấu tăng lên. Do đó, ban lãnh đạo đề ra phương án an toàn và chuẩn bị các điều kiện để bền vững hơn trong giai đoạn tới. Nếu tăng trưởng kinh tế tốt trong 5 năm tới, MB sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn thị trường.

MB sẽ tập trung các nền tảng quan trọng, chuyển đổi số, xây dựng 2 nền tảng quan trọng để thu hút tập khách hàng quy mô lớn, tăng khả năng cho vay trên tập khách hàng này. Chúng ta sẽ đầu tư cho công nghệ, củng cố công ty thành viên.

Về lãi suất, Chính phủ có yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Ngành ngân hàng cũng phải hỗ trợ doanh nghiệp, giảm chi phí vay. Năm 2023, lãi suất cho vay bình quân của MB giảm 1-1.5%. Khi có đánh giá về dao động lãi suất gần đây, chúng tôi thấy lãi suất duy trì như những tháng đầu năm là không dễ, dự báo sẽ đi ngang hoặc tăng lên về cuối năm. MB sẽ dựa trên dự báo để có sự điều chỉnh kinh doanh, đưa ra quyết định phù hợp.

Dư nợ cho vay với SCB?

CEO Phạm Như Ánh: Chúng ta không cho vay với nhóm khách hàng SCB, vấn đề này đã được khẳng định trong ĐH năm ngoái rồi.

Dư nợ của Novaland hơn 7,000 tỷ, MB có cam kết giải ngân thêm 10,000 tỷ. Khẩu vị rủi ro của MB như thế nào? Giải pháp để bảo vệ lợi ích cổ đông nếu xảy ra rủi ro với các khách hàng này?

CEO Phạm Như Ánh: Năm ngoái MB đã thu hồi nợ được 2,400 tỷ đồng và hiện nay dư nợ không còn nhiều. MB cho vay dựa trên các khoản dự án cụ thể, các khoản vay không đáng lo ngại do MB quản lý rủi ro và tài sản đảm bảo rất chặt chẽ, hơn nữa các vấn đề pháp lý, các dự án ở Novaland (NVL) cũng đang được giải quyết, tháo gỡ dự kiến trong quý 2/2024.

Theo luật, chúng tôi không thể tiết lộ con số dư nợ cụ thể. Tôi không rõ thông tin trên cổ đông biết từ đâu, chúng tôi khẳng định không có cam kết giải ngân thêm 10,000 tỷ đồng cho Novaland.

Trái phiếu là công cụ đầu tư tài chính tốt, vấn đề là chúng ta lựa chọn trái phiếu nào và cách quản lý trái phiếu ra làm sao. Chúng ta lựa chọn nhà phát hành là khách hàng thay vì cho vay trung dài hạn thì chúng ta quản lý qua trái phiếu, khi có thể chuyển nhượng được có thể tăng giảm quy mô theo đầu tư. Riêng NVL với cách thức tiếp cận và giải quyết tốt, tôi tin là năm nay sẽ hoàn thành tất toán.

Dư nợ cho vay tín dụng xanh của ngân hàng là top đầu trong ngành, vậy khoản cho vay Trung Nam chiếm bao nhiêu % trong đó?

CEO Phạm Như Ánh: MB có cho vay 3 dự án điện mặt trời của Trung Nam và cả 3 dự án này đều nằm trong Fit 1 và Fit 2 mà nằm ở vấn đề EVN chậm thanh toán. Khó khăn dự án của Trung Nam vẫn là dòng tiền về chậm, nhưng điều này không ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của khách hàng và MB. Đến thời điểm này chưa có nhiều quan ngại.

Cho vay mua nhà và mua ô tô trong năm 2024 như thế nào?

CEO Phạm Như Ánh: Trong năm 2024, MB tập trung cho khách hàng có nhu cầu mua nhà ở thật, đây cũng là sản phẩm chủ lực của ngân hàng năm tới. Còn cho vay ô tô của MB rất ít, chỉ chiếm 0.2% trong tổng dư nợ, cho vay mua ô tô khi nợ xấu xảy ra khi thu hồi khó do đó cho vay tương đối thận trọng.

Luật Tổ chức Tín dụng (TCTD) sửa đổi sắp được thi hành ảnh hưởng như thế nào tới vấn đề xử lý nợ xấu của Ngân hàng. Tình trạng liên đới CIC là bao nhiêu?

Chủ tịch Lưu Trung Thái: Hiện Nghị Quyết 42 đã hết hiệu lực, một số quy định cơ bản không được chuyển tiếp qua luật các TCTD mới. Có thể kể đến như quy trình rút gọn trong tố tụng hình sự không còn, tác động chung tới ngành là khó khăn hơn tới việc thu hồi nợ xấu, tài sản. Chúng tôi sẽ có những cách ứng phó riêng nhưng quan trọng là lựa chọn khách hàng tốt và thực hiện quy trình cảnh báo nợ xấu.

Tỷ lệ liên đới CIC của Ngân hàng hiện khoảng 10-15% và có xu hướng tăng lên.

Chia sẻ tiến độ sáp nhập ngân hàng?

CEO Phạm Như Ánh: Chúng tôi không sáp nhập ngân hàng mà dự kiến nhận chuyển nhượng bắt buộc một ngân hàng. Sau khi sáp nhập, ngân hàng này vẫn là một ngân hàng độc lập trực thuộc MB. Hết thời gian cơ cấu, chúng ta mới tính đến việc có thực hiện sáp nhập hay thoái vốn hay không.

Về tiến độ, MB đã xong đề án và trình lên Chính phủ, NHNN và đang được xử lý tại NHNN để trình lên Chính phủ. Chúng tôi kỳ vọng tiến độ có thể hoàn thành trong năm 2024 hoặc năm 2025. Nếu hoàn thành, MB sẽ có không gian để mở ra để phát triển trong giai đoạn 5 năm tới.

Chủ tịch Lưu Trung Thái: Chúng tôi đã trình và hoàn tất mọi thủ tục từ phía MB và hiện tại chỉ đợi kết quả phê duyệt. MB đã sẵn sàng với nhiệm vụ được giao.

Kết thúc Đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua.

Thế Mạnh

FILI

Các tin tức khác

>   BHI: Báo cáo tài chính năm 2023 (18/04/2024)

>   DDV: Báo cáo tài chính quý 1/2024 (18/04/2024)

>   DM7: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (18/04/2024)

>   ĐHĐCĐ 2024 Tracodi: Đặt kế hoạch doanh thu 1,920 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 230.5 tỷ (18/04/2024)

>   Lãi ròng Long Hậu đi lùi 32% trong quý đầu năm (19/04/2024)

>   Chủ chuỗi nghỉ dưỡng Flamingo lãi 175 tỷ đồng năm 2023, giảm hơn 40% (19/04/2024)

>   BTB: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (18/04/2024)

>   DVN: Báo cáo thường niên 2023 (18/04/2024)

>   BBT: Báo cáo thường niên 2023 (18/04/2024)

>   BMF: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (18/04/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật