Các công ty quản lý tài sản khổng lồ đang chi phối hệ thống tài chính Mỹ
Các công ty quản lý tài sản hàng đầu của Mỹ như Blackstone, Franklin Templeton, BlackRock và KKR, đang lấn lướt các ngân hàng ở Phố Wall để chi phối hệ thống tài chính của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nắm giữ số tài sản hơn 40.000 tỉ đô la, họ đang mở rộng sang lãnh địa kinh doanh truyền thống của ngành ngân hàng bằng cách cung cấp vốn vay cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trụ sở của BlackRock ở thành phố New York. BlackRock là công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, đang nắm giữ khoảng 10 nghìn tỉ đô la Mỹ. Ảnh: Truthabout.org
|
Trở thành “các siêu thị tài chính”
Các công ty quản lý tài sản lớn nhất Mỹ đang nắm giữ số tài sản lớn ngang ngửa quy mô của các nền kinh tế lớn. Họ đang thâm nhập vào các lĩnh vực kinh doanh mới để cạnh tranh với các ngân hàng.
Lượng tài sản lớn cho phép họ gia tăng quyền kiểm soát hoạt động chi tiêu trong nền kinh tế Mỹ. Giới lãnh đạo của các công ty quản lý tài sản khẳng định, nỗ lực mở rộng kinh doanh chỉ ở giai đoạn đầu. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng mang lại cho họ khối tài sản khổng lồ, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư vốn cổ phần tư nhân.
Họ đang phát triển thành các “siêu thị tài chính”, chủ yếu dành cho các nhà đầu tư tổ chức và các cá nhân siêu giàu. Nhưng gần đây, các công ty này cũng đang hướng đến nhà đầu tư thuộc tầng lớp trung lưu.
Các công ty quản lý quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân và tín dụng tư nhân hàng đầu như Apollo Global Management và Blackstone chủ yếu quản lý tiền cho các tổ chức. Nhưng hiện nay, họ tăng cường bán sản phẩm cho các nhà đầu tư cá nhân. Những quỹ tương hỗ lớn bao gồm các quỹ do BlackRock quản lý ngày càng lớn mạnh nhờ mở rộng hoạt động và thâu tóm các đối thủ.
Các công ty quản lý tài sản cũng cạnh tranh với các ngân hàng để cho vay đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, đồng thời liên kết chặt chẽ với ngành bảo hiểm.
Blackstone, Franklin Templeton, BlackRock và KKR đang mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực đa dạng. Xu hướng này có thể tạo ra các rủi ro mà thị trường chưa từng gặp trước đây.
Tuy nhiên, lãnh đạo các quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân hàng đầu cho biết, họ yêu cầu khách hàng cam kết dài hạn. Vì vậy, họ tin rằng quỹ của họ hoạt động ổn định hơn các ngân hàng khu vực phụ thuộc vào tiền gửi của khách hàng như Silicon Valley Bank đã sụp đổ hồi đầu năm ngoái.
Sự tăng trưởng thần tốc của lĩnh vực quản lý tài sản bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Cuộc khủng hoảng khiến giới chức trách ban hành quy định mới nhằm hạn chế hoạt động đầu tư và cho vay rủi ro của các ngân hàng. Điều này tạo ra không gian cho các nhà quản lý quỹ mở rộng hoạt động. Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới duy trì lãi suất ở mức thấp trong hầu hết thập niên sau đó. Do vậy, nhiều nhà đầu tư ra rút tiền khỏi các tài khoản tiết kiệm và trái phiếu chính phủ để rót vào các quỹ được quản lý.
Các công ty quản lý tài sản hàng đầu của Mỹ đang phát triển thành các “siêu thị tài chính”, chủ yếu dành cho các nhà đầu tư tổ chức và các cá nhân siêu giàu, nhưng cũng đang hướng đến nhà đầu tư thuộc tầng lớp trung lưu. Ảnh: WSJ
|
Kiểm soát lượng tài sản gấp đôi ngành ngân hàng
Năm 2008, các ngân hàng và nhà quản lý quỹ ở Mỹ có khối tài sản gần như ngang nhau, khoảng 12.000 tỉ đô la. Nhưng hiện nay, các công ty quản lý tài sản truyền thống, công ty quản lý vốn đầu tư tư nhân và quỹ phòng hộ kiểm soát khoảng 43.500 tỉ đô la tài sản. Con số này cao gần gấp đôi so với tổng tài sản 23.000 tỉ đô la của các ngân hàng ở Mỹ.
Các ngân hàng lớn đã phản ứng bằng cách tăng cường mở rộng mảng quản lý tài sản. Trong tháng này, Goldman Sachs báo cáo doanh thu của hoạt động quản lý tài sản đạt khoảng 4 tỉ đô la trong quí đầu tiên, lớn hơn nhiều thu nhập từ bộ phận ngân hàng đầu tư lâu đời.
Trong khi đó, các quỹ đại chúng ở các công ty quản lý tài sản ngày càng lớn mạnh, chủ yếu bằng cách cung cấp các sản phẩm quỹ hoán đổi danh mục và và quỹ tương hỗ có mức phí thấp để theo dõi các chỉ số chứng khoán. 4 trong số những công ty quản lý tài sản lớn nhất là BlackRock, Fidelity, State Street và Vanguard đã kiểm soát khoảng 26.000 tỉ đô la tài sản ở các quỹ đại chúng. Con số này gần tương đương với toàn bộ sản lượng kinh tế hàng năm của Mỹ.
Nhưng trong 4 năm qua, các công ty này chứng kiến tài sản ở các quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân và quỹ tín dụng tư nhân tăng gấp đôi, vượt xa tốc độ tăng trưởng 31% của các quỹ đại chúng.
Họ bắt đầu mời chào nhóm khách hàng cốt lõi gồm quỹ hưu trí và quỹ hiến tặng, đầu tư vào lĩnh vực tín dụng tư nhân. Họ cũng tìm kiếm các nhà đầu tư mới, chẳng hạn như các công ty bảo hiểm và cá nhân.
Khi các công ty quản lý tài sản ngày càng hùng mạnh, những người sáng lập kiếm được nhiều tiền hơn. Các nhà sáng lập quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân chiếm 41 vị trí trong danh sách tỉ phú Mỹ mà tạp chí Forbes công bố trong tháng này, nhiều hơn bất kỳ ngành nghề nào khác. Họ chiếm khoảng 5,5% tổng số tỉ phú của nước Mỹ, gần gấp đôi tỷ lệ 3% vào 10 năm trước.
Quy mô của các công ty quản lý tài sản có thể còn tăng mạnh trong những năm tới. Scott Nuttall, đồng CEO của KKR cho biết, KKR sẽ tăng gấp đôi số tiền mà công ty quản lý lên 1.000 tỉ đô la vào năm 2029.
Marc Rowan, CEO của Apollo Global Management tiết lộ, công ty ông sẽ tăng số tài sản quản lý từ 650 tỉ đô la lên 1.000 tỉ đô la vào năm 2026. Blackstone có số tài sản vượt ngưỡng 1.000 tỉ đô la vào tháng 7-2023.
Trong năm nay, Blackstone ra mắt quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân đầu tiên nhắm vào nhà đầu tư cá nhân. Một nguồn thạo tin cho biết, cho đến nay, quỹ này đã huy động được 3 tỉ đô la. Blackstone cũng đã huy động được hơn 100 tỉ đô la thông qua các quỹ bất động sản và quỹ tín dụng tư nhân nhắm vào nhà đầu tư cá nhân.
Lê Linh (Theo WSJ)
TBKTSG
|