Các ngân hàng trung ương châu Á chật vật 'chế ngự' đô la
Các ngân hàng trung ương châu Á đang chuẩn bị ứng phó nhiều bất ổn hơn từ sự trỗi dậy của đồng đô la Mỹ khi triển vọng giảm lãi suất không chắc chắn của Mỹ trong năm nay. Điều này đã gây ra “cú sốc” lớn đối với đồng yen của Nhật Bản, đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc và các đồng tiền khác ở châu Á.
Tỷ giá của đồng won của Hàn Quốc, yen của Nhật Bản và NDT của Trung Quốc so với đô la Mỹ suy giảm mạnh trong tuần qua. Ảnh: Reuters
|
Trong những ngày gần đây, các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc nhấn mạnh cam kết ổn định tỷ giá khi đồng tiền của họ suy yếu do chênh lệch lớn giữa mức lãi suất cao của Mỹ và các mức lãi suất thấp ở các các nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Cuộc tháo chạy của nhà đầu tư để tìm nơi nương náu ở các tài sản có lợi suất cao hơn của Mỹ đã đẩy giá đồng yen xuống thấp nhất trong 34 năm qua, ở mức 154 yen đổi 1 đô la. Điều này cũng đang thử thách chính sách ổn định tiền tệ của Bắc Kinh khi giá trị của NDT so với đô la giảm xuống dưới biên độ giao dich cho phép so với mức tỷ giá tham chiếu hàng ngày của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC). Trong khi đó, ở Hàn Quốc đồng won chạm mức yếu nhất so với đồng bạc xanh kể từ tháng 11-2022.
Nỗ lực trấn an thị trường
Sự biến động mạnh của tỷ giá khiến Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc ra tuyên bố chung hiếm hoi vào hôm 18-4 nhằm giải quyết “những mối quan ngại nghiêm trọng” về tình trạng mất giá mạnh gần đây của đồng yen và đồng won. Tại Trung Quốc, PBoC cảnh báo sẽ đẩy lùi tình trạng đặt cược giảm giá một chiều đối với NDT.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, những cảnh báo, đặc biệt là từ Mỹ và Nhật Bản, chỉ càng cho thấy khả năng chính phủ của họ can thiệp để hạ nhiệt tỷ giá là rất thấp.
“Điều này cho thấy họ có chú ý đến vấn đề tỷ giá nhưng không thể làm gì nhiều. Lời nhận xét của cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ John Connally rằng, ‘đồng đô la là tiền tệ của chúng tôi, nhưng đó là vấn đề của bạn’ vẫn còn đúng cho đến ngày nay”, Paul Mackel, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngoại hối toàn cầu của ngân hàng HSBC bình luận.
Theo Adarsh Sinha, người đứng đầu nhóm chiến lược tỷ giá và tiền tệ châu Á của ngân hàng Bank of America (BofA) nhìn nhận, vào đầu năm, các nhà hoạch định chính sách châu Á tin rằng một loạt đợt cắt giảm lãi suất của Mỹ sẽ làm giảm căng thẳng về chênh lệch lãi suất. Tuy nhiên, dữ liệu lạm phát cao hơn dự kiến liên tục trong 3 tháng đầu năm và nền kinh tế kiên cường của Mỹ đã đặt dấu chấm hết cho kỳ vọng đó.
Các tuyên bố trong tuần này chỉ ra những hạn chế của các ngân hàng trung ương ở châu Á nhằm định hướng thị trường và báo hiệu các ý định chính sách bằng những bình luận công khai.
Các nhà giao dịch tiền tệ ở Tokyo cho rằng, tuyên bố chung của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc dù có vẻ mang tính lịch sử, nhưng lại là một lựa chọn tương đối “rẻ” cho cả 3 nước. Tuyên bố được đưa ra với ý định trấn an thị trường mà không cần sử dụng đến biện pháp can thiệp trực tiếp.
Junya Tanase, nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan Chase cho rằng, ngay cả những động thái đơn phương can thiệp thị trường cũng rất hiếm khi xảy ra vì tất cả các thành viên của khối cường quốc G7 đều có đồng tiền thả nổi tự do.
“Trước đây, đã có một số hành động can thiệp chung được thực hiện trong khuôn khổ G7. Nhưng biện pháp can thiệp chung thường chỉ được thực hiện trong thời kỳ khủng hoảng”, Tanase nói.
Trong tuần này, ông Kazuo Ueda, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), dự báo BoJ có thể tăng lãi suất nếu tác động từ tình trạng suy yếu của đồng yen lớn đến mức không thể phớt lờ. Đó là sự can thiệp bằng lời nói mạnh mẽ bất thường của BoJ.
Các vị thế bán đồng yên vẫn ở mức cao cho thấy, các nhà đầu cơ không nao núng trước những cảnh báo chính thức.
Trụ sở của PBoC ở Bắc Kinh. PBoC đang đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu cho phép NDT suy yếu hơn nữa, điều này sẽ làm tăng nguy cơ dòng vốn tháo chạy. Nếu duy trì NDT ở mức cao hơn đáng kể so với các đồng tiền của các đối tác thương mại, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ gặp bất lợi. Ảnh: Bloomberg
|
Trung Quốc đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan
Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát đối với NDT đến mức nào. Họ đang cố gắng cải thiện tình trạng kinh tế ảm đạm trong nước nhưng đồng thời phải hành động thận trọng trước sự phàn nàn của các đối tác thương mại rằng Trung Quốc đang bán phá giá hàng xuất khẩu của họ. Nếu NDT giảm giá hơn nữa, hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc càng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Khi Chủ tịch Tập Cận Bình đặt ra các ưu tiên tài chính vào đầu năm nay, “đồng tiền mạnh” đứng đầu danh sách. Trong những tuần gần đây, PBoC đã cố gắng đẩy lùi xu hướng đặt cược trên thị trường rằng NDT sẽ suy yếu hơn nữa do chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các thị trường đang thử thách phản ứng của PBoC bằng cách định giá NDT ở mức thấp nhất trong biên độ tăng giảm 2% mà đồng tiền được phép di chuyển so với tỷ giá tham chiếu mà PBoC ấn định hàng ngày. Tuy nhiên, NDT giao dịch bên ngoài Trung Quốc đã vi phạm biên độ này. PBoC đã cố gắng ổn định tỷ giá bằng cách ấn định giá NDT cao hơn giá của thị trường. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tăng chi phí vay NDT ở Hồng Kông kìm hãm nhu cầu bán khống đồng tiền này.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch cũng tin rằng, nếu NDT mạnh so với các đồng tiền châu Á khác, điều này thể gây tổn hại cho hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc trong khu vực.
“Tác nhân chính khiến NDT suy yếu vẫn là là Fed và đồng đô la mạnh hơn. Nhưng quan trọng hơn, tình trạng mất giá của NDT cũng một phần là do đồng yen đã mất giá quá nhiều mà nhưng BoJ chưa có hành động can thiệp nào. Điều đó khiến Trung Quốc cũng kiềm chế hành động can thiệp”, một nhà giao dịch NDT của một ngân hàng nhà nước Trung Quốc, có trụ sở tại Thượng Hải nói.
PBoC và bài học phá giá NDT vào năm 2015
Các nhà chiến lược tiền tệ chỉ ra rằng trong lịch sử, NDT bị ảnh hưởng bởi hiệu suất của đồng đô la Mỹ so với đồng euro. Đồng euro hiện chiếm ưu thế trong rổ tiền tệ của các đối tác thương mại lớn của Bắc Kinh.
“PBoC sẽ cho phép NDT suy yếu so với đô la nếu đô la tăng giá mạnh mẽ so với đồng euro”, David Lubin, nhà nghiên cứu cấp cao của tổ chức tư vấn Chatham House nói.
Chỉ số CFETS Renminbi của PBoC, đo lường hiệu suất của NDT so với 24 đồng tiền khác bao gồm đồng yen và đồng won, tăng 2,7% kể từ năm ngoái. Trong tuần qua, chỉ số này cũng tăng lên mức cao nhất trong 1 năm.
Zhu Hexin, Phó Thống đốc PBoC kiêm người đứng đầu Cục Quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc cảnh báo thị trường trong tuần này rằng, “PBoC quyết tâm và kiên định trong lập trường duy trì sự ổn định tương đối của tỷ giá NDT”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích hoài nghi khả năng PBoC thay đổi chính sách quản lý tiền tệ tổng thể. “Không có dấu hiệu nào cho thấy PBoC sẽ sớm thay đổi hướng đi hiện nay. Khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc đang tăng rất mạnh khi tỷ giá hối đoái thực của nước này đang ở gần mức thấp nhất trong một thập niên”, Chen Long, đồng sáng lập Plenum, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Bắc Kinh nói.
Các nhà phân tích nói rằng, chính sách hiện tại của PBoC được rút ra từ kinh nghiệm đớn đau khi quyết định phá giá NDT vào năm 2015.
Cụ thể, vào ngày 11-8-2015, trong một nỗ lực được cho là nhằm vực dậy xuất khẩu, PBoC phá giá NDT, khiến đồng tiền này giảm 3% so với đô la chỉ trong vòng 2 ngày. Động thái đó khiến dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc lên đến mức 1.000 tỉ đô la trong năm đó. Trung Quốc đã phải sử dụng 320 tỉ đô la từ kho dự trữ ngoái hối để trấn an thị trường và kìm hãm đà giảm giá của NDT.
Adarsh Sinha của BofA cho biết, PBoC đã rút kinh nghiệm từ tình trạng hỗn loạn vào năm 2015 và đang có sẵn nhiều sự lựa chọn chính sách. “PBoC có thể thiết kế một mức độ giảm giá của NDT có trật tự nếu muốn. Có vẻ như hiện tại PBoC muốn giữ ổn định tiền tệ”, ông nói.
Lê Linh (Theo Financial Times)
TBKTSG
|