Thứ Bảy, 30/03/2024 08:34

Vì sao 9 đơn vị kiến nghị xem xét lại việc điều tra bán phá giá thép HRC nhập?

Trong đơn kiến nghị, 9 doanh nghiệp thép cho rằng nếu khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu sẽ gây ra hậu quả tiêu cực không chỉ với ngành thép mà còn với nền kinh tế.

* Hoà Phát đã nộp đơn đề xuất áp thuế chống bán phá giá với thép HRC Trung Quốc

Sản xuất thép của các doanh nghiệp trong nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mới đây, 2 doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng (HRC) tại Việt Nam bao gồm Tập đoàn Hòa Phát và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã gửi hồ sơ đến Cục Phòng vệ thương mại đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Nguyên nhân là do sản lượng thép nhập khẩu thép tăng đột biến cũng như giá thép HRC từ Trung Quốc giảm mạnh.

Không lép vế trước thép nhập khẩu

Cụ thể, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập 1,89 triệu tấn HRC với giá trị nhập khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, nguồn thép từ Trung Quốc là 1,4 triệu tấn, chiếm 74,2% tổng lượng nhập khẩu. Từ quý 1/2023 đến nay, giá HRC của Trung Quốc đã giảm từ 618 USD/tấn xuống còn khoảng 520-560 USD/tấn tùy loại.

Với con số nêu trên, một số doanh nghiệp cho rằng việc giá thép nhập khẩu giảm có thể gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Vì vậy, cần áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu.

Trước thông tin này, tập thể 9 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam bao gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, Công ty Cổ phần Thép TVP, Công ty Cổ phần Tôn Đông Á, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim, Công ty Tôn Phương Nam, Công ty Cổ phần Tôn Pomina, Công ty Cổ phần Sản xuất Thép Vina One, Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Thép Việt Nhật và Công ty Cổ phần Kim khí Nam Hưng lại có ý kiến khác, đồng thời gửi Công văn đến cơ quan chức năng trong đó có Bộ Công Thương; Cục Phòng vệ thương mại… để trình các lập luận phản biện trước khả năng điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu.

Theo đó, tập thể 9 doanh nghiệp này cho rằng nếu Việt Nam khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu sẽ gây ra những hậu quả cực kỳ tiêu cực không chỉ đối với ngành thép mà còn đối với toàn nền kinh tế và xã hội.

Công văn của các công ty này nêu rõ, HRC là nguyên liệu chính để sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, thép kết cấu và các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác. Bất kỳ diễn biến bất lợi nào xảy ra với nguồn nguyên liệu HRC cũng có thể gây ảnh hưởng đến toàn ngành thép. Tại Việt Nam, chỉ có 2 doanh nghiệp gồm Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh có khả năng sản xuất sản phẩm HRC.

Dựa theo Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ HRC của Việt Nam đang nằm trong khoảng 10 đến hơn 13 triệu tấn/năm, vừa phục vụ cho việc sản xuất thành phẩm, vừa dự trữ lượng hàng tồn kho cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp này cho rằng tổng công suất thiết kế sản xuất HRC tại Việt Nam chỉ ở mức 8,2 triệu tấn/năm.

Nhu cầu tiêu thụ HRC của Việt Nam đang nằm trong khoảng 10 đến hơn 13 triệu tấn/năm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cho biết trên thực tế, đối với ngành tôn mạ nói chung và Tập đoàn Hoa Sen nói riêng thường ưu tiên sử dụng các sản phẩm HRC được sản xuất trong nước. Bởi các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, Mexico phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ để không bị áp thuế chống lẩn tránh và phù hợp với các quy định của Hiệp định CPTPP. Tương tự, xuất khẩu sang thị trường Qatar, Oman... cũng yêu cầu sử dụng nguyên liệu thép cán nóng được sản xuất tại Việt Nam.

"Thép nội rất được ưa chuộng, không có chuyện bị lép vế so với thép nhập khẩu. Thậm chí, nhiều thời điểm giá HRC trong nước cao hơn so với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng do yêu cầu của thị trường nhập khẩu, doanh nghiệp vẫn chấp nhận mua vào phục vụ sản xuất," ông Thanh chia sẻ.

Quá trình xử lý hồ sơ sẽ công khai, minh bạch

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương cho biết Cục đã nhận hồ sơ chống bán phá giá trong nước của 1 số doanh nghiệp về một số sản phẩm ngoại nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Căn cứ theo quy định của luật quản lý ngoại thương, doanh nghiệp nhận thấy hành vi phá giá, có dấu hiệu gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước của Việt Nam, các doanh nghiệp có quyền nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền.

Ông Trung cho biết thêm căn cứ theo quy định, quy trình như sau: thẩm định tính hợp lệ của bộ hồ sơ (kéo dài 15 ngày). Trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đại diện các ngành sản xuất trong nước phải nộp hồ sơ bổ sung.

Khi hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ trong 45 ngày. Trên cơ sở đó, kiến nghị Bộ Công thương tiến hành khởi xướng hoặc không khởi xướng điều tra chống bán phá giá, thời hạn điều tra sau khi khởi xướng sẽ kéo dài từ 2 - 6 tháng (8 tháng).

Trong quá trình Cơ quan điều tra sẽ thông báo cụ thể các bên liên quan cung cấp đầy đủ chứng cứ để xem xét một cách toàn diện, công bằng rồi đưa ra kết luận hợp lý. Kể cả sau khi khởi xướng điều tra chưa có biện pháp nào áp dụng với áp dụng hàng hóa nhập khẩu.

"Quá trình thực hiện công khai, minh bạch, thông báo đầy đủ hồ sơ hợp lên, Bộ Công thương, Cục Phòng vệ thương mại đều có thông tin đến các cơ quan báo chí, doanh nghiệp liên quan, quá trình này được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và Tổ chức thương mại thế giới," ông nói.

Dây chuyền sản xuất thép của Tập đoàn Hoa Sen. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, khi doanh nghiệp nộp đơn kiến nghị thường có nhiều luồng ý kiến. Từ vụ việc trên, ông cho biết có 2 luồng ý kiến là ủng hộ việc điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá và góc độ khác thì lại có quan điểm ngược lại.

Về phía Bộ Công Thương sẽ thực hiện theo đúng các quy định của Luật quản lý ngoại thương, các quy định liên quan tới quy trình, thủ tục, các khâu tiếp nhận hồ sơ, nghiên cứu hồ sơ, đánh giá tính hợp lệ… khi đầy đủ mới có thể áp dụng biện pháp điều tra, trong quá trình điều tra phải áp dụng biện pháp chặt chẽ và kết quả điều tra có thể áp dụng hoặc không áp dụng./.

PV

Vietnamplus

Các tin tức khác

>   Hoà Phát đã nộp đơn đề xuất áp thuế chống bán phá giá với thép HRC Trung Quốc (27/03/2024)

>   Thép Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam, đe dọa sản xuất trong nước (25/03/2024)

>   Xuất khẩu thép Trung Quốc đạt đỉnh 8 năm, nguy cơ dư cung hiện hữu (22/03/2024)

>   Giá thép xây dựng quay đầu giảm sau 6 đợt tăng giá liên tiếp (12/03/2024)

>   Giá thép HRC giảm mạnh sau Tết Nguyên đán (23/02/2024)

>   Startup được Bill Gates và Jeff Bezos hậu thuẫn tìm ra mỏ đồng lớn nhất thế giới (11/02/2024)

>   Giá thép xây dựng lại tăng (30/01/2024)

>   Thủ tướng: Có chế tài để xử lý trường hợp cố tình nâng giá, ép giá, đầu cơ đất khu vực mỏ (10/01/2024)

>   Thép xây dựng có đợt tăng giá đầu tiên trong năm 2024 (09/01/2024)

>   Thaco đề xuất làm nhà máy chế biến alumin công suất 4 triệu tấn/năm quy mô 100 ngàn tỷ (06/01/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật