Xuất khẩu thép Trung Quốc đạt đỉnh 8 năm, nguy cơ dư cung hiện hữu
Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu thép ra thế giới do cuộc khủng hoảng bất động sản đã làm suy yếu hoạt động tiêu dùng trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời gây ra lo ngại về tình trạng dư cung toàn cầu trong một số ngành công nghiệp.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu thép của Trung Quốc đã tăng 32.6% so với cùng kỳ năm trước, lên 15.9 triệu tấn, đây là mức cao nhất kể từ năm 2016.
Các nhà phân tích dự đoán rằng xuất khẩu thép của Trung Quốc tiếp tục tăng và có thể vượt mức năm ngoái, ước tính lên khoảng 90 triệu tấn, cao nhất trong 7 năm, do nỗ lực kích thích nền kinh tế và các biện pháp cắt giảm sản lượng dường như chưa đủ.
Ông Daniel Hynes, chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại ANZ Research, cho biết: “Tôi tin rằng xuất khẩu thép của Trung Quốc trong năm 2024 sẽ mạnh mẽ hơn so với năm trước và đó là xu hướng mà chúng tôi đã thấy trong vài năm qua.”
Thép đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá sự tăng trưởng của nền kinh tế và đầu tư của Trung Quốc, một nền kinh tế mà nhiều người lo ngại sẽ chuyển dần sang tình trạng dư cung trong nhiều lĩnh vực từ ôtô đến tấm pin mặt trời, do tiêu dùng nội địa phục hồi yếu hơn dự kiến sau đại dịch COVID-19.
Các nhà phân tích cho biết Trung Quốc hiện sản xuất khoảng 55% lượng thép của thế giới. Vì vậy, ngay cả một sự tăng nhỏ trong xuất khẩu cũng có thể gây áp lực giảm giá trên thị trường thế giới.
Ông Colin Richardson, Trưởng bộ phận thép tại Argus Media, cho biết lần cuối cùng xuất khẩu thép của Trung Quốc đạt mức cao như vậy là trong thời kỳ kinh tế suy thoái từ năm 2015 đến năm 2016. Ông nói: “Thị trường có quá nhiều thép. Ngay cả khi Trung Quốc giảm sản lượng, nguồn cung thép vẫn rất lớn.”
Tomas Gutierrez, biên tập viên tại tờ Kallanish Commodities, cho biết sau cuộc họp của Quốc hội Trung Quốc, các công ty thép bắt đầu chào mời các hợp đồng xuất khẩu với chiết khấu cao. “Lúc đầu, chúng tôi dự báo xuất khẩu thép có thể ở mức vừa phải trong năm nay nếu thị trường bất động sản ổn định trở lại. Tuy nhiên, thị trường này vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục và do đó xuất khẩu thép chắc chắn sẽ mạnh”, ông nói.
Ông Harry Murphy Cruise, Phó Giám đốc và chuyên gia kinh tế tại Moody's Analytics, cho biết triển vọng thị trường thép suy yếu cũng ảnh hưởng đến giá quặng sắt.
Ông Cruise lưu ý rằng việc thiếu các biện pháp kích thích từ hai phiên họp của Chính phủ tuần trước đã đẩy giá quặng sắt xuống chỉ còn trên 100 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2023.
Bên cạnh nhu cầu nội địa yếu hơn ở Trung Quốc, ông Hynes cho biết chính sách tiền tệ nới lỏng hơn ở các thị trường phát triển, dự kiến sẽ được áp dụng vào cuối năm nay, sẽ tạo động lực bên ngoài cho xuất khẩu thép của Trung Quốc.
Các nhà phân tích tại BMO dự đoán xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ đạt 75 triệu-80 triệu tấn trong năm nay, do sản lượng vẫn ổn định mặc dù nền kinh tế yếu.
Ông Gutierrez cho biết xuất khẩu thép của Trung Quốc có thể đạt tới 94.5 triệu tấn trong năm 2024, phù hợp với ước tính ông đã đưa ra vào năm trước.
Trong khi đó, ông Colin Hamilton, nhà phân tích hàng hóa tại BMO, cho biết Trung Quốc đang chuyển thép sang các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, chủ yếu là ở các thị trường đang phát triển, nơi mà Trung Quốc thường đóng vai trò vừa là nhà tài trợ và nhà thầu xây dựng, chẳng hạn như tại các nước thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Nguy cơ từ thép giá rẻ của Trung Quốc
Tại thị trường Việt Nam, các chuyên viên phân tích cũng cảnh báo nguy cơ từ thép giá rẻ của Trung Quốc.
Các chuyên gia phân tích tại VDSC cho biết trong năm 2023, Trung Quốc ghi nhận sản lượng thép xuất khẩu cao nhất trong giai đoạn 2017-2023, vượt 80 triệu tấn/năm (tương ứng giai đoạn 2014-2015, khi Trung Quốc tăng cường xuất khẩu thép sang các nước do dư cung).
Hiệu suất hoạt động của các lò cao tại Đường Sơn (trung tâm sản xuất thép của Trung Quốc) duy trì ở mức 70%, và triển vọng cắt giảm sản lượng trong năm 2024 vẫn chưa rõ ràng, cho thấy lượng thép Trung Quốc xuất khẩu sang các nước (trong đó có Việt Nam) sẽ tiếp tục ở mức cao (trong bối cảnh tiêu thụ trong thị trường nội địa của Trung Quốc vẫn còn thấp).
“Do đó, chúng tôi lưu ý về rủi ro thị trường thép Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường Trung Quốc (đặc biệt là thép xây dựng), về vấn đề cạnh tranh về mặt bán hàng với các nhà sản xuất thép nội địa và giá thép Việt Nam chịu ảnh hưởng từ sự biến động của giá thép Trung Quốc, với sự tương quan cao giữa các thị trường”, VDSC nhận định.
Vũ Hạo (Theo Financial Times)
FILI
|