Thứ Bảy, 23/03/2024 14:02

Thấy gì sau những chỉ số cải cách, sáng tạo của TP.HCM?

Bộ Khoa học -Công nghệ vừa công bố chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII - Provincial Innovation Index: hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH-CN và đổi mới sáng tạo) của 63 tỉnh, thành phố trong năm 2023. Đây là năm đầu tiên bộ chỉ số được xây dựng trên toàn quốc với 52 chỉ số thành phần phân bổ theo 7 trụ cột, gồm: 5 trụ cột đầu vào (thể chế; vốn con người và nghiên cứu, phát triển; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của doanh nghiệp) và 2 trụ cột đầu ra (sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; tác động).

TP.HCM xếp thứ 2, sau Hà Nội; trong đó có 4 trụ cột thế mạnh bao gồm: Trụ cột 2: Vốn con người và nghiên cứu và phát triển, Trụ cột 4: Trình độ phát triển của thị trường (xếp vị trí thứ 2/63 tỉnh thành), Trụ cột 6: Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ (xếp 3/63), Trụ cột 3: Cơ sở hạ tầng (xếp 4/63).

Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là Trụ cột 1: Thể chế thì TP.HCM lại có thứ hạng thấp, xếp 42/63 tỉnh thành. Sẽ không ngạc nhiên cho lắm khi trong 7 chỉ số khảo sát của PII đã có 5 chỉ số được trích từ nguồn dữ liệu của Bộ chỉ số PCI và 1 chỉ số trích từ nguồn dữ liệu ParIndex năm 2022. Song, với tất cả những nỗ lực không ngừng nghỉ của lãnh đạo thành phố; thậm chí chỉ đạo khá quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong nhiều phiên làm việc với thành phố thì những vướng mắc về cơ chế vẫn là rào cản khó vượt qua của thành phố đầu tàu!

Đi sâu vào phân tích các chỉ số thành phần sẽ thấy nếu chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của TP.HCM dẫn đầu cả nước (vốn luôn là thế mạnh của TP.HCM nhiều năm qua) thì 2 chỉ số kế tiếp là Thiết chế pháp lý & an ninh trật tự và Chính sách thúc đẩy KHCN & ĐMST lại xếp thứ hạng thấp. Điều này phản ánh từ chính sách hỗ trợ đến hành động thực thi vẫn còn là khoảng cách khá xa, nhất là các khung pháp lý, quy định đảm bảo cho tính vận hành theo quy củ, minh bạch. Nhất là trong tình trạng hiện nay, nó còn là “công cụ” tự bảo vệ trước những rủi ro pháp lý.

Ngay cả trong các trụ cột xếp thứ hạng cao thì ở một số chỉ số thành phần mang tính hành động lại không tương ứng. Ví dụ như ở trụ cột Cơ sở hạ tầng, nhóm chỉ số Hạ tầng số đứng đầu cả nước nhưng chỉ số Quản trị điện tử lại xếp thứ 12/63. Điều này nói lên quyết sách chuyển đổi số đã được thúc đẩy ở mảng đầu tư hạ tầng - kỹ thuật, song trên nền tảng ấy, cấu trúc tổ chức - vận hành lại thiếu tính đồng bộ nên tính năng quản trị trong ứng dụng thực tiễn còn thấp. Hoặc trong nhóm chỉ số Cơ sở hạ tầng cơ bản xếp vị trí thứ 2 nhưng chỉ số Quản trị môi trường lại nằm nhóm cuối bảng.

Nghịch lý rõ nhất là ở một thành phố có truyền thống năng động, ý chí đi cùng cam kết hành động của lãnh đạo thành phố cũng biểu hiện mạnh mẽ, liên tục nhưng khi khảo sát thì chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền địa phương lại xếp vị trí 62/63 của cả nước. Thực tiễn này phản ánh mức độ “thẩm thấu” xuống đến hệ thống trên cơ sở, nhất là cấp sở ngành, quận huyện vẫn chưa sâu.

Trong khi, kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính toàn thành phố năm 2023, ở cả 2 khối sở ban ngành và UBND các quận huyện và TP Thủ Đức thì chỉ có 2 đơn vị đạt loại tốt; còn lại tất cả đều xếp hạng xuất sắc!

Đối chiếu kết quả “giỏi toàn diện” nội bộ này với các bảng xếp hạng cạnh tranh quốc gia của thành phố trong vài năm trở lại đây thì sẽ thấy khác biệt, nếu không muốn nói là “dị biệt”. Cần làm rõ tính chất, hiệu quả thực tiễn của cách đánh giá, xếp hạng “xuất sắc”.

Bởi, nhìn thêm 2 chỉ số thành phần nữa trong bảng Trụ cột 4: Trình độ phát triển của thị trường (xếp thứ hạng cao) tiếp tục có sự phân hóa rõ nét là bên cạnh 2 chỉ số đứng đầu cả nước gồm Tín dụng trong khu vực tư nhân trên 1,000 lao động và Tài chính vi mô/GRDP thì chỉ số Giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của doanh nghiệp lại xếp vị trí 44/63 tỉnh, thành phố và chỉ số Vốn sản xuất kinh doanh bình quân hàng năm của các doanh nghiệp xếp vị trí 31/63. Tức tính bền vững về nguồn vốn, nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp đều thấp. Đây vừa là hệ quả vừa là nguyên nhân để dẫn tới quy mô, tính ổn định của thị trường đầu tàu suy giảm trong nhiều năm trở lại đây, kể cả sắp tới.

Rõ ràng, thành phố vẫn cần nhiều “liều thuốc đắng” hơn nữa để “dã tật” trong hệ thống công vụ, nhất là cấp sở ban ngành và quận huyện!

Quốc Học

FILI

Các tin tức khác

>   Bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước (21/03/2024)

>   Quốc hội miễn nhiệm chức Chủ tịch nước với ông Võ Văn Thưởng (21/03/2024)

>   Trung ương đồng ý ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước (20/03/2024)

>   Chủ tịch Quốc hội: Nội dung cấp bách, chuẩn bị được ngay thì đưa vào kỳ họp thứ 7 (19/03/2024)

>   Thủ tướng: Việt Nam cam kết '3 bảo đảm', đẩy mạnh '3 đột phá' và thực hiện '3 tăng cường' với nhà đầu tư (19/03/2024)

>   Bộ trưởng KH&ĐT nhấn mạnh tăng trưởng xanh, bền vững là lựa chọn tất yếu của Việt Nam và thế giới (19/03/2024)

>   Nền kinh tế nghiện nợ và hệ lụy (19/03/2024)

>   Kinh tế Việt Nam đi ngược lại với xu hướng suy giảm trên toàn thế giới (19/03/2024)

>   Đối tác chiến lược toàn diện, vốn đầu tư nước ngoài và những thách thức (18/03/2024)

>   TS. Nguyễn Trí Hiếu: Mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6.5% còn nhiều thách thức (19/03/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật