Thứ Ba, 19/03/2024 09:02

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6.5% còn nhiều thách thức

Nhìn tổng thể, bức tranh xuất nhập khẩu có vẻ khả quan, nhưng nhìn sâu tổng cầu của cả nền kinh tế thì tình hình vẫn chưa thực sự cải thiện rõ rệt. Mục tiêu đạt được tăng trưởng GDP 6 - 6.5% trong năm nay vẫn còn nhiều thách thức.

Số liệu từ Tổng Cục Thống kê công bố, tính chung 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 59.34 tỷ USD, tăng 19.2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54.62 tỷ USD, tăng 18%.

Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm 2024 ước tính xuất siêu 4.72 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3.5 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3.53 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 8.25 tỷ USD.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1,031.5 ngàn tỷ đồng, tăng 8.1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 14.7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5% (cùng kỳ năm 2023 tăng 10.9%).

Theo số liệu thống kê, tình hình xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có cải thiện, doanh thu dịch vụ hàng tiêu dùng cũng tăng lên.

Trước tình hình các số liệu đều cho thấy 2 tháng đầu năm tăng trưởng, chúng tôi có dịp trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng để chia sẻ về tiềm năng tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, cũng như các vấn đề về chính sách cần lưu ý.

Trước số liệu khả quan của nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm, ông có cho đây là những dấu hiện đầu tiên tươi sáng của năm nay không? Chúng ta có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6.5% trong năm nay không?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tình hình xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2024 có vẻ khả quan hơn so với 2 tháng đầu năm 2023. Với kết quả của 2 tháng đầu tiên này, hy vọng năm 2024 tình hình kinh tế sẽ khả quan hơn.

Mặc dù vậy, xuất nhập khẩu tùy thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế thế giới. Theo một số cơ quan quốc tế, tăng trưởng GDP của cả thế giới năm nay có thể đạt trên 3%. Có những vấn đề của thế giới đã tồn tại trong 2 năm qua vẫn sẽ tiếp diễn.

Đầu tiên, khủng hoảng địa - chính trị tại một số quốc gia vẫn tiếp diễn, đặc biệt là tình hình chiến sự tại Ukraine và Trung Đông. Bên cạnh đó, những vấn đề về kinh tế thế giới, đặc biệt là sự trì trệ của kinh tế Trung Quốc và một số quốc gia Tây Âu vẫn còn hiện diện.

Thêm nữa, trong năm 2024 sẽ diễn ra cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ và thường trong các năm tranh cử trước đó, Mỹ sẽ không đưa ra những chính sách “táo bạo” nào.

Với tình hình này, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ xoay chiều chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, trong quý đầu năm hoàn toàn không thể xảy ra, có lẽ phải chờ đến giữa năm. Khi chính sách tiền tệ đảo chiều, lãi suất của Mỹ giảm, sẽ có tác động tích cực đến Việt Nam. Lãi suất giảm sẽ làm giảm giá trị của đồng USD, từ đó làm giảm áp lực lên tỷ giá VND/USD. Cũng vì vậy, chính sách tiền tệ của Việt Nam có nhiều dư địa tăng trưởng hơn vào nửa sau năm 2024.

Còn trong nước, sự trì trệ của nền kinh tế năm 2023 thể hiện qua tăng trưởng GDP chỉ tăng trên 5%, do sức cầu trong nước yếu trên mọi phương diện.

Trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm do tổng cầu nội địa suy giảm, cũng như nhu cầu hàng hóa của Việt Nam tại nước ngoài, tình hình kinh tế trong nước cũng không sáng như mong đợi.

Trong đó, việc các doanh nghiệp trong nước phá sản, rút lui khỏi thị trường trung bình mỗi tháng trong năm 2023 gấp đôi so với 2022. Trong năm 2024, tình hình còn tệ hơn trong 2 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng số doanh nghiệp phá sản và rút lui khỏi thị trường là 31.5 ngàn doanh nghiệp/tháng. Đây là một dấu hiệu xấu, bởi vì nếu các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực sản xuất của một quốc gia. Trong số những doanh nghiệp ngưng hoạt động, phá sản nếu như là doanh nghiệp nhỏ và vừa - sống lưng của nền kinh tế - lại càng đáng lo ngại. Đây là hiện tượng Chính phủ đang quan tâm và tìm cách cải thiện tình hình các doanh nghiệp.

Tình hình tài chính, tín dụng trong 2 tháng đầu năm giảm so với năm trước. Việc giảm tín dụng cũng chứng tỏ khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp. Nếu doanh nghiệp vay ngân hàng, càng vay càng lỗ do không bán được hàng. Tín dụng tăng trưởng âm chứng tỏ nhu cầu về tài chính, sức sản xuất kinh doanh trong nước giảm, do đó nhu cầu vốn giảm xuống.

Nhìn lại năm 2023, hiện tượng “ế” vốn của các ngân hàng vẫn đang diễn ra. Các ngân hàng nhiều vốn và  xu hướng giảm lãi suất huy động kéo dài. Lãi suất cho vay có giảm thêm, nhưng giảm chậm hơn lãi huy động.

Do đó, nhìn tổng thể, bức tranh xuất nhập khẩu có vẻ khả quan, nhưng nhìn sâu vào lĩnh vực tài chính, tổng cầu của cả nền kinh tế thì tình hình vẫn chưa thực sự cải thiện rõ rệt.

Mục tiêu đạt được tăng trưởng GDP 6-6.5% trong năm nay vẫn còn nhiều thách thức. Tăng trưởng GDP 6.5% là một kỳ vọng vẫn có thể khả thi, nếu tình hình kinh tế tiếp tục cải thiện trong phần còn lại của năm 2024.

Ông có thể cho biết rõ hơn về nguyên nhân lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm vẫn tăng cao hơn số đăng ký mới?

Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường nhiều hơn lượng doanh nghiệp đăng ký mới, ngoài việc không tiếp cận được nguồn vốn cũng như cầu nội địa chưa có, còn một nguyên nhân nữa là thủ tục hành chính.

Một trong những vấn đề tồn tại trong nền kinh tế chính là quy định của pháp luật, thủ tục hành chính còn rất phức tạp. Đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, ngay cả gói 120,000 tỷ đồng chỉ thực hiện được quy mô rất nhỏ, còn rất nhiều dự án vướng mắc về mặt giấy tờ, cấp phép.

Thủ tục, giấy tờ vẫn là “căn bệnh” cản trở thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trong bối cảnh này, làm cách nào để hỗ trợ doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng khó khăn?

Điều kiện tiên quyết là làm sao đơn giản hóa thủ tục giấy tờ, pháp lý. Bên cạnh đó là vấn đề giải quyết vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năm qua, tôi đã đề nghị xem lại quỹ bảo lãnh tín dụng. Chính phủ đã có Nghị định 34 của quỹ bảo lãnh tín dụng ban hành năm 2018, nhưng quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương khá “èo uột”, cần phải tổ chức quỹ bảo lãnh tín dụng trung ương với quy mô lớn. Tất cả các quy trình bảo lãnh tín dụng cần được cải thiện và các quỹ này sẽ phải bảo lãnh các ngân hàng cho doanh nghiệp vay. Ngân hàng là người nhận bảo lãnh, sẽ mạnh dạn hơn trong việc cho vay.

Vấn đề “ế” vốn của ngân hàng hiện tại không phải chỉ vì sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu, mà còn vì các cá nhân, doanh nghiệp không có nhu cầu đi vay.

Thêm vào đó, một số doanh nghiệp có nhu cầu vay, nhưng lại không đủ điều kiện để vay vốn, chẳng hạn như không có tài sản bảo đảm hoặc là không đáp ứng được điều kiện vay theo quy định của NHNN.

Để giải quyết vấn đề này, chỉ có một cách là quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia. Đây cũng là điều năm nay Chính phủ cần phải quan tâm.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm có tăng trưởng. Ông đánh giá triển vọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong năm nay thế nào? 

Trong 2 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài tăng đáng kể, có thể là từ kết quả của tình hình về kinh tế và chính trị cải thiện, từ đó các nước quan tâm Việt Nam nhiều hơn. Lượng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhiều là một dấu hiệu tốt.

Thế nhưng, khi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam, mình có “giữ chân” được họ hay không là điều hết sức quan trọng.

Muốn giữ chân họ, cần phải có chính sách của Chính phủ, từ các thủ tục hành chính liên quan đến vấn đề đầu tư FDI tại Việt Nam, đến cấp giấy phép nhanh chóng, xây dựng nhà xưởng làm sao thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài hoạt động để cung cấp sản phẩm, dịch vụ phân phối tại thị trường Việt Nam cũng như xuất khẩu.

Trong năm nay, lĩnh vực nào sẽ có khả năng thu hút vốn FDI nhiều nhất?

Cũng như các năm trước, lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao sẽ thu hút được các doanh nghiệp FDI. Những công ty sản xuất sản phẩm điện tử bán ra nước ngoài, đặc biệt là sản phẩm điện tử tiêu dùng như điện thoại, máy tính…

Một cánh  cửa khác là môi trường xanh, có thể trong năm nay Việt Nam sẽ đón nhận dòng vốn đầu tư về cải thiện môi trường.

Xin cảm ơn ông.

Cát Lam

Thiết kế: Tuấn Trần

FILI

Các tin tức khác

>   Sáng nay, Bộ trưởng Tài chính sẽ trả lời chất vấn về kinh doanh bảo hiểm, xổ số (18/03/2024)

>   Hàng tỉ USD kiều hối đã đổ vào bất động sản (15/03/2024)

>   TP HCM thông qua nhiều quyết sách quan trọng (15/03/2024)

>   NHNN đã hút gần 60,000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu sau 4 phiên liên tiếp (14/03/2024)

>   Thủ tướng đề nghị ADB hỗ trợ trong các dự án 'xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái' (14/03/2024)

>   Trang Asianinsiders: Nền kinh tế Việt Nam đang chuyển biến mạnh mẽ (13/03/2024)

>   NHNN hút bớt 45,000 tỷ đồng, tỷ giá USD tại ngân hàng bắt đầu hạ nhiệt (13/03/2024)

>   Giới phân tích: Mỹ nên sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường (13/03/2024)

>   Ngày 12/03, NHNN hút thêm 15 ngàn tỷ đồng qua kênh tín phiếu (12/03/2024)

>   NHNN hút gần 15 ngàn tỷ đồng qua kênh tín phiếu sau hơn 4 tháng tạm dừng (11/03/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật