PVN sẽ huy động hơn 250 ngàn tỷ từ tín dụng
Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐQT) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam, PVN), cho biết cơ cấu nợ vay của PVN đến nay khoảng 240 ngàn tỷ đồng, và sắp tới sẽ huy động hơn 250 ngàn tỷ đồng từ tín dụng, theo kế hoạch đặt ra trong giai đoạn 2021-2025.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 diễn ra ngày 14/03, Chủ tịch PVN cho rằng việc điều hành chính sách tiền tệ giữ vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong điều kiện tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam là một trong những nơi cao nhất thế giới.
Ông tiết lộ về cơ cấu tài sản và cơ cấu nợ tại PVN, đặc biệt là tín dụng, tính đến nay khoảng 240,000 tỷ đồng.
Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV PVN, cho rằng chính sách tiền tệ hợp lý và tối ưu sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư. Ảnh VGP/Nhật Bắc
|
“Nếu tăng 1% lãi suất thì chi phí vốn của PVN sẽ tăng lên khoảng 2.4 ngàn tỷ đồng/năm. Chính vì thế, việc cơ cấu lại vốn, tài chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong các dự án đầu tư của PVN là rất quan trọng, giúp cho các dự án đầu tư và toàn Tập đoàn giảm được chi phí sử dụng vốn bình quân trong từng dự án, giống như ở dự án đầu tư Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn mà Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo trong việc tái cấu trúc vốn vay của các tổ chức tín dụng và các ngân hàng trên thế giới” - theo ông Lê Mạnh Hùng.
Hiện nay, PVN đang trong quá trình đàm phán với các ngân hàng để tái cấu trúc các khoản vay này bằng các khoản vay mới có chi phí vốn sử dụng bình quân thấp hơn, giúp tối ưu chi phí sản xuất kinh doanh, nhằm vượt qua khó khăn.
“Đây cũng là một trong những bài học mà Tập đoàn Hóa chất, Vinatex đã nêu trong bối cảnh khó khăn. Trong điều kiện thị trường khó khăn, khi các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, chúng ta cần áp dụng các mô hình như mô hình lợi nhuận trước lãi vay và khấu hao để cân đối, tính toán việc sản xuất kinh doanh và tối ưu các chi phí, trong đó có chi phí tài chính, thông qua việc tái cấu trúc các nguồn vốn sử dụng cho doanh nghiệp” - ông Hùng nhận định.
Cũng theo ông, trong thời gian tới, theo kế hoạch 2021-2025, PVN có kế hoạch huy động khoảng 250.3 ngàn tỷ đồng từ tín dụng cho đầu tư phát triển.
“Với ảnh hưởng độ nhạy của lãi suất lên chi phí sử dụng vốn của PVN, chúng tôi rất mong Chính phủ, NHNN tiếp tục giữ chính sách về lãi suất tối ưu và ổn định, để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của Tập đoàn và các doanh nghiệp nói chung”.
Về các khoản vay ngoại tệ, ông Hùng cho biết dư nợ vay ngoại tệ của PVN là 38 ngàn tỷ đồng (1.5 tỷ USD). Ông nhận định các biến động và rủi ro tỷ giá ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, đặc biệt trong quản trị rủi ro.
“Rất mừng là thời gian qua, NHNN đã điều hành tỷ giá ổn định, giúp doanh nghiệp giảm thiểu ảnh hưởng của biến động tỷ giá. Chúng tôi rất mong thời gian tới, NHNN sẽ có các giải pháp để giữ cho tỷ giá ổn định”.
Về chính sách cho vay, các dự án của PVN có quy mô đầu tư và khối lượng vay rất lớn, như dự án nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn lên đến gần 5 tỷ USD. “Nếu có chính sách cho vay và hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng trong nước, đặc biệt là 4 ngân hàng thương mại Nhà nước lớn, như hiện nay thì năng lực sẽ cải thiện rất nhiều so với trước đây”, ông Hùng nhận định. Ngoài ra, ông cho rằng nếu Chính phủ và NHNN có chính sách hỗ trợ các ngân hàng, đặc biệt xem xét áp dụng cho từng trường hợp, với các tập đoàn, dự án lớn, nâng trần hạn mức cho vay thì có thể hỗ trợ các tổ chức này tiếp cận và sử dụng nguồn tín dụng trong nước.
PVN cho rằng với chính sách tiền tệ hợp lý và tối ưu sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy các chỉ tiêu, bao gồm sản xuất kinh doanh và đầu tư, nhất là với các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn từ thị trường tín dụng như Petro Việt Nam.
“Thời gian tới, PVN mong muốn NHNN sẽ tiếp tục có chính sách tiền tệ, tín dụng ổn định như thời gian qua để hỗ trợ, phát triển đầu tư với mục tiêu tăng trưởng từ 3-6.5 %/năm như Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo”.
Châu An
FILI
|