Nhiều đại gia Thái Lan tiến vào thị trường bất động sản Việt Nam
Làn sóng thâm nhập thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp Thái Lan bắt đầu từ hơn 1 thập niên trước, với nhiều vụ đầu tư đình đám; đặc biệt, là thị trường bất động sản chứng kiến sự gia nhập không ít của đại gia Thái.
Trong hơn 1 thập niên qua, Việt Nam luôn được xem là thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ bởi chi phí lao động rẻ mà việc tích hợp chuỗi cung ứng đơn giản, tiếp cận thương mại tự do tốt và ổn định về chính trị.
Cùng với dân số đạt hơn 100 triệu người, cho thấy mức độ tiêu dùng và lực lượng lao động dồi dào, Việt Nam có nhiều sức hút hơn với nhà đầu tư ngoại, trong đó không thể thiếu các ông lớn bất động sản từ xứ sở chùa vàng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 36.6 tỷ USD, tăng 32.1% so với cùng kỳ.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 4.67 tỷ USD, chiếm hơn 12.7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4.8% so với cùng kỳ.
Năm 2023, đã có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam; trong đó, Thái Lan đứng thứ 9/111 (gần 1 tỷ USD) với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 14 tỷ USD.
Cơ cấu đầu tư nước ngoài năm 2023 theo đối tác
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
|
Mới đây, vào đầu tháng 2/2024, ông trùm bất động sản bán lẻ Central Pattana - một thành viên của Central Group (tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan) rục rịch thành lập pháp nhân tại Việt Nam với tên gọi Công ty TNHH CPN Global Việt Nam.
Công ty mới này hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn, quản lý bất động sản, vốn điều lệ 20 tỷ đồng, do CPN Global Company Limited (trụ sở tại Thái Lan) sở hữu. Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của công ty tại Việt Nam là ông Pandit Mongkolkul. Trụ sở doanh nghiệp cùng với trụ sở của Central Retail tại Việt Nam là tòa nhà Satra, 163 Phan Đăng Lưu, phường 1, quận Phú Nhuận, TPHCM.
Central Pattana thành lập năm 1980, với số vốn đăng ký ban đầu là 300 triệu Baht (khoảng 8.3 triệu USD). Năm 1982, Central Pattana khai trương Central Ladprao, trung tâm mua sắm tích hợp đầy đủ đầu tiên ở Thái Lan. Central Pattana niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET) vào năm 1995 với mã CPN, vốn đăng ký ban đầu là 1 tỷ Baht (gần 28 triệu USD).
Nguồn: Central Pattana
|
Central Pattana được biết là Tập đoàn phát triển bất động sản bán lẻ lớn nhất Thái Lan và đang sở hữu, quản lý gần 40 trung tâm thương mại cao cấp, 10 tòa nhà văn phòng, 5 khách sạn và gần 30 chung cư.
Tại ngày 30/9/2023, Central Pattana có tổng tài sản hơn 279.2 tỷ Bath (7.8 tỷ USD), gồm nợ hơn 182.5 tỷ Bath (5 tỷ USD) và vốn chủ sở hữu 96.7 tỷ Bath (2.7 tỷ USD). Central Holding Co., Ltd hiện là cổ đông lớn nhất tại Central Pattana, nắm giữ hơn 1.17 tỷ cp, tỷ lệ 26.21%.
9 tháng đầu năm 2023, Pattana lãi ròng hơn 11 tỷ Bath (tương đương 306 triệu USD), tăng 40% so với cùng kỳ.
* Ông trùm bất động sản bán lẻ Central Pattana của Thái Lan bước chân vào Việt Nam
Còn Central Group đầu tư vào Việt Nam thông qua công ty con là Central Retail (bắt đầu kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam từ năm 2011). Hoạt động của Central Retail bao gồm 4 phân khúc: thực phẩm, thời trang, điện tử - gia dụng và bất động sản.
Với lĩnh vực bất động sản bán lẻ, Central Retail đang quản lý các đơn vị bán lẻ tại Việt Nam như siêu thị GO! (Big C cũ), trung tâm mua sắm Điện máy Nguyễn Kim, siêu thị Lan Chi, Tops Market.
Thương hiệu Central Retail đang quản lý
Nguồn: Central Retail
|
Ông trùm bất động sản khu công nghiệp Amata
Amata Corporation PCL (Tập đoàn Amata) thành lập vào năm 1989 (trụ sở chính tại Thái Lan), là một trong những tập đoàn hàng đầu về phát triển khu công nghiệp, có nhiều khu công nghiệp ở Việt Nam. Tập đoàn hiện do ông Vikrom Kromadit giữ chức Chủ tịch.
Ông Vikrom Kromadit - Chủ tịch Tập đoàn Amata
|
Trong cơ cấu cổ đông của Amata tại ngày 28/5/2023, ông Vikrom Kromadit là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 26.23% và Thai NVDR sở hữu 8.65%.
Nguồn: Amata
|
Tại Việt Nam, CTCP Đại chúng Amata VN (Amata VN) thành lập năm 2012, kinh doanh phát triển và vận hành khu công nghiệp, thương mại và dân cư tại Việt Nam. Tiến sĩ Apichart Chinwanno giữ chức Chủ tịch công ty.
Cơ cấu cổ đông lớn của Amata VN tính đến tháng 5/2023 gồm Tập đoàn Amata sở hữu 36.64%, Amata Asia Limited nắm 36.21% và ông Vikrom Kromadit 5.23%.
Amata VN phát triển quỹ đất 3 ngàn héc-ta, hiện sở hữu 7 dự án khu công nghiệp và khu đô thị, 7 công ty con và 1 dự án liên doanh, gồm: CTCP Đô thị Amata Biên Hòa (ACBH) - trước đây là CTCP Amata (Việt Nam) do Amata VN sở hữu 89.99% vốn, CTCP Đô thị Amata Long Thành (ACLT) do ACBH và Amata VN sở hữu lần lượt 65% và 35% vốn, Công ty TNHH Đô thị Dịch vụ Long Thành 1 (ASCLT 1), Công ty TNHH Đô thị Dịch vụ Long Thành 2 (ASCLT 2) với 51% vốn sở hữu của ACLT, CTCP Thành phố Amata Long Thành (ATLT) là liên doanh giữa ACBH và Amata VN với tỷ lệ 66% và 34% vốn góp, CTCP Đô thị Amata Hạ Long (ACHL) với 99.99% vốn Amata VN góp, dự án liên doanh khu công nghiệp Quảng Trị cùng với 2 đối tác là VSIP và Sumitomo.
Các dự án tiêu biểu của Amata VN như khu công nghiệp Amata Biên Hòa, Đồng Nai thành lập năm 1994 (diện tích 513ha), Amata Long Thành (410ha), Amata Hạ Long (714ha), khu công nghiệp Quảng Trị (481ha) …
Nguồn: Amata VN
|
Tổng tài sản của Amata VN tại ngày 30/9/2023 là hơn 13.8 tỷ Bath (khoảng 385 triệu USD), tăng 11% so với đầu năm; trong đó, tổng nợ hơn 7.6 tỷ Bath (212 triệu USD) và vốn chủ sở hữu 6.2 tỷ Bath (gần 173 triệu USD). 9 tháng đầu năm 2023, Amata VN lãi ròng gần 102 triệu Bath (2.8 triệu USD), giảm 80% so với cùng kỳ.
Doanh nhân Thái chi “khủng” nhất vào Việt Nam
Ông Charoen Sirivadhanabhakdi là người sáng lập Tập đoàn Thai Charoen Corporation Group (TCC Group) năm 1960 - một trong những Tập đoàn đa ngành hàng đầu của Thái Lan. Hiện TCC Group đang có hàng chục khoản đầu tư lớn nhỏ tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như phân phối, bán lẻ, bao bì, đồ uống và tất nhiên không thể thiếu lĩnh vực bất động sản.
Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi và vợ
|
Những thương hiệu nổi tiếng mà ông sở hữu hoặc liên kết với TCC Group như Fraser and Neave Ltd (F&N) ở mảng thức ăn và đồ uống, Thai Beverage PLC (đồ uống), Berli Jucker PLC (thương mại, bao bì), còn lĩnh vực bất động sản có TCC Land và Fraser Centrepoint Limited (FCL).
Mảng này, TCC Group sở hữu các dự án thương mại như khách sạn Melia Hà Nội (TCC Land nắm 65%) và cao ốc văn phòng Mê Linh Point Tower (FCL nắm 75%) ở trung tâm quận 1, TP.HCM. Tổng giá trị của 2 khoản đầu tư này khoảng 100 triệu USD.
Frasers Centrepoint Limited (FCL) hiện nay là Frasers Property Limited (FPL) - doanh nghiệp do ông Charoen sở hữu tới 86.89% thông qua TCC Assets Limited 58.1% và InterBev Investment Limited (IIL) sở hữu 28.78%.
|
Năm 2016, thông qua Công ty FCL, ông Charoen đã mua lại 70% cổ phần của CTCP Phát triển nhà G Homes - công ty thành viên của CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (HOSE: HAR). Đây là đơn vị được TP.HCM cho phép đầu tư dự án khu nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ và văn phòng Thảo Điền với tổng vốn đầu tư hơn 1,000 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2016, vị tỷ phú chi hơn 700 triệu USD để mua lại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam (nay đổi tên thành MM Mega Market) thông qua TCC Land. Bản thân Metro Việt Nam cũng nắm giữ nhiều bất động sản có giá trị.
Trước thương vụ này, thông qua Berli Jucker PLC (BJC) - công ty thuộc TCC Group, ông đã mua lại 65% cổ phần của Phú Thái Group từ năm 2013. Không chỉ chuyên về phân phối, BJC và Phú Thái hiện còn sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi B’s Mart (trước đó là Family Mart).
Trong lĩnh vực bao bì, BJC đầu tư khoảng 60 triệu USD vào một loạt công ty chuyên sản xuất lon nhôm và chai thủy tinh phục vụ cho ngành đồ uống như BJC Glass Vietnam, Malaya Vietnam Glass, TBC-Ball Vietnam…
Vào cuối năm 2017, Thai Beverage - thuộc TTC Group thâu tóm Sabeco (SAB), thông qua Công ty TNHH Vietnam Beverage (công ty con 100% vốn của Thai Beverage) với tỷ lệ gần 53.6% vốn điều lệ. Giá trị của thương vụ lên tới gần 110 ngàn tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD).
Ngoài ra, thông qua Tập đoàn F&N (Singapore) - ông Charoen nắm hơn 87%, đại gia này đang sở hữu gián tiếp hơn 15% vốn tại Vinamilk (VNM).
Với các khoảng đầu tư trên, ước tính doanh nghiệp của tỷ phú Charoen đã rót vào Việt Nam không dưới 7 tỷ USD.
Theo thống kê của Forbes, tính đến 28/2/2024, tổng tài sản của ông Charoen Sirivadhanabhakdi là gần 11 tỷ USD. Năm 2018, tài sản của doanh nhân này (sau khi thâu tóm Sabeco) lên tới 18 tỷ USD.
Hệ sinh thái TTC Group đang hoạt động tại Việt Nam
Nguồn: VietstockFinance
|
Thanh Tú
FILI
|