Thứ Năm, 29/02/2024 11:02

Giá đất ở đô thị tại 3 thành phố của Bình Dương 10 năm qua tăng bao nhiêu?

Giá đất ở đô thị tại 3 thành phố của Bình Dương 10 năm qua tăng bao nhiêu?

Thống kê “đơn giá đất chuẩn” do UBND tỉnh Bình Dương công bố hàng năm cho thấy, trong 3 thành phố của tỉnh Bình Dương, Thủ Dầu Một là nơi có giá đất cao nhất, Thuận An và Dĩ An có giá đất Nhà nước ban hành ngang nhau.

Ghi nhận “giá đất ở đô thị” theo Nhà nước trong 10 năm qua ở 3 thành phố nêu trên cho thấy, giá đã tăng từ 60 - 526%, tùy vào loại đất và vị trí.

Xét trung bình, đất ở đô thị Thủ Dầu Một 10 năm qua tăng khoảng 180%, ở Thuận An và Dĩ An tăng 223%.

Chia nhỏ từng giai đoạn thì giá đất thường được giữ nguyên qua các năm, chỉ khi có sự thay đổi phân loại đô thị thì bảng giá đất mới được cập nhật và hầu hết tăng 2 đến 3 con số sau đó.

Đơn cử năm 2014, bảng giá đất Nhà nước không đổi so với năm trước đó, Thủ Dầu Một lúc này vẫn áp dụng giá đất theo đô thị loại III. Tháng 7/2014, Thủ Dầu Một được nâng lên thành đô thị loại II thì đến năm 2015 mới áp dụng bảng giá đất theo cấp đô thị mới, các khu vực ở đây tăng ít nhất là 5%, nơi nhiều nhất là 56%.

2 thành phố còn lại đi theo sự tăng giá của Thủ Dầu Một, dù vẫn giữ nguyên là đô thị loại VI trong năm 2015. Tuy nhiên mức tăng tại 2 nơi này lại nhiều hơn, dao động từ 10 - 64%.

Giá đất sau đó được giữ nguyên trong giai đoạn 2016 - 2018. Đến năm 2019 lại tăng mạnh 3 con số ở cả 3 thành phố khi đều được nâng loại đô thị lên cấp mới.

Theo công bố của Nhà nước, đất ở đô thị tại Bình Dương được chia thành 5 loại đường phố (Loại 1, 2, 3, 4, 5) với 4 vị trí (1, 2, 3, 4). Trong đó:

Vị trí 1: Thửa đất tiếp giáp với đường và cách hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) trong phạm vi 50m.

Vị trí 2: Thửa đất không tiếp giáp với đường và cách HLATĐB 150m hoặc cách HLATĐB từ trên 50m đến 150m.

Vị trí 3: Thửa đất không tiếp giáp với đường và cách HLATĐB 300m hoặc cách HLATĐB từ trên 150m đến 300m.

Vị trí 4: Thửa đất không tiếp giáp với đường và cách HLATĐB trên 300m.

Đơn giá đất ở đô thị được tính theo công thức:

Đơn giá đất = Đơn giá chuẩn theo khu vực hoặc loại đường phố, vị trí (X) Hệ số (Đ).

Bảng giá khảo sát đề cập trong bài là “đơn giá chuẩn theo khu vực hoặc loại đường phố, vị trí” do UBND tỉnh công bố. Hệ số (Đ) được xác định theo từng tuyến đường quy định tại các phụ lục do UBND tỉnh ban hành.

Giá đất ở đô thị tại Thủ Dầu Một

Năm 2007, Thủ Dầu Một được công nhận là đô thị loại III. TP. Thủ Dầu Một được thành lập theo Nghị quyết của Chính phủ vào năm 2012 trên cơ sở toàn bộ diện tích, dân số và đơn vị hành chính thuộc thị xã Thủ Dầu Một, với 118.9 km2.

Tháng 7/2014, Thủ Dầu Một được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II.

Tháng 12/2017, Thủ Dầu Một được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bình Dương, trở thành 1 trong 7 thành phố thuộc tỉnh không có xã trực thuộc.

Đô thị này tập trung các khu công nghiệp trọng điểm của Bình Dương như  Sóng Thần 3, Phú Tân, Kim Huy, Đại Đăng, VSIP 2, Đồng An 2, Mapletree Bình Dương… với tổng diện tích 2,773ha, chiếm 25% tổng diện tích các khu công nghiệp đang khai thác trên địa bàn tỉnh. Các khu công nghiệp đã thu hút hàng ngàn doanh nghiệp trong và ngoài nước với nhiều ngành nghề, tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng; nhiều khu đô thị, khu dân cư lớn được hình thành.

Một góc TP. Thủ Dầu Một, cũng là trung tâm hành chính của tỉnh Bình Dương

Bảng đơn giá đất ở đô thị Thủ Dầu Một do UBND tỉnh Bình Dương công bố. (Đvt: 1,000 đồng/m2)

Nguồn: Tổng hợp

Tại Thủ Dầu Một, đất ở đô thị loại 1 vị trí 1 có giá cao nhất, vì đây là đất ngay mặt tiền các đường lớn, mật độ giao thông cao. Năm 2013, giá đất này ở mức 23.4 triệu đồng/m2 và đến 2023 (vẫn đang được áp dụng theo bảng giá 2020 - 2024) là 37.8 triệu đồng/m2, tăng 62%.

Xét về mức tăng 10 năm qua thì đất loại 4, vị trí 3, tăng nhiều nhất - từ 1.25 triệu đồng lên 7.82 triệu đồng/m2, tương ứng tăng 526%.

Còn bình quân thành phố, đất đô thị 10 năm qua tăng 180%.

Theo giá Nhà nước công bố, có thể thấy độ trễ của việc thay đổi khi Thủ Dầu Một được nâng cấp đô thị từ loại III lên II và lên I. Trên thực tế, giá đất thị trường cực kỳ nhạy bén với các thông tin mở đường, nâng cấp đô thị, do đó giá sẽ “chạy” rất nhanh khi nắm bắt được các thông tin này, dù mới chỉ là định hướng hay kế hoạch, mục tiêu địa phương, trung ương đề ra. Trong khi đó, giá đất Nhà nước ban hành thường chỉ thay đổi sau khi đô thị đã chính thức được công nhận, tính ra có thể trễ đến 3 - 5 năm so với diễn biến thực tế.

Độ trễ việc thay đổi giá đất và việc nâng cấp đô thị của Thủ Dầu Một

Nguồn: Tổng hợp

Giá đất ở đô thị tại Thuận An

TP. Thuận An có diện tích tự nhiên 83.7 km2, nằm ở phía Nam tỉnh Bình Dương. Năm 2011, huyện Thuận An được nâng lên thành thị xã.

Tháng 3/2017, thị xã Thuận An được công nhận là đô thị loại III.

Tháng 2/2020, thị xã Thuận An được nâng cấp lên thành phố theo Nghị quyết của Quốc hội.

Tháng 2/2021, theo Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP. Thuận An được dự kiến phân loại là đô thị loại II trong giai đoạn 2021 - 2025.

Một góc thành phố Thuận An

Bảng đơn giá đất ở đô thị Thuận An do UBND tỉnh Bình Dương công bố. (Đvt: 1,000 đồng/m2)

Nguồn: Tổng hợp

Tương tự Thủ Dầu Một, đất ở đô thị loại 1 vị trí 1 của Thuận An có giá cao nhất. Năm 2013, loại đất này có giá 9.6 triệu đồng/m2 (bằng 40% giá cùng loại ở Thủ Dầu Một). Đến 2023, giá tăng gấp đôi, lên 19.2 triệu đồng (bằng một nửa giá ở Thủ Dầu Một).

Hầu hết loại đất ở Thuận An đều tăng trong 10 năm qua, bình quân là 223%. Trong đó, tăng nhiều nhất là đất loại 2, vị trí 4, tăng từ 920 ngàn đồng/m2 lên 4.62 triệu đồng/m2, tăng hơn 400%.

Theo giá đất Nhà nước công bố tại Thuận An, giai đoạn 2014 - 2015, đi cùng với việc nâng cấp đô thị của “hàng xóm” Thủ Dầu Một thì đất tại đây cũng được điều chỉnh theo. Tuy nhiên giá đất từ 2015 lại được áp dụng đến hết 2018, trong khi giữa giai đoạn này, vào năm 2017, Thuận An nâng từ đô thị loại VI lên loại III.

Năm 2021, trong Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thuận An được dự kiến phân loại là đô thị loại II trong giai đoạn 2021 - 2025. Hiện tại giá đất Nhà nước vẫn duy trì theo bảng giá từ 2020.

Độ trễ việc thay đổi giá đất và việc thay đổi cấp đô thị của Thuận An

Nguồn: Tổng hợp

Giá đất ở đô thị tại Dĩ An

TP. Dĩ An có diện tích hơn 60 km2, được xem là thành phố trực thuộc tỉnh có mật độ dân số cao nhất Việt Nam tại khu vực Đông Nam bộ - khoảng 8,326 người/km2. (vào đầu năm 2023). Trong phát triển kinh tế, công nghiệp là ngành đóng góp phần lớn vào ngân sách hàng năm của TP. Dĩ An.

Tháng 11/2010, huyện Dĩ An được công nhận là đô thị loại VI.

Tháng 1/2011, thị xã Dĩ An được thành lập trên cơ sở huyện Dĩ An.

Tháng 3/2017, thị xã Dĩ An được công nhận là đô thị loại III thuộc tỉnh Bình Dương.

Tháng 1/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập TP. Dĩ An thuộc tỉnh Bình Dương.

Tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận TP. Dĩ An là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bình Dương. Sau khi được công nhận là đô thị loại II, Dĩ An đặt mục tiêu cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025.

Một góc TP. Dĩ An

Bảng đơn giá đất ở đô thị Dĩ An do UBND tỉnh Bình Dương công bố. (Đvt: 1,000 đồng/m2)

Nguồn: Tổng hợp

Mặt bằng giá đất ở đô thị tại Dĩ An cũng được công bố tương tự so với Thuận An. Về mặt phát triển đô thị, Dĩ An có diện tích nhỏ hơn, thời gian nâng hạng đô thị từ thị xã lên thành phố loại III cũng tương tự so với Thuận An. Tuy nhiên sau đó, Dĩ An lên thành đô thị loại II sớm hơn - vào tháng 3/2023. Dù vậy, giá đất tại đây vẫn đang được áp dụng giống như Thuận An.

Độ trễ việc thay đổi giá đất và việc thay đổi cấp đô thị của Dĩ An

Nguồn: Tổng hợp

Ngày 2/2 mới đây, UBND tỉnh Bình Dương công bố lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung về Nghị quyết bảng giá các loại đất giai đoạn 2020 - 2024 để trình HĐND tỉnh xem xét thông qua.

Dự thảo Nghị quyết cơ bản vẫn giữ như cấu trúc theo bảng giá các loại đất giai đoạn 2020 - 2024 trên địa bàn tỉnh để áp dụng từ ngày 1/4/2024.

Trong đó, dự thảo điều chỉnh giá các loại đất phi nông nghiệp tại đô thị thuộc TP. Thủ Dầu Một và TP. Dĩ An bằng mức giá tối đa khung giá do Chính phủ quy định tại Nghị định 96/2019/NĐ-CP. Mức giá đất điều chỉnh tăng bình quân 73% đối với TP. Thủ Dầu Một và tăng bình quân 125% đối với TP. Dĩ An so với mức giá hiện hành (tương ứng bằng bình quân 45% so với giá phổ biến trên thị trường).

Thu Minh

FILI

Các tin tức khác

>   Bất động sản năm 2024: Doanh nghiệp cần tăng nguồn cung, giảm giá bán (22/02/2024)

>   Tây Ninh đặt mục tiêu phát triển hơn 3 ngàn căn nhà ở xã hội trong năm 2024 (24/02/2024)

>   Luật khơi thông, loạt tỉnh vào cuộc: Kỳ vọng giải 'cơn khát' nhà ở xã hội (21/02/2024)

>   Vũng Tàu công bố 14 dự án nhà ở chậm tiến độ (21/02/2024)

>   Ông trùm bất động sản bán lẻ Central Pattana của Thái Lan bước chân vào Việt Nam (20/02/2024)

>   Bộ Xây dựng: Năm 2024 cả nước sẽ hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội (20/02/2024)

>   Dòng vốn FDI là điểm tựa cho phân khúc bất động sản thương mại tại Hà Nội (21/02/2024)

>   Vì sao giá căn hộ Hà Nội tăng liên tục 20 quý? (20/02/2024)

>   Bắc Giang sắp đấu giá hơn 200 lô đất, khởi điểm từ 550 triệu đồng (17/02/2024)

>   Từ 2025, không còn cấp đất cho hộ gia đình, những hộ đã cấp xử lý ra sao? (17/02/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật