Ngân hàng Nhật Bản cần điều chỉnh chính sách nới lỏng tiền tệ sau nhiều năm duy trì
Quan chức của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã đưa ra các giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu lạm phát 2% như chấm dứt chính sách lãi suất âm và chương trình kiểm soát lợi suất trái phiếu.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
|
Mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) "cuối cùng đã trong tầm với" và ngân hàng cần điều chỉnh sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ duy trì nhiều năm để đạt mục tiêu này.
Ông Hajime Takata, thành viên Ban Chính sách gồm 9 người của BoJ, đã đưa ra nhận định trên trong cuộc họp với lãnh đạo các doanh nghiệp diễn ra ngày 1/3 tại tỉnh Shiga nước này.
Tại cuộc họp này, ông Takata đưa ra các giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu lạm phát 2% như chấm dứt chính sách lãi suất âm và chương trình kiểm soát lợi suất trái phiếu. Đây là tín hiệu mới nhất cho thấy BoJ đang dần rời xa chính sách nới lỏng tiền tệ. Thị trường kỳ vọng BoJ chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tháng Ba hoặc tháng Tư.
BoJ duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và hiện cho phép lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng trên 1%. Trong những tháng gần đây, ngân hàng đã dần nới lỏng kiểm soát đối với lãi suất dài hạn, vốn từ lâu được giữ ở mức thấp nhất trong khuôn khổ đường cong lợi suất.
Ngay sau tuyên bố của ông Takata, đồng yen tăng so với đồng USD. Kết quả của các cuộc đàm phán tiền lương hàng năm giữa liên đoàn lao động và ban quản lý đang trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý, trong bối cảnh BoJ coi tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ là yếu tố quan trọng để đạt được lạm phát ổn định. Các cuộc đàm phán sẽ "nóng" lên vào tháng 3 và cuộc họp chính sách của BoJ dự kiến diễn ra vào ngày 18 và 19/3.
Nhật Bản đặt mục tiêu đạt lạm phát 2% do rơi vào giảm phát trong nhiều năm. Chính vì lý do này, Nhật Bản đã thực hiện chính sách tiền tệ siêu lỏng nhiều năm qua, đi ngược với chính sách tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát như nhiều nước thế giới trong 2 năm qua.
Thống đốc BoJ nhận định chỉ số giá tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, kinh tế Nhật Bản không còn trong tình trạng giảm phát mà là tình trạng lạm phát.
Ông dự báo các doanh nghiệp trong nước sẽ chủ động tăng lương cho nhân viên trong cuộc đàm phán tăng lương vào mùa Xuân năm nay khi thị trường đang thiếu lao động. Do đó, chu kỳ tăng lương và lạm phát bền vững có thể được tạo ra và sẽ trở thành động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
Dữ liệu chính phủ công bố ngày 27/2 cho thấy rằng lạm phát lõi của Nhật Bản đã giảm xuống còn 2% trong tháng 1/2024, mức thấp nhất trong 22 tháng. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp lạm phát cơ bản của Nhật Bản giảm, phù hợp với mục tiêu ổn định giá cả của BoJ.
Theo dữ liệu công bố của Bộ Nội vụ và Truyền thông, chỉ số giá tiêu dùng lõi, không bao gồm thực phẩm tươi sống, tăng 2% so với một năm trước đó, giảm so với mức tăng 2,3% trong tháng 12.
Các nhà phân tích cho biết kết quả này có thể sẽ tiếp tục duy trì kỳ vọng của thị trường rằng BoJ sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm áp dụng từ tháng 1/2016 sớm nhất là vào tháng 3 hoặc tháng 4/2024, sau khi xác nhận rằng động lực tăng lương vẫn còn. Khoảng 90% các nhà kinh tế được khảo sát bởi QUICK, một chi nhánh của Nikkei, dự báo sẽ có sự thay đổi chính sách vào tháng 3 hoặc tháng 4/2024.
Nhu cầu trong nước yếu, một phần xuất phát từ giá cả tăng trong khi tiền lương vẫn trì trệ, đã góp phần khiến nền kinh tế suy giảm quý thứ hai liên tiếp trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12/2023. Tuy nhiên, chỉ số Nikkei Stock Average đang đạt mức cao kỷ lục, điều này có thể tạo động lực mới cho BoJ chấm dứt chính sách lãi suất âm.
Phí khách sạn tăng 26,9% trong tháng 1, giảm từ mức tăng 59% trong tháng 12/2023. Trong khi đó, hóa đơn tiền điện giảm 21% và giá năng lượng nói chung giảm 12,1%.
Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông, lạm phát toàn phần tăng 2,2% trong khi chỉ số CPI cốt lõi không bao gồm thực phẩm tươi sống và năng lượng, được coi là phản ánh xu hướng giá cơ bản, đã tăng 3,5% trong tháng trước so với một năm trước đó.
Ông Saisuke Sakai, chuyên gia kinh tế cấp cao tại công ty nghiên cứu Mizuho Research & Technologies Ltd, cho biết: “Lạm phát đã chậm lại do tác động suy yếu của chi phí nhập khẩu nhưng CPI cơ bản dự kiến sẽ vẫn ở mức trên 2% trong năm nay."
Lực cản lớn đối với CPI là giá năng lượng giảm 12,1% do chính phủ đang giảm hóa đơn tiện ích cho các hộ gia đình bằng trợ cấp cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu.
Ông cho biết BoJ dự kiến sẽ chấm dứt lãi suất âm sau khi có khả năng đạt được mục tiêu 2%, nhưng việc tăng lãi suất tiếp theo sẽ không được thực hiện trừ khi tiêu dùng tư nhân tăng lên, được hỗ trợ bởi tăng trưởng tiền lương thực tế.
Ông Kanako Nakamura, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Daiwa, cho biết lạm phát chậm lại phần lớn là do "các nguyên nhân cụ thể" chứ không phản ánh xu hướng "cơ bản."
Theo ông, việc giảm phí khách sạn trái ngược với "mức tăng vào tháng 1 năm ngoái, bị ảnh hưởng bởi việc giảm tỷ lệ chiết khấu do trợ cấp du lịch của chính phủ" và "sự sụt giảm tạm thời về lượng du khách đến Nhật Bản sau trận động đất ở Noto trong ngày đầu năm mới."
Ông cho rằng giá năng lượng giảm là do mức giá năm ngoái ở mức cao, đồng thời cho biết thêm rằng giá năng lượng sẽ tạm thời tăng vào tháng tới khi trợ cấp điện và năng lượng được thực hiện.
Tiền lương thực tế, có tính đến lạm phát, đã giảm 2,1% so với một năm trước đó, đánh dấu mức giảm hàng tháng thứ 21 liên tiếp.
Các nhà kinh tế đang theo dõi diễn biến giá trong lĩnh vực dịch vụ để xem liệu chúng có phản ánh chi phí lao động tăng trong điều kiện thị trường lao động thắt chặt hay không.
Trước đó, kinh tế Nhật Bản đã rơi vào suy thoái trong quý 4/2023, sau hai quý giảm liên tiếp, do xuất khẩu mạnh không bù đắp được sự suy yếu của nhu cầu trong nước.
Các nhà kinh tế Nhật Bản đang theo dõi sát sao nhu cầu bên ngoài trong quý I/2024, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay./.
Minh Trang
Vietnamplus
|