Dầu tăng tháng thứ 2 liên tiếp
Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng tháng thứ 2 liên tiếp, khi OPEC+ được kỳ vọng sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng và dữ liệu lạm phát mới nhất trùng khớp với dự báo.
Giá dầu phần lớn ổn định sau khi báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho biết lạm phát tăng trùng với kỳ vọng trong tháng 1/2024.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm (29/02), hợp đồng dầu WTI mất 28 xu (tương đương 0.36%) còn 78.26 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent hạ 6 xu (tương đương 0.07%) xuống 83.62 USD/thùng.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân PCE tăng 0.4% so với tháng trước và tăng 2.8% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số PCE là thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sử dụng khi cân nhắc về lãi suất.
Dự báo của nhà đầu tư về thời điểm Fed hạ lãi suất hầu như không thay đổi, với việc thị trường kỳ vọng đợt hạ lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 6/2024.
Hợp đồng dầu WTI và dầu Brent lần lượt tăng 3% và 2.3% trong tháng 2, với các hợp đồng dầu thô tương lai giao ngay đang giao dịch ở mức giá gia tăng so với các hợp đồng giao sau. Mức giá giao ngay cao hơn giao sau thường là dấu hiệu của thị trường dầu đang thắt chặt.
OPEC+ đang xem xét gia hạn cắt giảm sản lượng cho đến ít nhất quý 2/2024, 3 nguồn tin đã nói với Reuters vào ngày 28/02. 2 nguồn tin khác lại cho biết tổ chức này có thể duy trì cắt giảm sản lượng trong thời gian còn lại của năm.
OPEC+ đã đồng thuận hồi tháng 11/2023 về việc cắt giảm 2.2 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên của năm 2024 khi Mỹ, Canada, Guyana và Brazil bơm dầu thô với tốc độ chóng mặt, gây áp lực lên giá dầu vào cuối năm ngoái.
Giá dầu cũng tăng trong tháng này khi xung đột tại Trung Đông bùng phát, với căng thẳng leo thang ở biên giới Israel-Lebanon và phiến quân Houthi tiếp tục tấn công các tuyến hàng hải ở Biển Đỏ.
Cho đến nay, xung đột vẫn chưa làm gián đoạn hoạt động sản xuất dầu thô trong khu vực, mặc dù các chuyên gia phân tích đã cảnh báo có nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Iran và Mỹ, điều này sẽ ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|