Thứ Năm, 07/03/2024 10:02

Năm rồng, Long An muốn “thăng thiên” với loạt dự án khủng

Với vị trí là cầu nối giữa TPHCM và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Long An bước vào năm Giáp Thìn 2024 sau khi công bố kêu gọi đầu tư hàng loạt dự án hàng chục ngàn tỷ đồng trong hơn 1 năm trở lại đây.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm 2023 đến giữa tháng 02/2024, Long An đã kêu gọi đầu tư cho 9 dự án với tổng quy mô sử dụng đất gần 2,769 ha và tổng mức đầu tư hơn 229 ngàn tỷ đồng, gồm 5 khu đô thị, 3 khu dân cư và 1 dự án đầu tư hạ tầng tại Khu cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp.

Danh sách 9 dự án Long An kêu gọi đầu tư từ đầu năm 2023 đến giữa tháng 02/2024
* Nhà đầu tư duy nhất đăng ký nhưng chưa có kết quả đánh giá năng lực, kinh nghiệm
** Chưa có nhà đầu tư đăng ký
Nguồn: Tổng hợp

Liên tiếp kêu gọi đầu tư những dự án “khủng”

Dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất Long An kêu gọi là khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây tại xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, được công bố vào cuối tháng 12/2023.

Quy mô sử dụng đất của dự án gần 1.1 ngàn ha (tương đương 0.24% tổng diện tích tỉnh Long An) với tổng mức đầu tư gần 90.8 ngàn tỷ đồng; trong đó chi phí thực hiện hơn 80 ngàn tỷ đồng, còn lại chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư gần 11 ngàn tỷ đồng. Dân số dự kiến khoảng 89,960 người.

Sản phẩm đầu ra dự kiến gồm: nhà ở thương mại (bàn giao thô), 15,244 lô đất (nhà ở liền kề 7,050 căn, nhà ở biệt thự 8,194 căn); nhà ở xã hội 13,440 căn hộ chung cư; nhà ở tái định cư 2,370 căn nhà ở thấp tầng. Tiến độ thực hiện 7 năm kể từ ngày có quyết định chấp thuận đầu tư.

Kết thúc thời gian nộp hồ sơ, chỉ có 1 liên danh đăng ký tham gia thực hiện dự án trên, đó là liên danh Vinhomes (HOSE: VHM) - CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG). Danh tiếng của doanh nghiệp “họ Vin” đã không còn quá xa lạ với nhiều khu đô thị nổi tiếng mang thương hiệu Vinhomes trên cả nước.

Còn VIG là công ty riêng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Tháng 10/2023, Công ty này đăng ký mua hơn 16 triệu cp VHM nhưng bất thành do không đạt được thỏa thuận.

Bước sang năm 2024, Long An tiếp tục tìm nhà đầu tư cho một dự án “khủng” khác là khu đô thị mới Tân Mỹ thuộc xã Tân Mỹ, huyện Đức Hoà với tổng diện tích gần 931 ha và tổng vốn đầu tư hơn 74.4 ngàn tỷ đồng, dự kiến là nơi sinh sống của 80,969 người.

Cơ cấu các loại nhà ở gồm 8,338 căn nhà ở liền kề; 4,755 căn nhà ở biệt thự; 7,049 căn nhà ở xã hội. Trong đó dự kiến bố trí khoảng 129 căn nhà ở thấp tầng; 7,280 căn hộ chung cư; 384 căn nhà ở tái định cư thấp tầng.

Hạn đăng ký thực hiện dự án là ngày 15/03/2024.

Nhiều ông lớn đổ bộ vào Long An

Trước khi trực tiếp tham gia liên danh để đăng ký thực hiện khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây, công ty con của VHM là CTCP Phát triển Thành phố Xanh đã tham gia dự án hơn chục ngàn tỷ khác tại Long An kêu gọi đầu tư giữa năm 2023, cụ thể là khu đô thị mới Hậu Nghĩa – Đức Hòa.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 28.3 ngàn tỷ đồng, quy mô 197.2 ha, dân số khoảng 40,000 người. Khu vực làm dự án nằm tại 3 địa phương gồm thị trấn Hậu Nghĩa, xã Đức Lập Thượng, xã Tân Mỹ cùng thuộc huyện Đức Hòa.

Tháng 10/2023, UBND tỉnh Long An đã ban hành quyết định chấp thuận Thành phố Xanh là nhà đầu tư thực hiện dự án.

Bên cạnh VHM, Tập đoàn Ecopark cũng đã liên danh cùng Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển DB và được công nhận là nhà đầu tư dự án khu đô thị sinh thái, thương mại du lịch tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức.

Đây là dự án có diện tích sử dụng đất hơn 220 ha, tổng mức đầu tư gần 17 ngàn tỷ đồng. Quy mô dân số khoảng 37,163 người. Kế hoạch sử dụng đất tại dự án bao gồm: đất ở mới thấp tầng khoảng 111.41 ha (4,951 lô; tối đa 5 tầng cao); đất ở hỗn hợp cao tầng khoảng 5.84ha (4,300 căn hộ; tối đa 45 tầng cao); đất ở tái định cư khoảng 2.07 ha (180 lô; tối đa 5 tầng cao).

Tập đoàn Ecopark là chủ đầu tư có tiếng tại Việt Nam với khu đô thị Ecopark Hưng Yên, một trong những khu đô thị sinh thái lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích gần 500 ha, vốn đầu tư gần 10 tỷ USD. Còn DB là cổ đông sáng lập của Tập đoàn Ecopark, vốn chủ sở hữu của Công ty này tại thời điểm 30/06/2023 là hơn 5 ngàn tỷ đồng.

Long An đặt mục tiêu trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả của khu vực phía Nam

Long An liên tiếp kêu gọi đầu tư các khu đô thị hàng ngàn tỷ trong bối cảnh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ thông qua vào tháng 06/2023.

Theo Quy hoạch, mục tiêu phát triển đến năm 2030 của tỉnh Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long; kết nối với TPHCM và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia.

Tỉnh đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 9%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 180 triệu đồng.

So với các tỉnh “vệ tinh” khác của TPHCM, Long An có cùng mục tiêu GRDP và GRDP bình quân đầu người với Bình Phước; nhưng thấp hơn ở cả hai chỉ số nếu so với Tây Ninh (9.5%/năm và GRDP bình quân đầu người 210 triệu đồng), Bình Dương (10%/năm và 387 triệu đồng), Đồng Nai (10%/năm và 361 triệu đồng).

Riêng đối với Vũng Tàu, địa phương này do không tính dầu khí nên mục tiêu GRDP ở mức 8.1 - 8.6%/năm nhưng bù lại mục tiêu GRDP bình quân đầu người lên tới 497 triệu đồng.

Mặt khác, Long An đặt mục tiêu đô thị hóa đạt 55% vào năm 2030, cao hơn mức 53% của Tây Ninh và 50% của Bình Phước. Dù vậy, Long An chỉ đặt mục tiêu gia tăng dân số bình quân hàng năm khoảng 1%, trong khi Bình Phước là 1.6%.

"Một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng kinh tế - xã hội, sáu trục động lực"

Nhằm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trên, Long An tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình "một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng kinh tế - xã hội, sáu trục động lực". Trong đó, tỉnh xác định TP Tân An là trung tâm chính trị - hành chính - đô thị hạt nhân - đô thị vệ tinh của TPHCM.

Hai hành lang kinh tế gồm:

Hành lang đường Vành đai 3 - 4: Bám dọc theo các trục đường Vành đai 3, Vành đai 4 của TPHCM.

Hành lang phát triển phía Nam: Bám dọc theo trục động lực liên tỉnh từ TPHCM đi qua tỉnh Long An và kết nối với tỉnh Tiền Giang (qua trục quốc lộ 50B).

Ba vùng kinh tế - xã hội gồm: vùng đô thị và công nghiệp; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu; vùng đệm sinh thái.

Về hạ tầng giao thông, tỉnh chủ trương cải tạo, nâng cấp 53 tuyến đường tỉnh hiện hữu và xây mới 29 tuyến đường tỉnh; ưu tiên nâng cấp, xây dựng các tuyến: Đường tỉnh 827E, trục động lực Đức Hoà, đường song hành quốc lộ 62, trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hoà - Bình Chánh, đường Tân Tập - Long Hậu.

Đồng thời, Long An sẽ xây dựng mới 2 tuyến đường sắt đô thị gồm tuyến Hưng Nhơn - Tân An và tuyến bến xe Cần Giuộc mới - Cần Đước nhằm phục vụ kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh. Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng tuyến đường sắt chuyên dụng kết nối từ tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ ra Cảng Hiệp Phước, đi qua các huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc và đi tiếp qua huyện Nhà Bè, TPHCM.

Riêng năm 2024, mục tiêu GRDP của Long An là 8 - 8.5%, GRDP bình quân đầu người đạt 105 - 110 triệu đồng.

UBND tỉnh Long An đặt mục tiêu phát triển 88,473 căn nhà ở với tổng diện tích sàn gần 12.5 triệu m2. Trong đó, nhà ở thương mại 26,917 căn với diện tích sàn gần 7.9 triệu m2; nhà ở xã hội 53,105 căn với diện tích sàn hơn 2.1 triệu m2; nhà ở tái định cư 1,086 căn với diện tích sàn 311,609 m2; nhà ở công vụ 89 căn với diện tích sàn 2,263 m2; nhà ở người dân tự xây dựng 7,276 căn với diện tích sàn hơn 2.1 triệu m2.

Hà Lễ

FILI

Các tin tức khác

>   Dự án thành phần 4 của sân bay Long Thành chuẩn bị tìm nhà đầu tư (29/02/2024)

>   Khánh Hòa thông qua quy hoạch 1/2000 hai dự án tổng diện tích hơn 14,900ha (28/02/2024)

>   Động thái mới nhất về 'siêu cảng' Trần Đề gần 45.000 tỷ đồng (27/02/2024)

>   Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Siemens (Đức) tham gia xây dựng đường sắt đô thị tại Việt Nam (26/02/2024)

>   5 nhóm cơ chế kiến nghị để TP HCM có 200km đường sắt đô thị (26/02/2024)

>   Đồng Nai: 330 ha đất khu công nghiệp Biên Hòa 1 chuyển thành khu đô thị, thương mại (27/02/2024)

>   Giải pháp nâng cao an toàn giao thông sau tai nạn cao tốc Cam Lộ-La Sơn (25/02/2024)

>   Tháo dỡ vòng xoay giao lộ Phạm Văn Đồng - Lê Quang Định trong tháng 3 (22/02/2024)

>   Khu vực đầu mối TPHCM sẽ có 8 tuyến đường sắt (20/02/2024)

>   Quy hoạch nâng cấp sân bay Cà Mau (20/02/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật