Thứ Hai, 11/03/2024 08:48

'Lạm phát lòng tham' là bản chất của giới nghiệp chủ toàn cầu?

Hy Lạp, Anh và một số nước khác đang có động thái áp trần lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia. Nhưng hiện tại, “lạm phát lòng tham” vẫn là một cuộc tranh luận khá mới mẻ.

Ước muốn đạt lợi nhuận cao hơn của doanh nghiệp đóng góp 50% mức tăng giá ở châu Âu. Tỷ lệ này ở Mỹ đạt 53%.

Lạm phát là hệ quả của những sai lầm về chính sách kinh tế và tác động của chiến tranh, dịch bệnh. Nhưng trong cơn bão giá mà thế giới đang chống chọi, nhiều người cho rằng chi phí sinh hoạt trên toàn cầu gia tăng chủ yếu là do “lạm phát lòng tham” (greedflation). Bởi giới chủ doanh nghiệp không kiềm chế được khao khát lợi nhuận, dùng lạm phát là cái cớ để tăng giá.

Lạm phát là cơ hội tốt để nâng giá, tăng lợi nhuận

Lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao ở châu Âu, với giá tiêu dùng hàng tháng tăng nhanh hơn ở Mỹ và Nhật Bản. Giá các mặt hàng thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng tăng hơn 10% ở Đức trong tháng thứ 15 liên tiếp vào tháng 7-2023. Ở Anh, giá tăng hơn 14%. Lạm phát chỉ tạm hạ nhiệt vào cuối năm 2023.

Theo một ước tính, khoảng 50% mức tăng giá ở châu Âu xuất phát từ việc các doanh nghiệp địa phương chuyển chi phí cao hơn sang người tiêu dùng. Khi giá tăng nhanh hơn tiền lương, sức mua dĩ nhiên sẽ giảm sút. Giá lương thực tăng cao đe dọa sinh kế của các gia đình có thu nhập thấp. Một cuộc khảo sát các hộ gia đình của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy mặt bằng chi phí đã tăng 26% trong năm 2022, cao nhất trong hai thập niên qua.

Có một số cơ sở để tin rằng doanh nghiệp đã đóng một vai trò quan trọng đẩy “lạm phát lòng tham” gia tăng. Trong một phân tích kết quả hàng năm của 70 hãng sản xuất và bán lẻ thực phẩm ở châu Âu, nhà tư vấn quản trị Oliver Wyman nhận ra rằng mức EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, hao mòn và khấu hao) của các hãng bán lẻ thực phẩm tăng 11%, các nhà sản xuất tăng 12%.

Wyman nói doanh thu tăng mạnh chủ yếu là do giá tăng, chứ không phải từ các yếu tố khác. “Các công ty trong lĩnh vực thực phẩm xem lạm phát là cơ hội để điều chỉnh theo hướng tăng chiến lược quản lý giá của họ”, Rainer Muench, đối tác nghiên cứu của Wyman, nhận định.

Một phân tích gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng ủng hộ quan điểm rằng “không thể kiểm soát được lạm phát do lòng tham của các giới nghiệp chủ”. IMF nói tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp trong năm 2022 chiếm 45% lạm phát ở châu Âu, cao hơn mức 40% do chi phí nhập khẩu tăng lên.

Việc các doanh nghiệp cố gắng tối đa hóa lợi nhuận bằng cách tăng giá là điều tự nhiên, đặc biệt đối với các doanh nghiệp niêm yết chịu áp lực từ cổ đông. Tuy nhiên, các công ty ở châu Âu đã bị chỉ trích nặng nề vì chậm tăng lương so với tốc độ tăng giá tiêu dùng.

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), lợi nhuận doanh nghiệp ở Đức đã tăng 24% từ quí cuối của năm 2019 trước khi Covid-19 bùng phát đến quí đầu tiên của năm 2023, trong khi chi phí lao động chỉ tăng 13%. Có thể dễ nhận ra xu hướng này ở hầu hết các nước châu Âu khác. Ngược lại, tăng trưởng tiền lương làm lu mờ mức tăng lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ trong cùng thời kỳ.

Trong khi đó, GW nói rằng, chỉ trong nửa cuối năm 2023, cứ mỗi đô la doanh nghiệp tăng giá, có đến 53 xu góp vào lợi nhuận doanh nghiệp. Báo cáo của GW cũng nói rằng lương của dàn lãnh đạo cấp cao các doanh nghiệp tăng nhanh hơn tỷ lệ lạm phát trung bình, lần lượt là 18,2% so với 7,1%. Trong khi đó, lương công nhân Mỹ chỉ tăng 4,7% trong cùng kỳ.

GW cũng phát hiện rằng kể từ khi Covid-19 bùng phát, lòng tham và lợi nhuận của doanh nghiệp chiếm gần một phần ba tổng lạm phát. Báo cáo của GW viết: “Lợi nhuận doanh nghiệp tính theo tỷ lệ GDP đã tăng vọt 29% kể từ khi Covid-19 bùng phát. Dù nền kinh tế Mỹ đã quay trở lại hoặc vượt qua mức trước đại dịch trên nhiều chỉ số, nhưng tỷ lệ thu nhập doanh nghiệp của người lao động vẫn chưa hồi phục như kỳ vọng”.

Liz Pancotti, cố vấn chiến lược của GW và là đồng tác giả của báo cáo, nhận định: “Giá sinh hoạt hay chi phí sản xuất đã giảm đáng kể. Trong khi các tập đoàn nhanh chóng chuyển phần chi phí dôi ra sang người tiêu dùng, thì điều đáng ngạc nhiên là họ lại kém may mắn trong việc san sẻ bớt những khoản lợi nhuận đã tích lũy sang cho người tiêu dùng”.

Doanh nghiệp Nhật ít tham hơn?

Giá thực phẩm ở Nhật Bản tăng ở mức 8-9% trong năm 2023, thấp hơn một chút so với châu Âu. Doanh nghiệp Nhật Bản từ lâu đã được xem là “không chú trọng tăng giá”. Nhiều công ty xứ Phù Tang tập trung vào việc cắt giảm chi phí, thay vì chuyển chi phí cao hơn sang người tiêu dùng. Vì thế, lợi nhuận doanh nghiệp Nhật Bản tăng 4% từ quí cuối năm 2019 đến quí đầu 2023. Đây là mức tăng thấp nhất trong khối G7.

Tiền lương và giá cả được duy trì ở mức thấp tại Nhật Bản đã khiến khoảng cách sức mua giữa Nhật Bản và các nước phương Tây nới rộng. Nhật Bản đã trở thành nơi mua sắm “rẻ” đối với du khách nước ngoài. Hành vi ít “tham lam” hơn có thể đã giúp chi tiêu hộ gia đình ở Nhật Bản tăng lên, tuy nhiên, tiền lương cũng bị giới chủ giữ ở mức thấp.

Nhưng khảo sát của Nikkei với 285 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường Prime của sàn chứng khoán Tokyo (TSE) công bố tuần rồi cho thấy bức tranh khác.

Lợi nhuận ròng tổng hợp của nhóm này đã tăng hơn 20% trong ba quí đầu (từ tháng 4-12) của năm tài chính kết thúc vào cuối tháng 3 sắp tới. Cá biệt có một số công ty đại chúng đạt mức tăng lợi nhuận ròng 50-70%. Hãng phân tích Nikkei chỉ ra hai nguyên nhân chính: tăng giá trong nước và giá xuất khẩu, thêm nữa, nền kinh tế Mỹ vẫn giữ được sức mạnh, không suy thoái như mọi người đã chờ đợi.

Rất nhiều trong số 285 công ty niêm yết trên thị trường Prime thành công mỹ mãn nhờ tăng giá. Chẳng hạn, mức lợi nhuận ròng của nhà điều hành Tokyo Disney Resort Oriental Land đạt 99,8 tỉ yen, tăng 66% trong giai đoạn đã nói. Đây cũng là kỷ lục trong năm năm của công ty. Tokyo Disney đã tăng mức giá tối đa cho vé công viên một ngày từ 1.500 yen lên 10.900 yen (hơn 7 lần) vào tháng 10 vừa rồi nhưng lượng khách vẫn tăng. Hãng thực phẩm Toyo Suisan Kaisha công bố lợi nhuận ròng tăng 57%, nhờ tăng giá mì ăn liền, chủ yếu ở Bắc Mỹ.

Trấn áp lòng tham của doanh nghiệp

Khó khăn do giá thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng khác tăng vọt làm bùng nổ các cuộc biểu tình trên khắp châu Âu. Trước làn sóng chỉ trích, chính phủ nhiều nước châu Âu chuyển sang tăng cường giám sát chuyện thiết lập cơ cấu giá và hành vi tăng giá. Một vài công ty và quốc gia ở “lục địa già” đã bắt đầu cải thiện tiền lương và các phúc lợi khác cho nhân viên.

Người dân Hy Lạp đang cáo buộc tình trạng các tập đoàn đa quốc gia lợi dụng lạm phát cao để tăng giá, hưởng lợi. Trước áp lực này, hôm 12-1 Chính phủ trung hữu nước này đã công bố các biện pháp mới để kiểm soát giá cả. Một trong những sáng kiến sẽ là áp mức trần lợi nhuận gộp của các hãng sản xuất sữa bột trẻ em là 7% từ tháng 3-2024. Chính phủ cũng buộc doanh nghiệp giảm giá các mặt hàng như trái cây, rau quả, kem đánh răng, dầu gội và sản phẩm tẩy rửa nhà cửa.

Hôm 5-2, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras nói rằng Chính phủ đang chuẩn bị thực hiện dự án nghiên cứu tại sao hàng hóa ở Hy Lạp có giá cao hơn ở các nước khác, nhất là hàng tiêu dùng thiết yếu bán ở siêu thị. Ông Stournaras cho rằng cấu trúc độc quyền nhóm và lợi ích nhóm, chính quyền quan liêu, kém hiệu quả và hệ thống tư pháp chậm chạp là các nguyên nhân của vấn đề.

Trước đó, đầu năm 2023, Cơ quan Cạnh tranh và thị trường Anh (CMA) đã đưa một số chuỗi siêu thị lớn như Asda, Sainsbury’s và Tesco vào danh sách theo dõi vì bị cáo buộc trục lợi trong lúc giá tiêu dùng tăng vọt. Các đại siêu thị sau đó được xóa bỏ “cáo trạng”.

Trên thực tế, vẫn có quan điểm hoàn toàn khác, ủng hộ chuyện tìm kiếm lợi nhuận của doanh nghiệp và giải quyết những chuyện khúc mắc của kinh tế toàn cầu. Cựu chuyên gia ngân hàng Satyajit Das đồng thời là tác giả của hai tác phẩm “A Banquet of Consequences: Reloaded” và “Fortune’s Fool: Australia’s Choices” đã khẳng định rằng “lạm phát lòng tham” là một khái niệm vô ích.

Ông nói những người tin vào “lạm phát lòng tham” đang cố tình khai thác khía cạnh thương tâm của câu chuyện “chúng ta là nạn nhân” một cách rất mơ hồ. Thật sự, khái niệm này làm chệch hướng sự chú ý của chúng ta khỏi những vấn đề thực tế cần được quan tâm hơn. “Đó là tái cơ cấu ngành công nghiệp, sự cạnh tranh yếu ớt, các luật lệ và quy định chống lại sự lạm dụng và thao túng thị trường đang tồn tại, sự chia sẻ hợp lý thu nhập quốc dân và tình trạng bất bình đẳng đang gia tăng”, Das kết luận.

Ricky Hồ (Theo Euro News, Nikkei Asia, Eurostat, Truth Out)

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Bốn nước châu Âu sẽ đầu tư 100 tỷ USD vào Ấn Độ trong 15 năm (11/03/2024)

>   Trung Quốc chính thức triển khai dịch vụ xuất khẩu xe cũ trên toàn quốc (09/03/2024)

>   Kinh tế Mỹ có thêm 275,000 việc làm trong tháng 2, vượt xa dự báo (08/03/2024)

>   Tổng thống Mỹ cam kết thúc đẩy biện pháp đánh thuế doanh nghiệp cao hơn (08/03/2024)

>   Cư dân bang nào bị stress nhất nước Mỹ? (08/03/2024)

>   NHTW châu Âu phát tín hiệu giảm lãi suất vào tháng 6/2024 (08/03/2024)

>   Chủ tịch Powell: Thời điểm giảm lãi suất không còn xa (08/03/2024)

>   Nhật Bản đón nhận những “tiến triển ổn định” về lạm phát (08/03/2024)

>   Ngân hàng Trung ương châu Âu giữ lãi suất ở mức cao kỷ lục (08/03/2024)

>   Nhiều phụ nữ Trung Quốc chọn lối sống độc thân khi nền kinh tế trì trệ (08/03/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật