Chủ Nhật, 03/03/2024 09:02

Lại nóng lừa đảo tài chính thời AI

Câu chuyện mạo danh chuyên gia, tổ chức tài chính, cơ quan Nhà nước… để kêu gọi đầu tư, bán khóa học chứng khoán đã xuất hiện từ lâu. Gần đây, nhiều chuyên gia tiếp tục cảnh báo khi các hình thức mạo danh này xuất hiện trở lại, nhất là khi thị trường chứng khoán dần hồi phục.

Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh vừa cảnh báo nhà đầu tư tránh bị lợi dụng, lừa đảo khi thông tin, hình ảnh của ông bị 1 trang Facebook dùng để bán khóa học tài chính.

Ông Khánh cho biết, ngoại trừ kênh chính thống của ông và tổ chức đang làm việc, còn các tổ chức hay cá nhân khác, ông không nhờ đăng quảng cáo về chương trình giảng dạy hay kêu gọi hợp tác đầu tư.

Ông Khánh cũng cảnh báo hình thức hợp tác, mời gọi đầu tư hay giả mạo hình ảnh thậm chí là deepfake các chuyên gia trong ngành tài chính, đặc biệt là những chuyên gia kỳ cựu, có uy tín để mời chào các nhà đầu tư gần đây xuất hiện trở lại rất nhiều.

Một số hình ảnh fanpage giả mạo dùng hình ảnh của chuyên gia.

Liên hệ với ông Trần Ngọc Báu - CEO Wigroup, chúng tôi được thông tin ông không biết đến trang mạng xã hội này cũng như không hợp tác giảng dạy cho các khóa học tại đây.

Sau khi được xác nhận của các chuyên gia, người viết vào lại fanpage "DInvest - Học viện đầu tư" nhưng trang này đã khóa.

Trước đó, từ cuối năm 2023, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cũng từng cảnh báo về các thông tin, quảng cáo dùng hình ảnh của ông để lừa đảo, mời gọi đầu tư chứng khoán. “Tôi xác nhận tôi chưa bao giờ mở những chương trình đầu tư chứng khoán và mời mọi người tham gia. Xin đừng mắc bẫy lừa đảo và đừng tham gia những chương trình này. Quý vị và các bạn sẽ mất tiền và tài sản nếu tham gia. Tôi sẽ không chịu trách nhiệm nếu quý vị và các bạn tham gia những chương trình đầu tư lừa đảo này”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo.

Ảnh Facebook mạo danh chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu.

Trong tình hình kinh tế đang không có nhiều kênh đầu tư để lựa chọn, thị trường chứng khoán trở thành kênh thu hút, các đối tượng đã lợi dụng những hình ảnh, uy tín của chuyên gia để thu hút nhằm lừa đảo.

Mạo danh cơ quan Nhà nước

Không chỉ chuyên gia, các đối tượng lừa đảo hiện nay còn mạo nhận cả cơ quan Nhà nước.

Đầu năm 2024, website chính thức của Công an các tỉnh, thành phố đã có cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới - mạo danh cơ quan Nhà nước gọi điện yêu cầu người dân tích hợp sổ đỏ vào ứng dụng VNeID.

Các đối tượng gọi điện thoại hoặc liên hệ qua mạng xã hội tới người dân và tự xưng là cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường, yêu cầu người dân khai báo, tích hợp thông tin sổ đỏ vào ứng dụng VNeID. Sau đó, các đối tượng yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân với lý do phục vụ việc tích hợp và yêu cầu đóng các khoản phí, lệ phí không xác định nhằm thu thập trái phép thông tin cá nhân và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Việc các đối tượng nắm được thông tin cá nhân của người dân có thể được sử dụng để tiếp tục thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, rửa tiền, vay tiền... và các hoạt động phạm tội khác.

Thủ đoạn mạo danh cơ quan chức năng để gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản tuy không mới, nhưng thời gian gần đây, lợi dụng việc cơ quan chức năng đang đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia trên phạm vi toàn quốc, các đối tượng liên tục sử dụng nhiều hình thức tiếp cận nạn nhân mới. Gần đây là mạo danh cơ quan Bảo hiểm xã hội hay mạo danh cơ quan công an để hướng dẫn cài ứng dụng chứa mã độc.

Trước tình hình trên, công an khuyến cáo người dân cảnh giác trước các cuộc gọi tự xưng là cán bộ cơ quan Nhà nước yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, hướng dẫn cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc, yêu cầu đóng các khoản phí, lệ phí không xác định…

Công an cũng cảnh báo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người khác khi chưa biết rõ mục đích, không cài đặt các ứng dụng lạ và không đóng các khoản tiền chưa xác định theo yêu cầu của đối tượng.

Tổng cục Thuế cũng đã thông tin cảnh báo đến cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế về tình trạng lừa đảo qua tin nhắn; các trang web - app mạo danh cơ quan thuế đang có chiều hướng gia tăng mức độ, tần suất liên tục với mục đích lừa đảo về việc ủy quyền đóng thuế, mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

Trên các nền tảng mạng xã hội đã xuất hiện quảng cáo các dịch vụ trực tuyến dẫn về những tên miền, app giả mạo cơ quan thuế, được các đối tượng xấu thiết lập và sử dụng với mục đích lừa đảo về việc ủy quyền đóng thuế, mua bán hóa đơn bất hợp pháp…

Đáng chú ý, các đối tượng lừa đảo không chỉ sử dụng nhiều đầu số di động mà còn sử dụng tin nhắn giả mạo thương hiệu để gửi tin nhắn giả mạo nhằm phát tán tin nhắn lừa đảo người dùng truy cập các app giả mạo cơ quan thuế.

Điển hình, một số đối tượng giả danh công chức thuế gọi điện cho người dân, hướng dẫn truy cập vào đường link "gdtgov.cfd" tải app giả mạo Tổng cục Thuế để cập nhật căn cước công dân vào hồ sơ đăng ký kinh doanh. Có trường hợp, các đối tượng giả danh cơ quan thuế để yêu cầu nộp thuế thu nhập cá nhân…

Cơ quan thuế khẳng định không ủy quyền cho bất cứ công ty hoặc cá nhân nào ngoài ngành thuế thực hiện thu thuế hộ (trừ hệ thống bưu điện được ủy quyền thu thuế hộ kinh doanh). Vì vậy, để tránh tình trạng lừa đảo khi thực hiện giao dịch với cơ quan thuế hoặc thực hiện các nghiệp vụ về thuế, người nộp thuế có thể liên hệ các đầu mối của Cục Thuế, Chi cục Thuế trên địa bàn để được hỗ trợ qua số điện thoại được niêm yết trên trang thông tin điện tử của các Cục Thuế.

Tổng cục Thuế khuyến cáo, người nộp thuế khi nhận được các tin nhắn, cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung hướng dẫn trong tin nhắn. Người nộp thuế cũng cần lưu ý: trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan thuế sử dụng giao thức "https" và tên miền quốc gia Việt Nam ".vn".

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   Sắp xét xử bà Trương Mỹ Lan, SCB tiếp tục đóng cửa nhiều phòng giao dịch (29/02/2024)

>   Chính thức: Home Credit Việt Nam về tay Ngân hàng SCB Thái Lan (28/02/2024)

>   Vai trò tiên phong của các NHTM Nhà nước trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (28/02/2024)

>   SeABank kiện toàn đội ngũ lãnh đạo cao cấp (28/02/2024)

>   Vietcombank dự chia cổ tức 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 38.79% (28/02/2024)

>   Ngân hàng rao bán nhà đất thế chấp món nợ 1.500 tỷ với giá chỉ 1/10 (28/02/2024)

>   Có dễ để cải thiện NIM ngân hàng ngay lập tức? (04/03/2024)

>   Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu khung pháp lý về tài sản ảo để chống rửa tiền (27/02/2024)

>   PVcomBank triển khai gói vay ưu đãi “tiếp sức” doanh nghiệp xuất nhập khẩu (27/02/2024)

>   Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển Nhà ở xã hội: Quá chậm vì ưu đãi nửa vời (27/02/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật