Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu khung pháp lý về tài sản ảo để chống rửa tiền
Bộ Tài chính được giao nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản ảo trong tháng 5/2025 để chống rửa tiền.
Bitcoin là đồng tiền ảo trị giá lớn nhất hiện nay
|
Chính phủ vừa ký Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Tại quyết định này, Bộ Tài chính được giao phối hợp với bộ ngành liên quan xây dựng bộ khung pháp lý để quản lý tài sản ảo vào tháng 5/2025; Đồng thời, chứng minh việc thực thi khung pháp lý gồm: nâng cao hiểu biết của cơ quan quản lý, giám sát hiểu rõ rủi ro của khu vực này.
Đây là nhiệm vụ thuộc hành động 6 trong tổng số 17 chương trình hành động thực hiện cam kết Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Trước đó, trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10/2022, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiền ảo, tài sản ảo (hay còn gọi là tiền thuật toán) như bitcoin, không phải là đồng tiền pháp định do ngân hàng Trung ương các nước phát hành mà do các tổ chức, cá nhân tạo ra bằng các thuật toán trên mạng máy tính.
Đồng tiền này chỉ được thừa nhận trong cộng đồng nhất định như cộng đồng game, sàn công nghệ. Mỗi nước có cách quản lý khác nhau với tiền ảo. Có nước coi tiền ảo như một tài sản (như chứng khoán để thu thuế, cấp phép giao dịch).
Các loại tiền ảo phổ biến hiện nay như Bitcoin, Ethereum... Chính phủ từng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, thí điểm tiền ảo, nhằm ngăn ngừa rủi ro rửa tiền, hệ thống ngân hàng.
Cơ quan quản lý nhiều lần khẳng định tiền ảo không phải là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) thông qua cuối 2022 chưa luật hóa các loại tiền ảo, tài sản ảo.
Theo số liệu của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) vào tháng 9/2023, giá trị tiền ảo Việt Nam nhận về gần 91 tỷ USD trong một năm (từ 10/2021 đến 10/2022). Trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD.
Một số quốc gia bắt đầu đưa ra quy định siết tiền ảo, bảo vệ người dùng trên mạng. Chẳng hạn, năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) thông qua đạo luật Thị trường tài sản mã hóa (MiCA) để ngăn tội phạm tài chính sử dụng công nghệ cao, blockchain. Mỹ, Hàn Quốc cũng đưa ra nhiều quy định tăng tính minh bạch, tuân thủ pháp lý trong chống rửa tiền, tài trợ khủng bố với tiền số, tài sản ảo.
Nhật Quang
FILI
|