Chính phủ Nhật Bản ngừng kêu gọi BOJ theo đuổi "chính sách tiền tệ táo bạo"
Chính phủ Nhật Bản tiếp tục nhấn mạnh cần chấm dứt giảm phát và cam kết hợp tác chặt chẽ với BOJ để đảm bảo “quản lý chính sách linh hoạt.”
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ở Tokyo. (Nguồn: AFP/TTXVN)
|
Trong báo cáo hằng tháng, ngày 22/3, Chính phủ Nhật Bản đã ngừng kêu gọi Ngân hàng Nhật Bản (ngân hàng trung ương - BOJ) theo đuổi "chính sách tiền tệ táo bạo," sau khi BOJ tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm với niềm tin rằng đất nước đang trên đà đạt mục tiêu lạm phát.
Trong khi duy trì đánh giá về nền kinh tế như tháng trước, Chính phủ Nhật Bản cũng tiếp tục nhấn mạnh cần chấm dứt giảm phát và cam kết hợp tác chặt chẽ với BOJ để đảm bảo “quản lý chính sách linh hoạt.”
Báo cáo tháng Ba là báo cáo đầu tiên kể từ khi BOJ công bố chấm dứt chính sách lãi suất âm vào ngày 19/3, chính sách được duy trì trong thập kỷ qua nhằm giải quyết tình trạng giảm phát kinh niên ở nước này.
Trước đây, Chính phủ Nhật Bản cho biết họ “kỳ vọng” BOJ sẽ đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững và ổn định, đồng thời nhấn mạnh sẽ “thúc đẩy chính sách tiền tệ táo bạo, chính sách tài khóa linh hoạt và chiến lược tăng trưởng.”
Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Văn phòng Nội các cho biết: "Chính phủ và ngân hàng sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để tiến hành quản lý chính sách linh hoạt nhằm thích ứng với các xu hướng phát triển kinh tế và diễn biến giá cả."
Năm 2013, BOJ đã triển khai một loạt biện pháp nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ, đặc trưng của chương trình “Abenomics” dưới thời Thủ tướng Abe Shinzo, nhằm tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2007 này được coi là mang tính biểu tượng, song BOJ cho biết các điều kiện tài chính sẽ vẫn phù hợp, dựa trên triển vọng hiện tại của nền kinh tế.
Trong báo cáo tháng Ba, Văn phòng Nội các vẫn giữ quan điểm về nền kinh tế Nhật Bản trong tháng thứ 2 liên tiếp, cho biết nền kinh tế đang "phục hồi với tốc độ vừa phải, mặc dù gần đây dường như đang tạm dừng."
Tuy nhiên, văn phòng lạc quan hơn về chi tiêu vốn - yếu tố quan trọng của nhu cầu trong nước, khẳng định chỉ số này đang đi lên lần đầu tiên trong 17 tháng. Trước đó, đầu tư vốn của doanh nghiệp Nhật Bản cao hơn kỳ vọng đã khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được điều chỉnh nâng lên vào quý 4/2023, giúp nền kinh tế này tránh được suy thoái do 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp.
Bên cạnh đó, Văn phòng Nội các cũng giữ nguyên đánh giá tổng thể về nền kinh tế toàn cầu trong tháng thứ 11 liên tiếp, khẳng định kinh tế toàn cầu “đang phục hồi mặc dù có sự yếu kém ở một số khu vực”./.
Bích Liên
Vietnamplus
|