VLA của ông Nguyễn Thành Tiến dành phần lớn tiền từ cổ đông để quảng cáo, marketing
Mới đây, HĐQT VLA thông qua việc sử dụng chi tiết số tiền gần 20 tỷ đồng thu được từ phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, trong đó dành 12 tỷ đồng, tương ứng 60% số tiền cho quảng cáo và marketing.
Với 8 tỷ đồng còn lại, CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang (HNX: VLA) dự chi 2.2 tỷ đồng trả lương nhân viên, chi phí chuyên gia đào tạo; 2 tỷ đồng để chi trả tổ chức lớp học, hội nghị; 1.5 tỷ đồng dành cho tài liệu, in ấn, tiếp khách, giao dịch; 1.5 tỷ đồng nộp thuế và gần 780 triệu đồng cho các chi phí khác liên quan đến hoạt động kinh doanh của Công ty.
Trước đó, VLA kết thúc đợt chào bán và huy động được gần 20 tỷ đồng từ đầu tháng 12/2023. Ban đầu Công ty dự kiến sử dụng vốn tăng thêm cho mục đích thành lập chi nhánh tại TPHCM theo đề án đã được ĐHĐCĐ thông qua hồi tháng 09/2022.
Cụ thể, Công ty ông Tiến dự tính từ quý 4/2022 đến quý 1/2023 sẽ chi 10.8 tỷ đồng cho quảng cáo và marketing, chiếm khoảng 50% số tiền. Còn lại 3 tỷ đồng cho chi phí nhân công và 6.1 tỷ đồng cho cơ sở vật chất, chi phí khác.
Tuy nhiên, HĐQT đề xuất đổi phương án. Toàn bộ số tiền thay vào đó được dùng để bổ sung vốn lưu động nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, dành cho các hạng mục được đề cập ở trên.
Chi tiết sử dụng tiền thu được từ huy động thêm vốn. Nguồn: VLA
|
Giải thích về sự thay đổi này, VLA cho biết, do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch và tình hình kinh tế, chính trị thế giới đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế trong nước. Và mặc dù Công ty đã tăng cường mở các lớp học trên địa bàn TPHCM, Hà Nội, Phú Quốc và một số tỉnh thành khác nhưng do số lượng người học giảm đáng kể khiến doanh thu năm 2023 sụt giảm, đặc biệt ở TPHCM và các tỉnh phía nam.
Những diễn biến như vậy đã ảnh hưởng đến vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh trong năm 2023 của VLA cũng như khả năng thiếu vốn hoạt động trong các năm sau.
Đồng thời, HĐQT đánh giá việc thành lập chi nhánh tại TPHCM sau khi phát hành thêm vốn là không hiệu quả cũng như không có cơ hội nghiên cứu mở rộng thị trường kinh doanh, mở rộng lĩnh vực, ngành nghề trong những năm tới nếu thiếu vốn nên đã xin ý kiến ĐHĐCĐ thay đổi phương án.
Tính đến ngày 15/02/2024, VLA đã sử dụng 535 triệu đồng, nằm trong phạm vi số tiền 9.8 tỷ đồng được HĐQT quyết định thay đổi phương án sử dụng số tiền thu được theo Nghị quyết ngày 29/12/2023.
Tại kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, VLA cho biết sẽ tiếp tục mở rộng các khóa đào tạo, bao gồm chiến lược đầu tư bất động sản (CKB), khóa học NIK UNI K02, dạy con làm giàu, đánh thức năng lực vô hạn, Business Master Bootcamp, trí tuệ đầu tư 4.0, khóa học huy động vốn, trí tuệ doanh nghiệp.
ĐHĐCĐ hồi cuối tháng 1 của VLA cũng đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm 2024 với mục tiêu mang về 20 tỷ đồng doanh thu, gần gấp đôi thực hiện năm 2023 cùng 3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi trước đó chỉ đạt 132 triệu đồng. Dù vậy, chỉ tiêu này vẫn chưa bằng con số thực hiện năm 2022.
Tính đến cuối năm 2023, sau đợt phát hành thêm, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thành Tiến cùng gia đình hiện đang nắm khoảng 30% vốn VLA. Thư ký HĐQT Nguyễn Văn Thọ, Phó Giám đốc Nguyễn Thu Hà, Trưởng phòng Kế hoạch – Đầu tư – Kinh doanh Vũ Thị Hiền Nhung lần lượt là bố ruột, em ruột và vợ ông Tiến.
Theo tìm hiểu trên trang vla.edu.vn, ông Tiến xuất hiện với rất nhiều khóa học liên quan đến các chủ đề đầu tư, bất động sản, marketing, phát triển cá nhân… Giá mỗi khóa học từ miễn phí cho đến cả trăm triệu đồng. Ông Tiến cũng sở hữu riêng kênh Youtube với 179 ngàn người theo dõi.
Một số khóa học của doanh nhân Nguyễn Thành Tiến. Nguồn: vla.edu.vn
|
Tử Kính
FILI
|