Tràng Thi của Tập đoàn T&T muốn chuyển nhượng một phần khu đô thị Quang Húc, dự thu 3.3 ngàn tỷ
Mặc dù mới công bố báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng trước đó, ĐHĐCĐ Công ty Tràng Thi thông qua chủ trương chuyển nhượng một phần đất biệt thự và đất ở trong khu đô thị Quang Húc. Dự án có tổng vốn đầu tư 2.3 ngàn tỷ đồng nhưng phần đất Tràng Thi chuyển nhượng có giá tới 3.3 ngàn tỷ đồng.
CTCP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi (T12) có báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án khu đô thị Quang Húc tại tỉnh Phú Thọ.
Theo báo cáo công bố tháng 01/2024, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu đô thị Quang Húc có quy mô khoảng 37.36 ha được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt quy hoạch chi tiết vào tháng 06/2022. Đồ án này nằm trong đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông, UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt theo quyết định 2987/QĐ-UBND ngày 13/11/2020.
Chủ đầu tư khu đô thị Quang Húc là CTCP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi, đơn vị tư vấn là CTCP Dịch vụ và Phát triển Trường Thành, cả hai đều có trụ sở tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Tràng Thi, dự án có ranh giới tiếp giáp gồm phía Tây Bắc giáp tuyến đường ĐT.315C và dân cư hiện trạng; phía Tây Nam giáp khu vực đất lâm nghiệp; phía Đông Bắc giáp khu vực đất lâm nghiệp và dân cư hiện trạng; phía Đông Nam giáp khu vực đất lâm nghiệp. Hiện trạng sử dụng đất chủ yếu là đất dân cư hiện hữu 1.67ha; đất nông nghiệp 35.13ha, gồm đất mặt nước 0.84ha, đất rừng sản xuất 21.42ha, đất rừng phòng hộ 4.14ha, đất trồng cây hàng năm 1.22ha, đất trồng lúa một vụ 3.26ha, đất trồng lúa hai vụ 4.25ha; đất phi nông nghiệp 0.4ha (đất giao thông); đất trống chưa sử dụng 0.16ha.
Dự án được phân bổ quỹ đất theo nhóm chức năng gồm đất nhà ở biệt thự 10.5 ha, với 37 ô đất, chiều cao tối đa 3 tầng; đất nhà ở tái định cư 2.3 ha, với 8 ô đất, chiều cao tối đa 5 tầng; đất thương mại dịch vụ hơn 2.5 ha, chiều cao không quá 5 tầng… Dự án đáp ứng chỗ ở cho khoảng 2,468 người.
Vị trí dự án Quang Húc. Nguồn: Tràng Thi
|
Nộp hơn 1 tỷ đồng để bù vào hơn 21ha rừng không trồng thay thế được
Dự án được UBND tỉnh Phú Thọ chấp thuận chủ trường đầu tư vào tháng 04/2021. Tổng vốn đầu tư dự kiến 2,308 tỷ đồng; gồm 74.4 tỷ đồng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư, và 2,233 tỷ đồng chi phí xây dựng. Tiến độ thực hiện tối đa 60 tháng kể từ ngày ký hợp đồng thực hiện dự án. Thời hạn hoạt động dự án đối với đất thương mại dịch vụ là 50 năm, đất ở là lâu dài.
Tháng 09/2021, UBND tỉnh chấp thuận nhà đầu tư dự án là Công ty Tràng Thi. Vốn góp Công ty phải hoàn thành là 346 tỷ đồng, vốn huy động 1,962 tỷ đồng. Giá trị tiền sử dụng đất phải nộp dự kiến hơn 102 tỷ đồng.
Vào tháng 08/2022, Tràng Thi có văn bản đề nghị phương án nộp tiền trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác. Báo cáo điều tra, đánh giá hiện trạng rừng cho biết, tổng diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của dự án là hơn 21.4 ha. Công ty cho hay, do điều kiện không bố trí tự tổ chức trồng rừng thay thế được, nên công ty dự kiến phương án nộp tiền trồng rừng thay thế với diện tích, trị giá gần 1.1 tỷ đồng (tương ứng 51.2 triệu đồng/ha rừng trồng thay thế) cho quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Phú Thọ. Tháng 09/2022, UBND tỉnh có quyết định chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế của Tràng Thi.
Phối cảnh dự án Quang Húc. Nguồn: Tràng Thi
|
Chuyển nhượng đất biệt thự và đất ở trong dự án với giá 3.3 ngàn tỷ đồng
Liên quan đến dự án Quang Húc, vào tháng 10/2023, ĐHĐCĐ Tràng Thi thông qua phương án chuyển nhượng một phần dự án này, các đối tượng chuyển nhượng gồm: phần (1) dự án thuộc khu đất quy hoạch đất ở biệt thự (BT) từ BT.01 đến BT.17; phần (2) dự án thuộc khu đất quy hoạch đất ở BT.18 đến BT.30. Giá chuyển nhượng dự kiến với phần 1 là 1.7 ngàn tỷ đồng và phần 2 là 1.6 ngàn tỷ đồng, giá chuyển nhượng đã gồm toàn bộ quyền phát triển dự án đối với khu đất quy hoạch thuộc đối tượng chuyển nhượng, giá trị quyền sử dụng đất, toàn bộ chi phí thực hiện các công việc và đầu tư tại khu đất.
Đơn vị nhận chuyển nhượng đến nay chưa được Công ty công bố công khai.
Trạng Thi có tiền thân là Công ty Ngũ Kim, thành lập từ năm 1955, sau một thời gian đổi tên thành Công ty Kim khí – Hóa chất. Tháng 08/1988, Công ty tiếp nhận cơ sở vật chất và lao động hai đơn vị là Công ty Gia công Thu mua Hàng công nghệ phẩm Hà Nội và Công ty Kinh doanh Tổng hợp HN giải thể, đổi tên thành Công ty Kim khí – Điện máy Hà Nội.
Năm 1993, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty Thương mại Dịch vụ Tràng Thi. Năm 2003, Công ty Thương mại Thanh Trì sáp nhập vào Tràng Thi, năm 2004, Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Đông Anh sáp nhập vào Tràng Thi. Năm 2010, Công có tên là Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Tràng Thi. Năm 2015, công ty cổ phần hóa và IPO thành công hơn 3.1 triệu cp với giá bình quân 82,000 đồng/cp. Tháng 10/2015, công ty hoàn tất bàn giao vốn nhà nước sang CTCP. Năm 2017, Công ty giao dịch trên UPCoM với mà T12.
Hiện Tràng Thi là thành viên của CTCP Tập đoàn T&T của bầu Hiển (Đỗ Quang Hiển) với ngành kinh doanh chính là kim khí - điện gia dụng, thực phẩm, phát triển bất động sản. Vốn điều lệ 540 tỷ đồng, các công ty liên kết gồm CTCP Thương mại Dịch vụ Nghĩa Đô, vốn 20.3 tỷ đồng trong đó T12 nắm 20%; CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Xuân Thủy vốn 55.6 tỷ đồng, T12 năm 30%; CTCP Thái Sơn – Long An vốn 1,500 tỷ đồng, T12 nắm 30%.
Ông Vũ Trọng Tuấn – Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Tràng Thi, từng công tác tại Tập đoàn T&T, hiện còn đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Thương mại và Đầu tư TIC Hà Nội, Tổng Giám đốc các đơn vị gồm Công ty TNHH Thương mại Hàng tiêu dùng T&T, Công ty TNHH T&T Retail, CTCP Tập đoàn Y dược Công nghệ cao T&T. Cá nhân ông Tuấn đang nắm gần 13.3 triệu cp, tương đương 24.61% vốn điều lệ Tràng Thi, ngoài ra ông còn đại diện sở hữu 10.8 triệu cp, tương ứng 20% vốn Tràng Thi cho Tập đoàn T&T.
Ông Đỗ Vinh Quang hiện là Chủ tịch (không chuyên trách) của Tràng Thi, ông Quang là con trai thứ hai của bầu Hiển.
Kết quả kinh doanh của Tràng Thi |
|
Thu Minh
FILI
|