Viettel Post tiếp tục thu lãi “quý sau cao hơn quý trước”
Quý 4/2023, Viettel Post công bố lãi ròng 104 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 1.2 tỷ đồng. Doanh nghiệp mảng chuyển phát tiếp tục cho thấy kinh doanh mỗi lúc một tích cực hơn với kết quả quý sau cao hơn quý trước tính từ quý 4/2022.
Diễn biến lãi ròng của VTP từ quý 1/2023 |
|
Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (UPCoM: VTP) ghi nhận 5.1 ngàn tỷ đồng doanh thu trong quý 4/2023, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ nhưng giá vốn giảm ở mức 5% đã giúp VTP thu lãi gộp tăng đến 67%, đạt gần 240 tỷ đồng.
Góp phần vào kết quả khả quan của VTP có thể kể đến, doanh thu hoạt động tài chính tăng 19%, chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay. Lãi vay giảm nhẹ 6%, không còn ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá, tiết giảm mạnh 28% chi phí quản lý doanh nghiệp đến từ chi phí khác bằng tiền.
Điều ngược dòng duy nhất là chi phí bán hàng gấp gần 5 lần, lên 24 tỷ đồng, vẫn chiếm phần lớn là các chi phí khác bằng tiền.
Việc thu lãi 104 tỷ đồng trong quý 4 được VTP cho biết là nhờ Tổng Công ty mở rộng kinh doanh, đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Còn kết quả quý 4/2022 bị lỗ do điều chỉnh theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Tương tự, kết quả lãi ròng 380 tỷ đồng cả năm 2023 của VTP tăng đến 49% cũng nhờ tỷ lệ giảm giá vốn cao hơn, cùng khoản thu từ hoạt động tài chính tăng thêm 30%, đạt 137 tỷ đồng dù các chi phí đồng loạt bị đội lên.
Hồi đầu năm, Công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 18.4 ngàn tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 376 tỷ đồng. Việc đặt mục tiêu doanh thu đi lùi là do Ban lãnh đạo dự kiến sẽ giảm doanh thu từ bán thẻ cào viễn thông, đồng thời mảng chuyển phát và logistics sẽ tăng khoảng 30%. Như vậy, VTP đã hoàn thành mục tiêu như đã đề ra trước đó.
Kết quả thực hiện so với kế hoạch năm 2023 của VTP (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Cuối năm 2023, VTP có một số biến động đáng kể trên bảng cân đối kế toán. Chẳng hạn, tiền và các khoản tương đương tiền gấp đôi so với đầu năm, thêm hơn 400 tỷ đồng. Xuất hiện khoản trả trước cho người bán 290 tỷ đồng đối với CTCP Thương mại Hà Anh. Việc mở rộng kinh doanh của VTP đạt hiệu quả một phần nhờ khoản phải trả ngắn hạn, tăng 95% lên 650 tỷ đồng.
Một số tài sản xây dựng dở dang được ghi nhận mới như mua sắm ô tô tải 57 tỷ đồng; xây dựng phần mềm quản lý xe 4.7 tỷ đồng; dự án trung tâm Logistics Đà Nẵng 609 triệu đồng.
Khoản tiền thu từ đi vay cũng như trả nợ gốc vay, xấp xỉ 33 ngàn tỷ đồng, đột biến gần 90% so với giai đoạn cùng kỳ có thể xem là minh chứng cho sự hỗ trợ trong việc mở rộng kinh doanh năm vừa qua, nhiều nhất là vay từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) và Ngân hàng TMCP Quân Đội (HOSE: MBB). Đây là mức cao nhất của VTP từ trước với nay.
Diễn biến tiền thu từ cho vay và trả nợ gốc vay của VTP từ năm 2010 |
|
Trong năm 2023, VTP cũng chi mua sắm, xây dựng tài sản cố định lên tới 471 tỷ đồng trong khi năm trước chỉ 29 tỷ đồng, cũng lại là năm ghi nhận mức cao kỷ lục. Mua sắm phương tiện vận tải, truyền dẫn tăng thêm 132 tỷ đồng; máy móc, thiết bị tăng 55 tỷ đồng.
Ngoài ra, dưới góc nhìn của một cổ đông, điểm tích cực nhất có lẽ là VTP tiếp tục duy trì chi cổ tức ở mức cao so với lãi kiếm được trong những năm gần đây.
Diễn biến tiền chi cổ tức và lãi ròng của VTP từ năm 2010 |
|
Tử Kính
FILI
|