Quỹ Vision Fund của SoftBank chuyển sang chiến lược đầu tư thận trọng
Từng được biết đến với việc đưa ra mức định giá hàng chục con số cho các thương vụ của mình, Vision Fund của SoftBank đang chuyển sang áp dụng cách tiếp cận khiêm tốn, chậm rãi hơn.
Vision Fund thay đổi cách tiếp cận
Vào tháng 1, công ty khởi nghiệp TravelPerk của Tây Ban Nha đã kết thúc vòng gọi vốn. Số tiền họ huy động được ít hơn so với hai năm trước với định giá cao hơn một chút là 1.4 tỷ USD.
Điều đáng ngạc nhiên là người hậu thuẫn chính của TravelPerk là SoftBank, một nhà đầu tư Nhật Bản sở hữu quỹ Vision Fund, dưới sự dẫn dắt của người sáng lập Masayoshi Son, nổi tiếng với việc đưa ra mức giá quá cao cho các startup cho đến khi họ gánh chịu khoản lỗ khổng lồ. Sau đó, SoftBank im lặng. Một năm sau, Vision Fund quay trở lại rót vốn, nhưng tránh xa các startup tăng trưởng cao, như WeWork và công ty giao bánh pizza Zume.
Khi các nhà đầu tư công nghệ khác đổ tiền vào công ty trí tuệ nhân tạo mới, Vision Fund vẫn đứng ngoài cuộc. Thay vào đó, họ cấp vốn có chừng mực hơn cho các công ty như TravelPerk - một công ty bán phần mềm dành cho chuyến đi công tác và kết hợp các công cụ AI thay vì phát minh ra những công cụ mới. Alex Clavel, đồng giám đốc điều hành của quỹ, cho biết Vision Fund đang “xem xét rất cẩn thận” các công ty AI thế hệ mới, nhưng song sẽ đặt cược một cách khôn ngoan.
“Chúng tôi có nên thận trọng và nhạy cảm hơn một chút trong việc định giá không?”, ông Sumer Juneja - Giám đốc khu vực EMEA và Ấn Độ của SoftBank, cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng của công ty ở London: “Chắc chắn là có”.
Cách tiếp cận thận trọng của SoftBank được đưa ra sau thời kỳ suy thoái của thị trường do lãi suất cao hơn, hoạt động IPO gần như im ắng, cũng như do những cuộc đấu tranh tài chính trong chính công ty.
Vision Fund I, một quỹ khổng lồ được hỗ trợ bởi các quỹ đầu tư quốc gia của Ả Rập Xê Út và Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, phần lớn đã ngừng tìm kiếm các startup mới, ngay cả khi họ thu được lợi nhuận khổng lồ từ cổ phần trong các công ty như DoorDash và ByteDance.
Vision Fund II, được ra mắt vào năm 2019, hoàn toàn dựa vào tiền của SoftBank, một nguồn vốn đã tăng đáng kể trong tuần qua nhờ quyền sở hữu đa số tại Arm Holdings. Tuy nhiên, quỹ thứ hai đã thua lỗ 19 tỷ USD tính đến quý 4/2023.
Trong khi đó, ông Son tăng cường giao dịch ở nơi khác, đầu tư trực tiếp thông qua SoftBank vào xe tải tự lái, kho bãi và các dự án AI khác mà công ty coi là “chiến lược”. Tính đến quý 4/2023, SoftBank đã đầu tư số tiền gấp gần ba lần thông qua bảng cân đối kế toán của chính mình so với thông qua Vision Fund.
Trong bối cảnh lĩnh vực công nghệ của châu Âu đang tụt hậu so với Mỹ và châu Á, khu vực này có thể trở thành nơi để thử nghiệm chiến lược mới của Vision Fund.
Ông Juneja, người gia nhập SoftBank vào năm 2018, đã chỉ đạo nhóm của mình bỏ qua các giao dịch định giá startup trên 1 tỷ USD và không một mình dẫn đầu các vòng gọi vốn. Họ cũng được yêu cầu không mua quá 1/5 vốn cổ phần của một startup và hướng tới mục tiêu thoát ra từ 4 tỷ USD trở xuống.
SoftBank sẽ đầu tư “một cách dè dặt”, như giám đốc tài chính của công ty đã nói vào mùa hè năm ngoái, “với nỗi sợ hãi trong lòng”.
Đây là một bước đi đáng chú ý so với sự khoa trương ban đầu của công ty. Ra mắt tại London vào năm 2017 với số vốn trị giá 100 tỷ USD và một đội ngũ đông đảo, Vision Fund I đã thực hiện một bước đột phá đầy “sốc và kinh ngạc” vào lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư người Anh Keith Wallington nhớ lại. Vision Fund II nhỏ hơn và không có nhà đầu tư bên ngoài, nhưng nó cũng có những biến động lớn, một mình tạo ra những “kỳ lân” ở những thị trường như Ấn Độ.
Ông Masayoshi Son
|
Cơ hội bị lỡ khi quá thận trọng?
SoftBank hiện tập trung vào việc quản lý danh mục đầu tư hiện có và hạn chế thua lỗ. Sau khi đầu tư hơn 40 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp trong năm tài chính 2021, Vision Fund II đã đầu tư 3.8 tỷ USD vào năm 2023 và chỉ đầu tư 90 triệu USD trong quý cuối của năm ngoái.
Sự thận trọng của quỹ khiến các nhà phân tích lo ngại, họ lo lắng rằng quỹ này sẽ bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền từ AI. Các nhà phân tích tại CLSA cho rằng: “Tâm lý nhà đầu tư vẫn rất mạnh mẽ đối với các công ty AI trên toàn cầu, nhưng đối với SoftBank thì không”.
Về AI, Vision Fund đã thực hiện một cách tiếp cận khác với nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm. Quỹ đã rút lui khỏi việc đầu tư ngay khi AI bùng nổ và hạn chế hỗ trợ các startup xây dựng các mô hình ngôn ngữ lớn. Thay vào đó, Vision Fund đang nhắm mục tiêu vào các công ty có kênh bán hàng lâu đời và dữ liệu độc quyền quan tâm đến việc kết hợp AI, thay vì tự xây dựng nó.
Ông Juneja trích dẫn một số khoản đầu tư gần đây của Softbank vào châu Âu, bao gồm Job&talent, một nền tảng tuyển dụng; ContractPodAi, nhà cung cấp quản lý phần mềm; và TravelPerk. Đây đều là những công ty có “quyền truy cập dữ liệu, phân phối và khách hàng” và có thể tận dụng những tiến bộ AI mới nhất.
Khi SoftBank theo đuổi chiến lược mới, một trong những mục tiêu chính của họ sẽ là thu lợi nhuận từ danh mục đầu tư khổng lồ thay vì tạo điều kiện cho các startup thua lỗ phát triển. Trong một cuộc thăm dò gần đây về các công ty khởi nghiệp của mình, Vision Fund phát hiện ra rằng hầu hết đều lạc quan về cơ hội IPO sẽ quay trở lại vào cuối năm 2024.
Kim Dung (Theo Bloomberg)
FILI
|