PwC: 63% CEO ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nghi ngờ về khả năng tồn tại của công ty trong 10 năm tới
Theo kết quả khảo sát năm 2023 của công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC), 63% các CEO tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho rằng công ty của họ sẽ không thể tiếp tục tồn tại sau 10 năm nữa nếu vẫn tiếp tục hoạt động theo chiến lược hiện tại.
Đâu là thách thức lớn nhất?
Theo báo cáo của PwC, thách thức lớn nhất mà các CEO khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải đối mặt là thực trạng của nền kinh tế toàn cầu.
Theo kết quả khảo sát năm nay với 1,774 CEO trong khu vực, PwC tiếp tục nhận thấy sự lo ngại của các lãnh đạo doanh nghiệp khi con đường phía trước vẫn chưa rõ ràng.
Quan điểm của họ về triển vọng kinh tế toàn cầu rất khác nhau: 45% cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm, trong khi 40% kỳ vọng tình hình sẽ cải thiện hơn vào năm 2024.
Riêng châu Á vẫn được đánh giá là điểm sáng tăng trưởng trên toàn cầu, với nhiều dấu hiệu phục hồi từ hoạt động xuất khẩu và nhu cầu nội địa mạnh mẽ. Ngoài ra, khu vực này còn hưởng lợi từ sự chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Kết quả khảo sát các CEO của PwC
|
Ngoài ra, các CEO trong khu vực tiếp tục phải đối mặt với những thách thức về cơ cấu và độ phức tạp ngày càng tăng, bao gồm các chính sách thắt chặt tài chính và ngân sách, tốc độ phục hồi chậm hơn dự kiến của khu vực và sự thay đổi mô hình thương mại.
Nghi ngờ về khả năng tồn tại của doanh nghiệp
Trong bối cảnh hiện tại, phần lớn CEO cho rằng họ cần phải đổi mới để thích ứng với các xu hướng của tương lai.
Khi được hỏi về việc họ đã làm gì để giải quyết nhu cầu chuyển đổi cấp bách, 97% CEO tham gia khảo sát cho biết họ đã thực hiện ít nhất một số bước để thay đổi cách họ kiến tạo, truyền tải và nắm bắt giá trị trong 5 năm qua.
Tuy vậy, những bước thay đổi gần đây có lẽ vẫn chưa đủ để họ cảm thấy tự tin về tương lai. 63% các CEO vẫn không chắc chắn về khả năng tồn tại của công ty họ nếu tiếp tục chiến lược hiện tại. Con số này tăng hơn 10 điểm phần trăm so với năm ngoái và cao hơn 18 điểm phần trăm so với mức trung bình của các CEO toàn cầu.
Theo PwC, lo ngại này được thể hiện rõ rệt nhất đối với các CEO tại Hàn Quốc, Trung Quốc và Hồng Kông, nhóm đang phải đối mặt với nguy cơ ngày càng tăng trước căng thẳng địa chính trị và những trở ngại kinh tế từ các đối tác thương mại của họ, làm tăng thêm nhu cầu chuyển đổi trong các lãnh thổ này.
Điều này đặt ra một nhiệm vụ kép đối với các CEO: Họ phải tập trung vào những thách thức về lợi nhuận, nhưng đồng thời cũng cần đổi mới hoạt động kinh doanh để đảm bảo khả năng thích ứng với các xu hướng tương lai.
Những xu hướng nổi bật
Trong đó, biến đổi khí hậu và sự đột phá về công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI, Generative AI) là hai xu hướng nổi bật đang tạo sức ép khiến các CEO khu vực châu Á Thái Bình Dương phải thực hiện chiến lược đổi mới.
Mặc dù các doanh nghiệp đã có những tiến bộ đáng kể trong quá trình giảm phát thải các-bon, khoảng 20% CEO hiện vẫn chưa áp dụng các hoạt động khác liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu. Những rào cản đối với tiến trình khử các-bon toàn cầu bao gồm: Sự phức tạp trong quy định, lợi nhuận từ các khoản đầu tư thân thiện với môi trường thấp hơn và thiếu các công nghệ thân thiện với môi trường đặc thù của ngành. Tuy nhiên, các CEO đã cho thấy sự sẵn sàng chấp nhận lợi nhuận thấp hơn cho các khoản đầu tư thân thiện với môi trường.
Liên quan đến GenAI, các CEO đều dự đoán rằng GenAI sẽ có tác động đáng kể trong vòng ba năm tới, nhưng tỷ lệ áp dụng lại không đồng nhất. Họ cũng bày tỏ sự lạc quan về hiệu quả và tiềm năng tăng doanh thu mà GenAI mang lại, nhưng vẫn tồn tại những lo ngại về việc một số vai trò công việc sẽ bị thay thế và vấn đề rủi ro an ninh mạng. Trong đó, đào tạo kỹ năng được đánh giá là rất quan trọng nhằm đảm bảo việc làm và tối đa hóa lợi ích của AI.
Bớt lo ngại về lạm phát, xung đột địa chính trị
Khảo sát của PwC cũng cho thấy các CEO cảm thấy ít quan ngại hơn về các mối đe dọa trong tương lai gần, bao gồm: Lạm phát (giảm 21%), biến động kinh tế vĩ mô (giảm 9%) và xung đột địa chính trị (giảm 12%).
Theo PwC, điều này có thể là do các CEO đang tập trung hơn vào việc giải quyết những rủi ro ngắn hạn và đạt được một số thành công - so với tập trung vào tính bền vững lâu dài của doanh nghiệp của họ.
Thiên Vân
FILI
|