Dầu WTI lên cao nhất kể từ tháng 11/2023
Giá dầu ghi nhận mức tăng mạnh trong tuần qua vào ngày thứ Sáu (16/02), khi căng thẳng âm ỉ ở Trung Đông làm lu mờ tình trạng lạm phát dai dẳng ở Mỹ và triển vọng nhu câu u ám trong năm nay.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/02, hợp đồng dầu WTI tiến 1.16 USD (tương đương 1.49%) lên 79.19 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent cộng 61 xu lên 83.47 USD/thùng.
Giá dầu WTI vọt 3% trong tuần lên mức cao nhất kể từ ngày 06/11/2023. Giá dầu Brent tăng 1.5% trong tuần, lên mức cao nhất kể từ ngày 26/01/2024.
Căng thẳng đang leo thang ở biên giới Israel và Lebanon, một lần nữa làm dấy lên lo ngại rằng cuộc chiến ở Gaza có thể lan rộng ra các nơi khác ở Trung Đông.
Thị trường dầu trong tuần này gần như đã bỏ qua tình trạng lạm phát dai dẳng ở Mỹ cũng như triển vọng nhu cầu u ám trong năm nay.
Theo một báo cáo của Bộ Lao động Mỹ vào ngày thứ Sáu, giá bán buôn tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 1/2024. Giá tiêu dùng cũng tăng cao hơn so với dự báo trong tháng trước, theo dữ liệu công bố vào ngày 13/02.
Lạm phát dai dẳng đang làm giảm kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm hạ lãi suất. Lãi suất thấp hơn thường kích thích tăng trưởng kinh tế, từ đó thúc đẩy nhu cầu dầu thô.
Giá dầu tăng vọt vào ngày 15/02 sau khi thị trường hầu như phớt lờ dự báo nhu cầu toàn cầu suy yếu trong năm 2024 từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
IEA dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ chậm lại 50% tốc độ trong năm nay, xuống còn 1.2 triệu thùng/ngày trong năm 2024, thấp hơn so với mức 2.3 triệu thùng/ngày trong năm 2023. Nguồn cung được dự báo sẽ vượt nhu cầu, với sản lượng ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng 1.7 triệu thùng/ngày, theo IEA.
Tuy nhiên, OPEC vào ngày 13/02 dự đoán thị trường sẽ thắt chặt hơn nhiều trong năm nay, với nhu cầu tăng 2.2 triệu thùng/ngày, vượt xa mức tăng trưởng sản lượng bên ngoài nhóm mà OPEC cho biết sẽ đạt tổng cộng 1.2 triệu thùng/ngày.
An Trần (theo CNBC)
FILI
|