Nhịp đập Thị trường 01/02: Hồi sức sau cơn bão
Dù chịu áp lực lớn hơn trong nửa cuối phiên chiều, nhưng thị trường vẫn có những nhip tăng ngắn và gọn gàng để lấy lại điểm số tăng. Kết thúc ngày 01/02, VN-Index tăng 8.71 điểm để vượt qua ngưỡng 1,173 điểm, bên cạnh đó là HNX tăng 1.4 điểm lên mức 230.57 điểm và UPCoM tăng 0.33 điểm lên mức 88.02 điểm.
Riêng VN-Index, độ rộng thị trường nghiêng về bên mua khi có đến 26 cổ phiếu tím trần và 390 cổ phiếu kết thúc trong sắc xanh, chiếm ưu thế hơn so với 267 mã đỏ và 16 mã sàn. Tuy nhiên điểm trừ là thanh khoản có sa sút so với phiên giảm điểm giảm mạnh hôm qua.
Trong các cổ phiếu tác động lớn đến thị trường, VCB đóng góp lớn nhất với hơn 1.8 điểm tăng. Tiếp đến GVR và FPT lần lượt đóng góp 1.6 điểm và 1.4 điểm tăng, bỏ xa nhóm phía sau. Ở chiều ngược lại, 3 cổ phiếu ngân hàng nằm trong nhóm những cổ phiếu dẫn đầu kéo tụt điểm của VN-Index, gồm BID (-0.6 điểm), VPB (-0.5 điểm) và TCB (-0.3 điểm).
Xét theo nhóm ngành, nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin dẫn đầu mới mức tăng lên đến 4.18%, với sự bứt phá của FPT khi tăng đến 4.39%, theo sau lần lượt là CTR tăng 3.5% và CMG tăng 2.51%.
Xếp ngay sau là nhóm công nghệ thông tin, các cổ phiếu sản xuất nhựa – hóa chất tăng 4.06%, với sự xuất sắc của GVR “tím trần” cùng mức tăng khá tốt của các “ông lớn” khác như DCM (+2.05%), DPM (1.07%), PHR (+5.47%).
Trong một phiên mà thị trường tăng điểm tốt, chỉ có 3 nhóm ngành giảm điểm là sản phẩm cao su, tài chính khác và xây dựng, với các mức giảm lần lượt 1.37%, 1.09% và 0.1%, nhìn chung không tác động nhiều đến thị trường.
Khối ngoại đã cực mua bán hơn, thể hiện qua giá trị mua và bán đều cao hơn so với vài phiên gần đây, lần lượt đạt 580 tỷ đồng và 541 tỷ đồng. Tuy nhiên những con số khá cân bằng nhau khiến giá trị mua ròng chỉ hơn 39 tỷ đồng, thấp nhất trong 4 phiên gần nhất.
14h00: Sự hứng khởi được tiếp nối nhưng khối ngoại đang thu hẹp đà mua ròng
Đầu phiên chiều, VN-Index nối tiếp sự hứng khởi phiên sáng khi tiếp tục tăng điểm lên vùng 1,172 điểm, tính tại thời điểm 14h, trước đó đã có lúc vượt ngưỡng 1,174 điểm. Trong khi đó, mức tăng của HNX và UPCoM không thay đổi nhiều.
Phiên hôm nay chứng kiến sự hỗ trợ lớn từ các cổ phiếu trụ khi lần lượt VCB, GVR, GPT, CTG, MWG đều tăng điểm và đóng góp lần lượt 2.2 điểm, 1.6 điểm, 1 điểm, 0.6 điểm và 0.5 điểm tăng cho thị trường. Trong khi đó, lực tác động giảm điểm lên chỉ số đang suy yếu khi VHM, VIC hay TCB dù đứng đầu về kéo giảm điểm thị trường nhưng cũng chỉ ở mức 0.4 điểm, 0.3 điểm và 0.2 điểm.
Giao dịch khối ngoại tạo ra đôi chút lo lắng khi đà mua ròng giảm đáng kể, hiện tại mức mua ròng chỉ còn gần 48 tỷ đồng, chịu tác động chủ đạo bởi lực bán tại cổ phiếu VHM, VRE, VIC và BID
Nhóm cổ phiếu sản xuất nhựa, hóa chất tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu các nhóm ngành tăng điểm, với sự dẫn dắt của GVR tím trần, DCM tăng 2.21% và DPM tăng 1.22%. Riêng DGC đảo chiều giảm điểm nhẹ 0.11%.
Đứng ngay sau là nhóm công nghệ thông tin tăng 3.02%, nổi bật hơn tất cả là FPT tăng 3.24%. Những ông lớn khác trong ngành như CTR hay CMG cũng tăng lần lượt 1.86% và 1.5%.
Ở chiều ngược lại, có 5 nhóm ngành giảm điểm nhưng mức giảm cao nhất cũng chỉ 0.8% ở nhóm sản phẩm cao su. Tiếp đến là tài chính khác, sản xuất phụ trợ, sản xuất hàng gia dụng, bất động sản với mức giảm dưới 0.4%.
Phiên sáng: Duy trì đà hồi phục, VN-Index tăng gần 7 điểm
Phe mua dần chiếm ưu thế hơn khi dần về cuối phiên sáng, FPT đóng góp hơn 1 điểm tăng cho chỉ số, tiếp đến là GVR, VCB, MWG. Thanh khoản được cải thiện rõ rệt so với phiên hôm qua và trung bình 5 phiên.
Lực mua của khối ngoại có đôi chút suy yếu còn hơn 117 tỷ đồng, PNJ vẫn dẫn đầu, theo sau là MWG và HPG. Ở chiều ngược lại, VRE, VHM, VIC là 3 cổ phiếu dẫn đầu đà bán.
Nhóm cổ phiếu sản xuất nhựa, hóa chất bứt tốc để dẫn đầu các nhóm ngành tăng điểm, với sự dẫn dắt của GVR tím trần, DGC tăng 0.11%, DCM tăng 1.42% và DPM tăng 0.31%. Đứng ngay sau là nhóm công nghệ thông tin và nhóm bán lẻ.
Ở chiều ngược lại, chỉ có 2 nhóm ngành giảm điểm là tài chính khác giảm 0.24% và sản phẩm cao su giảm 0.17%.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 6.81 điểm lên 1,171.12 điểm, HNX tăng 1.05 điểm lên 230.23 điểm và UPCoM tăng 0.23 điểm lên 87.92 điểm.
10h40: Nhịp tăng trở lại sau đoạn suy yếu
Sau những phút tăng tốt đầu phiên, chỉ số bắt đầu chịu áp lực bán và đã có thời điểm về dưới ngưỡng tham chiếu. Nhưng rất nhanh sau đó lực mua quay lại giúp thị trường trở lại với “sắc xanh”. Tới 10h30, VN-Index đã tăng hơn 3.5 điểm lên gần 1,168 điểm, HNX cũng có cùng diễn biến, riêng UPCoM đang “đỏ” nhẹ.
FPT, GVR, VCB, MWG là những cái tên đóng góp điểm tăng lớn nhất thị, trong khi hai các cổ phiếu ngân hàng như BID, VPB, TCB cùng với 2 cổ phiếu họ Vingroup là VIC, VHM tạo áp lực lớn lên chỉ số.
Khối ngoại hỗ trợ phần nào đà tăng cho thị trường khi đang mua ròng gần 180 tỷ đồng, vẫn tập trung mua ròng PNJ hơn 294 tỷ đồng, bỏ xa nhóm phía sau là MWG và HPG. Ngược lại, các cổ phiếu họ Vingroup gồm VRE, VHM, VIC đều nằm trong nhóm bị bán ròng nhiều nhất.
Nhóm ngành công nghệ thông tin tiếp tục tích cực khi đã tăng hơn 3%, dẫn dắt bởi ông lớn công nghệ FPT tăng 3.24%, tiếp đến là CTR tăng 2.63% và VMG tăng 1.5%.
Theo sau là nhóm bán lẻ tăng 2%, trong đó MWG tăng 2.748% và FRT tăng 2.44%. Riêng PNJ dù được khối ngoài mua ròng mạnh nhưng đang giảm nhẹ 0.44%.
Ở chiều ngược lại, sản phẩm cao su là ngành giảm mạnh nhất với DRC và CSM giảm lần lượt 0.31% và 2.66%. Tuy giảm nhưng khá nhẹ và không tác động nhiều đến chỉ số.
Mở cửa: Liệu có cú hồi
Sau phiên giảm hơn 15 điểm ngày hôm qua, VN-Index mở đầu phiên giao dịch ngày 01/02 tăng nhẹ hơn 1 điểm, lên mức 1,165.61 điểm, với sự đóng góp của một vài cổ phiếu trụ như VCB, FPT hay SAB. Ở chiều ngược lại, VPB, VIC và VHM tạo ra sức nặng khi đang là cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến thị trường. Diễn biến tăng nhẹ cũng đang diễn ra với HNX và UPCoM.
Thanh khoản đầu ngày tương đương phiên trước và trung bình 5 phiên gần nhất. Khối ngoại đang tạm mua ròng hơn 263 tỷ đồng, tập trung gần như toàn bộ vào PNJ (hơn 294 tỷ đồng). Về phía bán ròng, VRE và VCB dẫn đầu nhưng mức bán không đáng kể.
Xét theo lĩnh vực, nhóm ngành công nghệ thông tin có mức tăng ấn tượng nhất với sự dẫn đầu của FPT (tăng 1.88%) và CTR (tăng 0.22%). Tiếp theo sau là dịch vụ tư vấn hỗ trợ, bảo hiểm, thực phẩm đồ uống với mức tăng dưới 1%.
Trái ngược với diễn biến “xanh” kể trên, các nhóm ngành lại mang sắc “đỏ” nổi bật có thể kể đến là dịch vụ lưu trú với sức nặng từ OCH (giảm 2.9%) hay sản phẩm cao su với DRC và CSM giảm lần lượt 0.63% và 0.76%. Nhìn chung, các mức giảm đang tương đối nhẹ nhàng.
Huy Khải
FILI
|